Bộ GD&ĐT: Tương lai sẽ thi THPT trên máy tính

Ngày 12-12, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về giáo dục đại học năm 2020. Nhiều nội dung quan trọng được đưa ra bàn luận, trong đó có công tác tuyển sinh, tự chủ đại học, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, chuyển đổi số trong giáo dục đại học…

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến Giáo dục đại học. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy 5 năm qua, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm được đổi mới theo một lộ trình ổn định, giảm áp lực và chi phí cho toàn xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh và các trường. Các thí sinh không phải thi nhiều lần, được đăng ký nhiều nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi, gia tăng đáng kể cơ hội trúng tuyển.

Đặc biệt, năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 với 2 lần thi THPT và bão lũ ở khu vực miền Trung nhưng công tác tổ chức thi và tuyển sinh đã đạt được kết quả rất tốt, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao, nhất là khi xét tuyển đợt 1 đã sử dụng kết quả gộp chung của cả 2 lần thi THPT

Năm 2021 và dự kiến đến năm 2025, Bộ GD&ĐT cho hay công tác tuyển sinh cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật như hình thành Trung tâm Khảo thí độc lập với ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn hóa để tương lai sẽ tiến tới thi trên máy tính.

“Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GDĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thi độc lập” – Bộ GD&ĐT lưu ý.

Tại hội thảo, phần lớn các trường đại học đều ủng hộ việc duy trì phương thức tuyển sinh nhằm giữ vững sự ổn định cho các trường THPT và cho thí sinh.

Các trường cho rằng vẫn cần giữ vai trò chỉ đạo của Bộ GD&ĐT dù kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được giao về địa phương, gồm việc tổ chức lọc ảo. Như vậy, các trường sẽ yên tâm sử dụng kết quả thi của kỳ thi THPT Quốc gia.

Nhiều ý kiến khác đề nghị Bộ GD&ĐT và các trường đại học cần tích cực chuẩn bị cho việc thành lập Trung tâm Khảo thí độc lập để tương lai các trường có thể xét tuyển nhiều đợt trong năm, việc thi đại học cũng dễ dàng hơn.

Tiên phong về chuyển đổi số

Theo Bộ GD&ĐT, trong năm 2021 và những năm tới, khi tự chủ đại học được mở rộng, công tác kiểm định chất lượng giáo dục cần phải được quan tâm đặc biệt.

Bộ GD&ĐT đặt kỳ vọng sẽ tăng số lượng các cơ sở đào tạo đạt kiểm định, nhất là tăng nhanh số lượng chương trình đào tạo đạt kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, Bộ GDĐT cũng xác định chuyển đổi số là một chiến lược đột phá, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong thời gian tới.

“Việt Nam phải trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục và đào tạo” – Bộ GD&ĐT nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm