Bài báo khoa học bị rút khỏi tạp chí quốc tế vì đạo văn

Những ngày gần đây, giới khoa học trong và ngoài nước xôn xao trước sự kiện 2 tạp chí uy tín về vật lý trên thế giới đã có tuyên bố rút lại bài báo đã được đăng do tác giả đạo văn.

Bài báo khoa học bị rút khỏi tạp chí quốc tế vì đạo văn ảnh 1
Thông báo của Ban Biên tập tạp chí EPL rút bài báo khỏi tạp chí do đạo văn và toàn văn bài báo có đóng chữ RETRACTED (tạm dịch: đã bị rút lại)  

Đó là bài báo Was the fine-structure constant variable over cosmological time? (tạm dịch: Hằng số tương tác điện từ có thay đổi theo thời gian?) của nhóm tác giả Lê Đức Thông, tiến sĩ Nguyễn Mộng Giao - Viện Vật lý TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng - Viện Vật lý Hà Nội và tiến sĩ Trần Văn Hùng - Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ. Tạp chí EPL trong số phát hành tháng 6.2010 đã có thông báo chính thức rút lại bài báo trên vì đã vi phạm một nguyên tắc quan trọng trong nghiên cứu khoa học: đạo văn (nguyên văn: plagiarism). Trước đó, vào tháng 2.2010, trên trang web chính thức, tạp chí Physics Letters B cũng có thông báo rút bài báo mang tên Search for cosmological time variation of the fine-structure constant using low-redshifts of quasar (tạm dịch: Nghiên cứu sự thay đổi theo thời gian vũ trụ của hằng số đẹp sử dụng dịch chuyển đỏ thấp của quasar) của nhóm tác giả Lê Đức Thông, Nguyễn Mộng Giao và Trần Văn Hùng ra khỏi những bài báo trong giai đoạn “in press” (Những bài báo đang được để trên mạng, trong giai đoạn xem xét chuẩn bị in trên tạp chí - NV) theo yêu cầu của ban biên tập. Chúng tôi đã liên hệ với tác giả chính của 2 bài báo này là ông Lê Đức Thông vào sáng ngày 26.10. Lần đầu ông nhận điện thoại nhưng do đang đi trên đường nên hẹn chúng tôi 14 giờ gọi lại. Nhưng sau đó ông Thông tắt máy. Chúng tôi cũng đã tiếp xúc với ông Nguyễn Mộng Giao - nguyên Trưởng phòng Vật lý năng lượng và Vật lý môi trường, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý TP.HCM, ông Trần Văn Hùng - cán bộ vận hành của Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ và lãnh đạo Viện Vật lý TP.HCM. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng phần trả lời của các bên liên quan. Tiến sĩ Nguyễn Mộng Giao:Thông tự ý cho tên tôi vào* Ông có tham gia vào bài báo được đăng trên tạp chí EPL do ông Lê Đức Thông là tác giả thứ nhất không?- Tôi xin khẳng định, bài báo này không có một chữ nào của tôi mà hoàn toàn là do Thông tự viết, tự ý cho tên tôi vào rồi gửi đăng báo. Có thể nói, Thông đã gửi “chui” bài báo này mà không hề nhận được sự đồng ý của tôi. Trước đó, tôi có giao cho Thông một bài toán nhưng đến nay Thông vẫn chưa giải được, và bài viết này có liên quan đến một phần của bài toán đó. Khi Thông viết bài báo này đưa cho tôi xem, tôi đã yêu cầu Thông sửa đi sửa lại nhiều lần, nhưng do nản quá nên tự ý gửi đi đăng, tôi không hề biết gửi đi đâu và khi nào. Thậm chí 2 tác giả còn lại tôi cũng không biết họ là ai.

“Bài viết cũng có kết quả mới nhưng cái mới ít hơn so với những phần Thông lấy của người khác”.Ông Nguyễn Mộng Giao

* Vậy thời điểm nào ông biết bài này được đăng cũng như bị rút xuống và ông đã xử lý ra sao?- Sau khi bài báo được đăng Thông có cho tôi biết nhưng thời điểm đó tôi cũng chả quan tâm vì có quá nhiều việc phải làm. Thêm nữa, tôi cũng tin tưởng vào chất lượng bài viết khi nó đã được đăng trên một tạp chí uy tín. Tôi cũng nghĩ rằng nhiều khi học trò mượn tên thầy để vào bài viết của mình nên cho qua. Cho đến hôm qua (ngày 25.10 - PV), tôi mới biết tin về bài báo có sai sót. Tôi thực sự buồn. * Ông có minh chứng nào cho thấy mình không liên quan đến bài báo này không?- Thứ nhất, về nguyên tắc khi nghiên cứu khoa học, trước khi in một công trình, các tác giả phải ký tên vào tờ giấy đồng ý đăng. Trong khi, tôi chưa bao giờ viết và chưa bao giờ đồng ý ký tên cho in bài báo này, cũng chưa từng liên hệ với tạp chí này, trừ phi Thông giả danh dùng thư điện tử của tôi để liên lạc. Về việc này, tôi hoàn toàn có thể kiện Ban Biên tập của tờ tạp chí trên bởi chưa được sự đồng ý của tôi mà vẫn đăng bài có tên tôi. Vả lại, nếu tôi là người tham gia vào bài viết này thì hẳn tôi phải là người đứng đầu nhóm tác giả, là người trực tiếp liên lạc để gửi bài cho tạp chí. Bởi so về trình độ và khả năng ngoại ngữ thì tôi phải hơn hẳn Thông chứ. Hơn nữa, trước khi nghỉ việc Thông có gửi cho Viện trưởng Viện Vật lý TP.HCM và sao y cho tôi một lá thư xin lỗi, trong đó có nêu rõ tôi hoàn toàn không có liên quan tới bài viết và Thông đã tự ý để tên tôi vào. * Vậy ông có biết bài báo này đạo văn ở mức độ nào không?- Tôi không liên quan đến bài viết nên cũng không biết phần sao chép chỗ nào. Thậm chí đến thời điểm này tôi cũng chưa xem kỹ bài báo một cách nghiêm túc. Nhưng Thông có bảo với tôi, vì kém tiếng Anh nên Thông đã sử dụng lại câu văn của người khác và thay thế vào đó số liệu nghiên cứu của mình. Thực sự thì trình độ Anh ngữ của Thông cũng chưa đạt đủ tầm để viết bài đăng lên tạp chí quốc tế. Bài viết cũng có kết quả mới nhưng cái mới ít hơn so với những phần Thông lấy của người khác. Tiến sĩ Trần Văn Hùng:Bài có 5 trang nhưng 3 trang không ghi nguồn * Thông tin về 2 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế bị rút xuống với lý do đạo văn mà trong đó đều có tên ông, ông có ý kiến gì không? - Thực ra nói là đạo văn cũng hơi quá bởi trong bài viết có một phần khi trích dẫn Thông đã không nêu rõ nguồn tài liệu tham khảo. Nên vấn đề ở đây là lỗi do cách viết, còn thành quả khoa học thực sự rất có ý nghĩa. Bởi mô hình này được Thông tìm ra có độ chính xác cao hơn gấp 10 lần so với mô hình cũ.

“Mô hình này được Thông tìm ra có độ chính xác cao hơn gấp 10 lần so với mô hình cũ”.Ông Trần Văn Hùng

* Trong bài viết có tên của 4 tác giả, tại sao ông lại chỉ nhắc tên Thông? Vậy phần của ông trong bài này ở chỗ nào?- Dù có tên 4 người nhưng Thông là người viết bài chứ chúng tôi không viết. Tôi cũng không biết về 2 tác giả còn lại. Viết xong Thông cũng không đưa cho chúng tôi xem trước mà tự ý gửi đăng, đến khi bài được đăng chúng tôi mới biết thông tin. Thậm chí, việc bài bị rút khỏi tạp chí Thông cũng không nói với tôi cho tới khi tôi biết, hỏi thì Thông mới trả lời. Tôi hoàn toàn không viết chữ nào trong bài này, mà chỉ là người cung cấp số liệu cho Thông. * Ông có biết bài viết này sao chép từ nguồn nào không?- Bài báo này có 5 trang, trong đó riêng phần giới thiệu khoảng 2 - 3 trang là thông tin được trích dẫn mà không ghi rõ nguồn tài liệu tham khảo. * Trong danh sách các công trình đã công bố trên tạp chí quốc tế năm 2009 được Viện Năng lượng nguyên tử VN biểu dương có bài báo này, ông có ý kiến gì không?- Thời điểm mà Viện Năng lượng nguyên tử VN biểu dương là khi bài báo chưa bị phát hiện có sai sót! Và tôi cũng chỉ biết việc này khi bài báo chính thức bị rút xuống khỏi tạp chí vào tháng 6.2010. Do vậy, ở thời điểm đó bài báo được chọn để biểu dương một cách ngẫu nhiên.

- Trang web của tạp chí EPL có nêu rõ quy định về việc tác giả ký khi bài báo chính thức được đăng như sau: Trong trường hợp là một nhóm tác giả, chỉ có một tác giả được đại diện ký vào phiếu xác nhận bản quyền (Copyright form) nhưng phải được sự đồng thuận từ các tác giả còn lại.


- Impact Factor (IF) là một trong những chỉ số thể hiện tầm ảnh hưởng của một tạp chí. Trong 71 tạp chí cùng nhóm ngành vật lý, nếu dựa trên chỉ số IF của năm 2009 thì tạp chí Physics Letters B (IF=5,083) đứng hạng 7, tạp chí EPL (IF=2,893) đứng hạng thứ 14 so với IF cao nhất là 33,145 và thấp nhất là 0,125.(Nguồn: ISI Web of Knowledge)

Theo Thùy Ngân - Hà Ánh (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm