Các trường ‘khát’ giáo viên tiếng Anh

Năm học mới đang cận kề nhưng nhiều trường đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên (GV), đặc biệt là GV tiếng Anh.

Thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn quận Tân Bình cho hay: “Tuần trước, khi họp với ban lãnh đạo để phân công công việc, trường thiếu tới 44% GV, khi đó chúng tôi không biết phân lớp, chia thời khóa biểu ra sao. Sau đó Phòng GD&ĐT có bố trí, điều chuyển nhân sự từ các trường khác về. Đến thời điểm này, trường còn thiếu 11 GV ở một số môn. Trong đó căng nhất là môn tiếng Anh”.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, năm ngoái trường có bốn GV tiếng Anh. Thế nhưng sau đó một GV xin chuyển về huyện Củ Chi, một GV xin nghỉ việc vì lý do cá nhân. Hiện trên văn bản trường còn hai GV nhưng một GV đang nghỉ thai sản. Do đó, mới có một GV từ trường khác chuyển về. Hiện toàn trường có hai GV tiếng Anh nhưng phải giảng dạy tới 24 lớp, công việc rất nhiều.

Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8, cho biết để chuẩn bị cho năm học mới, quận đã tuyển thêm 217 GV nhưng điều đáng nói là không có GV tiếng Anh tiểu học.

“Chỉ tiêu của quận tuyển tám GV tiếng Anh tiểu học nhưng không có người tham gia ứng tuyển. Vì thế biện pháp được quận đưa ra là mời GV thỉnh giảng để đảm bảo yêu cầu học ngoại ngữ cho học sinh ở các trường” - ông Dân nói.

Tình trạng này cũng đang diễn ra tại quận Tân Phú. Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận, cho biết dù đã tiến hành tuyển dụng nhưng GV ở nhiều bộ môn vẫn thiếu như mỹ thuật, âm nhạc, tin học, đặc biệt nhiều nhất vẫn là tiếng Anh.

“Cụ thể, ở bậc THCS, quận cần 22 GV nhưng chỉ tuyển được 15 GV. Bậc tiểu học thiếu trầm trọng hơn, cần 46 GV nhưng chỉ tuyển được có 13 GV” - ông Tân cho biết thêm.

Tình trạng thiếu GV tiếng Anh cũng đang diễn ra tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM. Chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai năm học mới 2019-2020 ở bậc tiểu học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay trong kỳ tuyển dụng viên chức vừa rồi, nhu cầu GV tiếng Anh là 80 người nhưng chỉ có 65 ứng viên nộp đơn tham gia ứng tuyển.

Các ứng viên tham dự vòng hai đợt tuyển dụng viên chức của Sở GD&ĐT TP.HCM diễn ra sáng 18-7. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng

Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Phú cho rằng lý do thiếu GV tiếng Anh là vì theo quy định của Bộ GD&ĐT, GV tiếng Anh tiểu học bắt buộc phải tốt nghiệp ngành sư phạm. Bên cạnh đó, ngoại ngữ thứ hai của ứng viên phải đạt bậc hai theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dùng cho Việt Nam. Cho nên ít ứng viên có thể đáp ứng.

Rào cản định biên

Định biên chính là một rào cản. Hiện nay, trường tiểu học dạy một buổi trong ngày được bố trí tối đa 1,20 GV/lớp; trường tiểu học dạy hai buổi/ngày được bố trí tối đa 1,50 GV/lớp nhưng không bao gồm GV tiếng Anh. Nó chỉ gồm GV dạy nhiều môn; thể dục; mỹ thuật, âm nhạc. Cho nên để tuyển GV tiếng Anh, các trường chủ động để GV chủ nhiệm dạy luôn các bộ môn trên. 

Cũng theo ông Tân, theo Thông tư 28, Bộ GD&ĐT, GV tiểu học dạy tiếng Anh phải thực hiện định mức 23 tiết/tuần như các GV khác. Bên cạnh đó, một vấn đề hiện nay yêu cầu dạy tiếng Anh nhưng không có định biên dành cho GV tiếng Anh. Cho nên các trường gỡ khó bằng việc giảm nhân sự các bộ môn khác để tuyển GV tiếng Anh.

Đề cập đến vấn đề trên, trưởng phòng GD&ĐT một quận trên địa bàn TP.HCM chia sẻ theo chính sách cũ, GV dạy hai lớp tiếng Anh tăng cường là 16 tiết/tuần. Tại quận này, ngoài việc nhận lương theo quy định của Nhà nước, GV còn được nhận khoảng 65% trong tổng số thu từ tiền tiếng Anh tăng cường do phụ huynh đóng hằng tháng (80.000 đồng/tháng). Thu nhập ngoài lương này giúp GV tiếng Anh toàn tâm toàn ý với công việc giảng dạy. Thế nhưng hiện nay quy định này không còn được áp dụng. Vì thế, phòng tài chính không còn đồng ý với mức chi nữa. GV tiếng Anh tiểu học phải dạy 23 tiết/tuần mới được trả lương. Bên cạnh đó họ phải dạy thêm nữa mới được tính phụ trội, lấy từ tiền tiếng Anh tăng cường ra chi. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người giỏi tiếng Anh không mặn mà với nghề giáo.

Đề án ngoại ngữ 2020 của Bộ GD&ĐT (bốn tiết/tuần dạy miễn phí) và Quyết định số 448 của UBND về triển khai tiếng Anh tăng cường từ lớp 1, có thu phí (tám tiết/tuần) đều không đề cập đến vấn đề biên chế tiếng Anh từ đâu. Do đó, đề nghị Bộ GD&ĐT phải tăng thêm biên chế tiếng Anh.

“Chế độ đãi ngộ đối với GV tiếng Anh chưa tương xứng là một rào cản khiến chúng ta khó khăn trong việc tuyển dụng” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hiếu nói: “Không tự dưng Chính phủ lại ban hành Đề án ngoại ngữ 2020, vì tầm nhìn của Chính phủ mong muốn thế hệ sau sẽ nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, phải hội nhập với khu vực”.

Phải có sự khác biệt trong chế độ đãi ngộ với GV

Trong các cuộc họp với Bộ GD&ĐT, tôi cũng từng kiến nghị nếu vẫn yêu cầu GV tiếng Anh tiểu học phải dạy 23 tiết nghĩa vụ rất khó tuyển. Với đồng lương, về chế độ đãi ngộ GV tiếng Anh như vậy, sao chúng ta có thể tuyển được nhân tài. Cho nên hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục các quận, huyện phải làm sao quán triệt được mục tiêu trên. Muốn biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người dân thành phố phải có một sự khác biệt trong chế độ đãi ngộ với GV.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾUPhó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm