Bộ GD&ĐT nói về phương án sửa SGK Cánh Diều

Thời gian qua, dư luận phản ứng khá gay gắt về nội dung trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều có một số ngữ liệu chưa phù hợp nếu dành cho học sinh (HS) lớp 1.

Ngày 15-10, Bộ GD&ĐT đã có yêu cầu nhóm chủ biên chỉnh sửa một số nội dung được phản ánh.

Phản hồi của giáo viên về SGK Cánh diều

Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, khi tiếp cận các nhóm giáo viên (GV) trực tiếp dạy bộ Cánh diều, nhất là GV dạy Tiếng Việt 1, hầu hết đều cho rằng Cánh diều là một bộ sách hay, bám sát chương trình và không có ý kiến gì về sách Cánh diều như dư luận phản ánh.

Cụ thể, ban giám hiệu và GV Trường Tiểu học Vietkids (Hà Nội) đánh giá Cánh diều là một trong năm bộ SGK phù hợp với lứa tuổi và mức độ chuẩn của HS lớp 1. Nội dung chương trình sách đúng chuẩn chương trình giáo dục phổ thông mới và phù hợp với lứa tuổi HS lớp 1. Các bài học chữ sắp xếp theo nhóm nét chữ kết hợp thứ tự trong bảng chữ cái. Các bài học vần sắp xếp theo mô hình vần. Mỗi bài học chỉ dạy hai âm mới hoặc hai vần mới, vừa sức với HS.

Ngay từ những bài đầu, sách đã có nhiều bài tập đọc thú vị, hấp dẫn dựa trên những chữ và vần mới học. Các GV tham gia dạy chương trình thử nghiệm đều thấy HS được học đọc và viết nhanh hơn, vốn kiến thức và hiểu biết được mở rộng phong phú hơn. Thời lượng giảng dạy các tiết học đảm bảo vừa sức. “Về những nội dung dư luận phản ánh, tôi cho rằng vấn đề không quá như đến mức mạng xã hội đánh giá, vì mỗi một bộ sách đều có cái hay, cái chưa hay riêng. Nếu bắt lỗi thì cả năm bộ SGK lớp 1 sẽ đều có lỗi” - cô Thu Hương, Hiệu trưởng, nói.

Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Phúc), cũng chia sẻ quá trình hơn một tháng đưa SGK Tiếng Việt 1 Cánh diều vào giảng dạy, GV đều đánh giá nội dung nhẹ hơn nhiều so với chương trình Tiếng Việt đã từng triển khai. Ở SGK Tiếng Việt 1 Cánh diều, HS có thể học tới hai âm nhưng chưa cần phải viết ngay âm đó mà ngấm dần dần. Như vậy tư tưởng của HS không bị áp lực.

Lý giải về việc trong quá trình dạy học vừa qua, GV không có ý kiến gì về sách Cánh diều nhưng Bộ GD&ĐT lại có yêu cầu điều chỉnh trước phản ánh của dư luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết đúng là GV dạy bộ Cánh diều không có phản ứng gì như dư luận cả. Bộ GD&ĐT đã tìm hiểu và khi đi kiểm tra các trường sử dụng bộ SGK mới cơ bản GV đều khen hay, có nhiều đổi mới, hấp dẫn với HS.

Qua theo dõi thì thấy nhà phát triển Cánh diều tập huấn tốt, GV có hứng thú và có sáng tạo trong phương pháp giảng dạy. Những phần mà dư luận có ý kiến thì chưa dạy tới. Có lẽ GV cũng âm thầm tập trung vào công tác giảng dạy, sáng tạo phương pháp dạy học chứ không quan tâm nhiều tới dư luận bên ngoài.

“Ngoài bộ Cánh diều, bộ cũng yêu cầu các nhóm tác giả khác rà soát, phát hiện, chủ động chỉnh sửa nếu phát hiện có nội dung chưa phù hợp. Nếu đến mức phải in ngữ liệu bổ sung, các nhóm chủ biên sẽ in phát cho HS và GV miễn phí” - ông Độ nói.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9, TP.HCM trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tập huấn bị gián đoạn, ít tương tác

Liên quan đến quá trình tập huấn cho GV trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT thừa nhận do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên việc triển khai tập huấn có gián đoạn và ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ và chất lượng, hạn chế thời gian, ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới.

Các chương trình tập huấn chủ yếu thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình tập huấn.

Theo quan điểm của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường nghiên cứu chương trình, SGK, đặc điểm của HS tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng. Bộ GD&ĐT giao quyền và trách nhiệm cho GV, nhiều hơn nên GV, nhà trường nhiều nơi chưa mạnh dạn thực hiện mà vẫn thực hiện theo cách cũ.

Nhằm khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các chủ biên tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho GV trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.

Các chủ biên chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo GV trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho GV một cách phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, GV và phụ huynh.

Để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng SGK trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi trong SGK, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết SGK thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và GV khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Các nhà xuất bản hỗ trợ GV chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho HS căn cứ vào yêu cầu của ngữ liệu được quy định trong chương trình ngữ văn, căn cứ vào trình độ HS, căn cứ vào mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Bộ sách Cánh diều chiếm 32% thị phần như 2 bộ sách khác

Toàn quốc hiện có khoảng 14.000 trường tiểu học; gần 500.000 GV tiểu học, trong đó có khoảng 100.000 GV dạy lớp 1 năm học 2020-2021 (trực tiếp lựa chọn SGK lớp 1). Tỉ lệ lựa chọn năm bộ SGK trên toàn quốc:

Cánh diều: 32%.

Kết nối tri thức: 28%.

Vì sự bình đẳng: 8%.

Hai bộ Cùng học để phát triển và Chân trời sáng tạo: 32%. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm