Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Sẽ lắng nghe ý kiến học sinh khi đổi SGK

Sáng 7-3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã đối thoại trực tuyến với nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Hàng loạt câu hỏi liên quan đến những vấn đề nóng như chất lượng đào tạo, công tác tuyển sinh, phổ cập mầm non, lạm thu tiền trường, dạy và học thêm… được người dân gửi đến.

Hỗ trợ, nhắc nhở, cảnh báo…

Đặt vấn đề hiện nay các trường ĐH được thành lập nhiều, được tự chủ toàn diện về tài chính cũng như công tác nhân sự, chuyên môn trong khi Bộ chưa đủ nhân lực để kiểm định chất lượng…, ông Trần Thái Bình - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nêu câu hỏi về giải pháp tái cơ cấu mạng lưới các trường ĐH trên toàn quốc. Bộ trưởng khẳng định: “Đảm bảo quyền tự chủ tương xứng với năng lực là điều Bộ đang quan tâm. Với các trường số lượng thầy cô còn ít, năng lực hạn chế, các trường không được tự thẩm định chương trình giảng dạy, mà phải mang tới các trường có đội ngũ cán bộ tốt, bề dày kinh nghiệm tốt do chúng tôi chỉ định, các trường này sẽ hướng dẫn… Toàn bộ việc mở ngành tại các trường này Bộ vẫn quyết định. Các trường lớn tự xem xét, chúng tôi sẽ thẩm định”.

Cũng với băn khoăn về việc giám sát chất lượng các trường ĐH, bạn đọc Trần Đức Thụ (TP Đà Nẵng) nêu câu hỏi về việc xử lý vi phạm qua thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đối với 30 trường ĐH-CĐ… Bộ trưởng bày tỏ: “Việc xử lý theo tinh thần là trị bệnh cứu người, tức là hỗ trợ, giúp đỡ, nhắc nhở, cảnh báo để các trường khắc phục, bổ sung điều kiện. Còn với các vi phạm nghiêm trọng, sai sót lớn ảnh hưởng sâu sắc, mạnh mẽ tới chất lượng giáo dục thì phải có những biện pháp mạnh”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Sẽ lắng nghe ý kiến học sinh khi đổi SGK ảnh 1

Quang cảnh buổi đối thoại trực tuyến. Ảnh: VIẾT THỊNH

Thừa nhận đào tạo vẫn tiếp tục xa thực tế

Một độc giả nêu thực tế: “Cháu năm nay 26 tuổi, đã tốt nghiệp ĐH được gần ba năm. Sau khi tốt nghiệp ĐH, thực sự cháu rơi vào một cuộc khủng hoảng vì không biết mình sẽ làm gì và làm ở đâu vì những gì cháu học khác xa rất nhiều so với thực tế”.

Chia sẻ những băn khoăn này, bộ trưởng thừa nhận: “Đúng là vấn đề chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta còn nhiều điều phải bàn. Để khắc phục những chồng chéo của chương trình, Bộ đã, đang chỉ đạo các trường xem xét điều chỉnh lại các chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu, đưa ra quy định cao hơn về chuẩn đối với các trường được phép đào tạo sau ĐH; sẽ thanh kiểm tra toàn diện các trường trong thời gian tiếp theo. Năm vừa rồi Bộ đã rút hơn 100 chuyên ngành của các trường không được đào tạo nữa. Bộ yêu cầu các trường điều chuyển chương trình phù hợp với nội dung làm việc các doanh nghiệp, khuyến khích, tạo điều kiện các cơ sở giáo dục quan hệ tốt với các cơ sở giáo dục, với các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động để điều chỉnh nội dung”.

Trả lời bạn đọc Thanh Tùng (quận Ba Đình, Hà Nội) về việc mất cân đối trong ngành nghề đào tạo, bộ trưởng cũng thừa nhận đây là một thực tế khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, giữa đào tạo và phân công sau khi đào tạo không gắn với nhau, gây khó khăn cho xây dựng kế hoạch đào tạo cũng như kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng liên tục cảm ơn và chia sẻ!

Một học sinh lớp 12 đưa ra một số ý kiến đóng góp cho cải cách giáo dục, trong đó nhấn mạnh lấy năm môn học Văn, Sử, Toán, tiếng Anh, Kỹ năng sống - Đạo đức - Pháp luật làm “xương sống”, đồng thời nói các môn Hóa, Lý, Sinh, Địa chỉ cần mức độ hiểu biết cơ bản chứ không học vẹt. Bộ trưởng trả lời: “Tôi rất mừng khi nghe ý kiến của cháu… Còn để đổi mới chương trình SGK phổ thông sau năm 2015 chắc chắn chúng tôi sẽ phải lắng nghe ý kiến từ đối tượng phục vụ của mình là học sinh. Chúng tôi sẽ có cơ chế rộng rãi hơn để tiếp nhận ý kiến của cháu cũng như của các bạn khác một cách đầy đủ hơn, sâu hơn về mọi vấn đề”.

Một độc giả thắc mắc bao giờ thì bộ trưởng ký ban hành “Điều lệ trường CĐ”, “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường CĐ tư thục”. Trả lời câu hỏi này, bộ trưởng nói: “Tôi rất cảm ơn câu hỏi này”.

Bà Dương Thị Nguyệt Ánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi: “Xin bộ trưởng cho biết cảm nghĩ khi xem những hình ảnh các bậc cha mẹ, ông bà xếp hàng cả đêm để nộp hồ sơ cho con, cho cháu vào trường mầm non? Vì sao tình trạng đó kéo dài nhiều năm rồi nhưng vẫn không được khắc phục?”. Bộ trưởng trả lời: “Tôi có xem các hình ảnh phát trên truyền hình về việc xếp hàng rất sớm của các ông bà, bố mẹ các cháu. Chúng tôi xin chia sẻ khó khăn, vất vả mà các bậc phụ huynh đã phải chịu đựng trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn của ngành. Chúng tôi cũng phải cảm ơn các bậc phụ huynh vì sự quan tâm rất lớn, trước hết đối với sự học hành của con em mình nhưng đó cũng là sự quan tâm đối với ngành giáo dục chúng tôi. Nguyên nhân của tình trạng này có rất nhiều…”.

Tiêu điểm

. Bạn đọc: Việc dạy chữ trước cho trẻ mầm non bao giờ mới cấm được? Học sinh học hai buổi ở trường về nhà vẫn phải làm bài tập đến đêm, vậy có cần thiết không?

+ Bộ trưởng: Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo cấm dạy chữ trước cho trẻ mầm non. Học sinh tiểu học học hai buổi/ngày ở trường vẫn phải làm bài tập ở nhà là không cần thiết.

VIẾT THỊNH lược thuật

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm