Cần sát hạch môn đạo đức sư phạm!

Hơn một tháng, liên tiếp 10 công văn khẩn từ Bộ GD&ĐT yêu cầu xử lý nghiêm các mâu thuẫn giữa thầy, cô giáo và học sinh (HS) khiến dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng hệ thống giáo dục hiện nay nói riêng và đạo đức xã hội nói chung đang xuống cấp trầm trọng.

Ngay khi câu chuyện cô giáo bắt HS uống nước vắt từ giẻ lau bảng đang gây sốc dư luận, báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trò chuyện với Nhà giáo nhân dân - TS Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Theo TS Đặng Huỳnh Mai, các môn tâm lý sư phạm và phương pháp sư phạm trong các trường phải tăng tính thực hành. Ảnh: H.MINH

 Đừng biện minh “ngày xưa thầy cô cũng đánh học trò”

. Phóng viên: Nhiều giáo viên lên tiếng họ không chấp nhận hành động bắt HS uống nước giặt giẻ lau bảng của cô giáo mới đây nhưng có người vẫn cho rằng thời buổi này học trò rất khó dạy, trách phạt cũng là bình thường. Xin bà chia sẻ quan điểm?

+ TS Đặng Huỳnh Mai: Đó là suy nghĩ hết sức ấu trĩ! Giáo viên phải là người hơn HS không chỉ một cái đầu mà phải là tấm gương về đạo đức và tri thức. Đã làm thầy, các thầy cô phải nhận thức bối cảnh xã hội bây giờ đã khác, đừng bám víu vào những tư tưởng cũ để mình bị lạc hậu.

Các nền giáo dục tiên tiến họ rất coi trọng quyền con người. Không thể xâm phạm sức khỏe, thân thể HS dù với bất cứ lý do gì, kể cả là với mục đích trách phạt để HS tiến bộ. Giáo dục Việt Nam cũng đã đổi thay theo các giá trị này, trong các trường sư phạm cũng dạy rất kỹ môn phương pháp sư phạm, không chấp nhận giáo dục HS bằng bạo lực. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không chịu thay đổi tư tưởng, vẫn cứ hành xử theo quán tính của những tư tưởng cũ, kiểu như “thương cho roi cho vọt”. Nhiều người còn hồn nhiên bao biện rằng: “Ngày xưa thầy cũng đánh trò mà có sao đâu”.

Phải vượt qua nhiều tình huống ứng xử sư phạm

. Nhiều vụ thầy cô trách phạt quá tay hoặc ứng xử với học trò phản sư phạm liên tiếp xảy ra. Có phải là nhân lực của ngành giáo dục đang gặp phải vấn đề nào đó, thưa bà?

+ Đúng là ngành giáo dục của chúng ta đang có nhiều vấn đề và chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. Nhiều người trở thành giáo viên mà không phù hợp chuyên ngành. Họ không xem đây là một sự nghiệp để phấn đấu mà chỉ xem đây là một nghề để lãnh lương. Thông tin truyền thông ngày nay lại có tác động nhanh và rộng hơn trước rất nhiều, nên những vấn đề của ngành được bàn đến, xem xét nhiều hơn. Ngày xưa cũng nhiều thầy cô đánh học trò đấy nhưng ít khi bị truyền thông nhắc tới. Sự mạnh mẽ của truyền thông cũng là một áp lực buộc ngành giáo dục phải thay đổi.

. Theo bà, giải pháp nào để thay đổi các vấn đề nêu trên?

+ Cần có giải pháp từ nhiều phía, cả phụ huynh và xã hội cũng cần tham gia vào việc giáo dục trẻ em. Nhưng từ phía ngành, tôi cho rằng có vài giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, các trường đào tạo sư phạm cần nâng cao chất lượng đầu vào. Tôi từng đề nghị nên để các trường sư phạm được tổ chức kỳ tuyển sinh riêng để đánh giá đạo đức và năng lực sư phạm của thí sinh. Điều này rất quan trọng thay vì chỉ kiểm tra kiến thức tổng quát như hiện nay. Nghề giáo là nghề dạy con trẻ thành người mà. Có thể đưa ra một bài trong sách giáo khoa để thí sinh đóng vai thầy, cô giáo để ứng xử những tình huống sư phạm khác nhau. Qua đó có thể thấy thí sinh có phù hợp với ngành hay không. Năm 1974, khi thi vào trường sư phạm, chúng tôi cũng có một kỳ thi như thế.

Thứ hai, các môn tâm lý sư phạm và phương pháp sư phạm trong các trường phải tăng tính thực hành chứ không chỉ chú trọng lý thuyết như hiện nay. Tính thực hành trong hai môn quan trọng này theo tôi là chưa đủ.

Thứ ba, cần có cơ chế để thúc đẩy các thầy cô thường xuyên rút kinh nghiệm, tự học tập, tự làm mới mình trong công việc.

. Nền giáo dục chúng ta đã có một triết lý giáo dục để soi rọi hay chưa, thưa bà? Bởi vẫn có nhiều người tranh cãi về một vụ việc xảy ra là lệch chuẩn hay không lệch chuẩn.

+ Tôi cho rằng nền giáo dục nước ta từ lâu đã có tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi, tiếc là nhiều người ở nhiều nơi không chịu ứng dụng và học tập mà thôi. Bác Hồ nói rất rõ bậc mẫu giáo thì thầy trò phải làm gì, bậc ĐH thì phải làm gì. Rất rõ ràng, dễ hiểu, tiến bộ, nhân văn.

Có hai điều Bác đã nhắc nhở nhiều lần rằng “Học phải đi đôi với hành” và “Trong hoàn cảnh nào cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Việc thực hành rất quan trọng đối với sinh viên các ngành sư phạm, để trang bị cho các em kỹ năng, kiến thức, tâm thế, tình cảm để ứng xử với học trò. Còn trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn hay thuận lợi, các thầy cô cũng phải làm người thầy tốt. Thầy dạy tốt thì trò mới học tốt được.

. Xin cám ơn bà.

Đạo đức cả một thế hệ đang xuống cấp

Hàng loạt vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục vừa qua thật kinh khủng, cho thấy đạo đức xã hội đang xuống cấp trầm trọng.

Sự xuống cấp đạo đức đã được cảnh báo từ trước, khi nền tảng căn bản tạo nên hệ thống giáo dục hiện nay chú trọng quá nhiều vào đào tạo kiến thức, nhồi nhét cho học trò những bài học làm giàu, về phát triển mà quên đi cốt lõi tạo nên các hạt nhân tạo thành xã hội chính là triết lý về con người, về cách đối nhân xử thế, cách ứng xử, lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô.

HS trong mấy mươi năm trở lại đây không được học về luân lý. Tôi đã từng trao đổi với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận rằng việc dạy và việc học phải cộng hưởng với nhau. Phải có sự tương tác giữa thầy và trò vì dù phương pháp có hiện đại đến mấy mà người thầy không có chuẩn mực nào về đạo đức, không khai phóng và lấy nền tảng giá trị hướng thiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội.

Đại biểu Quốc hội LÊ THANH VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm