Báo động đỏ về sách “bẩn”

Từ nhiều năm qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã liên tục báo động về chuyện sách tham khảo được biên soạn cẩu thả, copy nhau xuất bản tràn lan bởi nhiều nhà xuất bản không có chuyên môn - chủ yếu là bán giấy phép. Người người biên soạn sách tham khảo, nhà nhà xuất bản sách tham khảo. Vào đầu năm học, phụ huynh hay học sinh bước vào các nhà sách chuyên bán sách giáo khoa sẽ bị “ngợp” giữa rừng sách tham khảo, không biết mua cuốn nào. Cơ quan quản lý xuất bản là Cục Xuất bản chỉ cần xem qua kế hoạch đề tài của các nhà xuất bản rồi duyệt, còn các nhà xuất bản, hễ có bản thảo của đối tác liên kết đưa tới là đăng ký với Cục và cấp phép, tên biên tập viên ghi trên sách chỉ để “làm kiểng” vậy thôi. Đến khi “đụng chuyện” như trường hợp cuốn sách nói trên thì nhà xuất bản đổ thừa cho đối tác liên kết xuất bản và yêu cầu thu hồi sách để chỉnh sửa, còn người “chịu trách nhiệm xuất bản” bất quá chỉ làm kiểm điểm rút kinh nghiệm rồi… thôi! Cơ quan quản lý cũng bình chân như vại. Hàng triệu bản sách tham khảo sai sót, kém chất lượng, cóp nhặt… vẫn tràn ngập các quầy sách, chui vào các cặp học sinh, mà thầy cô cũng chẳng quan tâm, các cơ quan quản lý giáo dục vẫn “án binh bất động!”. Và mới đây, một quan chức Cục Xuất bản đã có một phát ngôn khá lạ khi hỏi ngược lại một phóng viên báoNông Thôn Ngày Nayphỏng vấn ông về chuyện xuất bản, rằng tại sao báo Nông Thôn… mà lạ quan tâm tới sách? Có lẽ ông “quan” này nghĩ rằng báo Nông Thôn… thì chỉ biết chuyện ruộng đồng, khoai lúa, trâu bò, gà vịt…? Trong khi ông lo chuyện quản lý xuất bản lại để cho in sách tham khảo kém chất lượng tràn lan, kể cả sách dạy trẻ con có in cờ Trung Quốc treo trước cổng trường… Việt Nam!

Trở lại chuyện “giọt nước làm tràn ly” sách tham khảo, khi Bộ GD&ĐT mới đây có công văn gửi các sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non không mua và sử dụng bộ sáchPhát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ. Và ngày 14-3 vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã có cuộc gặp gỡ một số báo để trao đổi thông tin và tìm cách tháo gỡ tình trạng rối loạn thị trường sách tham khảo hiện nay. Đúng là “mất bò mới lo làm chuồng”. Thật ra thì từ năm 2008, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn việc sử dụng sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy trong nhà trường phổ thông, theo đó hiệu trưởng giao các tổ chuyên môn xem xét nội dung các sách tham khảo lưu hành trong trường, nếu phát hiện sách có sai sót thì khuyến cáo học sinh không nên sử dụng. Thế nhưng chẳng mấy ai còn nhớ tới văn bản ấy, cũng chẳng ai nhắc nhở thực hiện, bởi đó chỉ là cách xử lý phần ngọn một cách nửa vời, vì bên ngành xuất bản vẫn cứ cho in sách tham khảo bán tràn lan, phụ huynh và học sinh muốn mua để học thêm thì các thầy cô khó mà kiểm soát.

Cần có sự hợp tác giữa ngành giáo dục và ngành xuất bản, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thẩm định bản thảo, đến tiến tới xác định rõ nhà xuất bản nào đủ điều kiện ấn hành sách tham khảo. Có như thế may ra mới làm giảm bớt tệ trạng sách tham khảo thượng vàng hạ cám tràn lan như hiện nay.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm