Bài 2 - Có tiền, có chất lượng?

Dân lập: Học phí cao là tất yếu (?!)

“Học phí tăng là phù hợp với tình hình thực tế của thị trường”. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐHDL Hồng Bàng khẳng định. Theo phân tích của ông Hùng, không chỉ có mình ĐHDL Hồng Bàng tăng mà hầu hết các trường khác cũng đều đồng loạt “lên giá” để bù lại giá cả thị trường leo thang, tiền đầu cơ sở vật chất. Trường cũng lý giải mức học phí “ngất trời” ở những ngành kỹ thuật và đặc biệt là hai ngành điều dưỡng và kỹ thuật y học vì trường phải ký hợp tác liên kết với các trung tâm y tế, thuê mướn trang thiết bị học tập, thực hành, thuê giáo viên (GV) nên học phí cao là tất yếu (?!).

Chỉ tính riêng tiền đầu tư thuê mướn, mua sắm các trang thiết bị thực hành đã chiếm tới 60% học phí, 20% để trả lương cho GV, 10% tiền thuê mặt bằng và 10% còn lại dành cho các hoạt động khác. Riêng các ngành CNTT, kỹ thuật ô tô trong năm qua trường đã đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị. Ngoài ra, đối với các ngành khác, trường còn thuê mướn cả GV nước ngoài dạy nên chi phí rất cao.

PGS-TS Lê Văn Lý, Hiệu trưởng ĐHDL Hùng Vương cho biết, năm nay học phí của trường dao động trên dưới 6 triệu đồng/năm, tăng hơn năm cũ 1 triệu đồng. Mức học phí không có gì là quá cao so với một số trường khác và tương xứng với điều kiện trường đã đầu tư cho SV như tất cả SV được học trong phòng học hoàn toàn mới, phòng có gắn máy lạnh, máy chiếu…”. Ngoài lý do tăng học phí cho hoạt động giảng dạy, học phí cũng phải tính theo thị trường như tiền thuê cơ sơ vật chất tăng gấp 3-4 lần, lương trả cho GV cũng phải tăng 20%-30%.

Công lập: tăng học phí để... bù lỗ

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tăng 30% học phí so với mức cũ với mục đích duy nhất là… bù lỗ. TS Tạ Xuân Tề, hiệu trưởng nhà trường, làm một bài toán kinh tế “không lợi nhuận”: Trường đang đào tạo gần 42.000 SV, học sinh từ trung cấp nghề đến ĐH, nhưng chỉ nhận được 12 tỷ đồng kinh phí do nhà nước cấp, bình quân mỗi HS được đầu tư chừng 300.000 đồng/năm, SV chỉ được hưởng 266.000-292.000 đồng.

So với kinh phí đào tạo được quy định thì thiếu… gần 96%, nên dù đã thu học phí theo mức mới thì nhà trường vẫn phải bù lỗ 2-4 triệu đồng/SV/năm. Đó là chưa kể các khoản mà trường phải gánh giùm SV như ký túc xá, bếp ăn tập thể… Nhiều năm liền, trường phải lấy chỗ nọ bù chỗ kia, “giật gấu vá vai” từ công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, sản xuất… bù cho đào tạo.

Ở ĐH Y Dược TPHCM, mỗi SV được trường bù lỗ hơn 3,8 triệu đồng. Năm 2008, nhà nước rót cho trường 12 tỷ đồng mới đạt 4,55% so với kinh phí quy định để đào tạo SV; HS-SV đóng học phí 52,28%, nhà trường trích từ các nguồn thu khác bù lỗ bình quân cho mỗi SV 43,17% tiền học phí. Đó là chưa kể mỗi năm trường miễn giảm cho hơn 3.200 SV diện chính sách với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

Thực tế, chúng ta đang áp dụng mức học phí ĐH vào hàng rẻ nhất thế giới (mức cao nhất là 180.000 đồng/tháng, tức khoảng 150 USD/năm), thấp hơn học phí gửi trẻ vào trường mẫu giáo. TS Lê Khắc Cường, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐHKHXH-NV TPHCM còn chỉ ra nghịch lý chi phí cho việc học của SV chưa bằng 1/10 cho các chi phí sinh hoạt khác. Bậc ĐH, CĐ đào tạo ra nguồn lao động có chất lượng, nhưng lại có mức thu và đầu tư quá thấp. Việc nâng mức thu học phí góp phần cải thiện chất lượng đào tạo, đồng thời góp phần phân luồng HS vào các trường trung cấp, vì học phí ĐH lại thấp hơn học nghề thì không lý do gì người học chọn bậc học thấp với học phí cao hơn.

Cú hích nâng chất?

PGS-TS Trương Đình Kiệt, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM, ngạc nhiên về học phí từ 11 triệu đến gần 14 triệu đồng của ngành điều dưỡng và kỹ thuật y học – mức phí quá cao so với điều kiện kinh tế của người VN. “Tôi biết có một vài trường đào tạo trung cấp 2 ngành này có mức học phí khoảng 8 triệu đồng/năm.

Nhưng đào tạo ĐH thì hơi bất ngờ vì nguồn giảng viên đào tạo 2 ngành này rất khan hiếm, ngay cả ở trường lớn như ĐH Y dược vẫn thiếu nguồn giảng viên giỏi cho những ngành này thì các trường sẽ thuê mướn giảng viên ra sao? Đem người dạy chuyên ngành bác sĩ mà dạy về điều dưỡng và kỹ thuật y học không khoa học và thích hợp lắm. Hơn nữa, cơ sở vật chất, thực tập của các trường liệu có đáp ứng được cho người học y khoa?”. Hiện tại, học phí 2 ngành này của trường vẫn được giữ mức thu theo quy định là trên dưới 1,8 triệu đồng.

Có vẻ như, để giải quyết bài toán chất lượng ĐH, khâu đầu tiên quan trọng là “tiền đâu”. Ông Tạ Xuân Tề đưa dẫn chứng: Chẳng có một thầy nào có học hàm, học vị sống được với mức lương 4-6 triệu đồng/tháng, họ đành nhảy sang lĩnh vực khác hoặc phải chạy “sô”, đằng nào thì chất lượng đào tạo cũng giảm và không tránh khỏi lãng phí.

Đã đến lúc phải kêu gọi xã hội chia sẻ cùng các trường cải thiện chất lượng đào tạo. Đã đến lúc thay vì trả học phí thấp theo mức thu nhập hiện tại của quốc gia, các trường sẽ thu ở mức đảm bảo chất lượng đào tạo.

Người dân đồng lòng cùng ngành nâng cao chất lượng GD-ĐT bậc ĐH, nhưng tăng học phí không có nghĩa là chất lượng sẽ đột nhiên tăng mà đòi hỏi phải có giáo trình tiên tiến, đội ngũ giỏi và trang thiết bị học tập hiện đại. Tiền có thể giúp trường nâng cấp cơ sở vật chất, song những bất cập về nội dung chương trình đào tạo, chất lượng đội ngũ ở một số trường, nhất là trường ngoài công lập, đã bị Bộ GD-ĐT cảnh báo nhiều lần vẫn chưa được khắc phục.

Theo đánh giá của bộ về xây dựng chương trình đào tạo của các trường, nhược điểm nổi bật và khá phổ biến là các trường không phân được sự khác biệt giữa ngành đào tạo với chương trình đào tạo và các hướng chuyên sâu của ngành; mục tiêu đào tạo còn chung chung, lấy nguyên văn từ Luật Giáo dục; không xác định các yêu cầu về kiến thức kỹ năng của SV sau khi học xong chương trình…

Phương án tăng học phí của các trường có những con số rõ ràng, song đột phá khâu chất lượng đào tạo thì chỉ ở dạng tiềm ẩn, SV học lý thuyết vẫn nhiều hơn thực hành. Rõ ràng, học phí phải tùy thuộc chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo và tăng học phí mới chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa “đủ” để đảm bảo tăng chất lượng. Chủ trương tạo đột phá trong tài chính cho giáo dục ĐH không chỉ là tăng tiền mà còn là chuyện Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới cơ chế tài chính giáo dục ĐH như thế nào. Các trường mong được tự chủ thật sự về tài chính, được quyết định chương trình và nội dung giảng dạy để không chỉ nâng cao chất lượng mà còn tạo tính cạnh tranh trong đào tạo ĐH.

Theo DOANH – HÀ – HÙNG ( SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm