Câu chuyện học sinh đứng giữa nắng và cách làm của Đà Nẵng

Hai ngày qua, em học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Quang Trung (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) không đăng ký bán trú, buổi chiều đến học sớm 15 phút đã bị cô chủ nhiệm chụp ảnh, phê bình trong gruop lớp khiến dư luận bức xúc.

Đứng ngoài cổng trường, đồng nghĩa với việc em phải đối mặt với nắng nóng và những hiểm nguy rình rập.  

Vụ việc gây bức xúc dư luận đến mức đích thân chủ tịch UBND TP Hải Phòng ngay trong chiều qua đã làm việc trực tiếp với các bên ở quận Ngô Quyền và có một số chỉ đạo liên quan. 

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, những trường hợp như em học sinh lớp 1 ở Hải Phòng nói trên đã chấm dứt từ năm 2016. Việc giải quyết dứt điểm tình trạng này bằng chính sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng.  

Từ năm 2016, ngành giáo dục Đà Nẵng đã có chỉ đạo chấm dứt tình trạng để học sinh không học bán trú phải ở ngoài cổng trường. Ảnh: HA

Theo Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, từ năm 2016, qua phản ánh của phụ huynh và kiểm tra thực tế của sở, một số trường tiểu học có tổ chức bán trú đóng cổng trường từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30 (thời gian nghỉ trưa và ăn xế của học sinh bán trú) khiến nhiều học sinh không bán trú đi học sớm không vào được trường.

Các em phải tụ tập, la cà ở các hàng quán hoặc đứng đợi ở vỉa hè, lòng đường khu vực trước cổng trường. Việc này dẫn đến nguy cơ các em dễ bị tai nạn giao thông, bị kẻ xấu lạm dụng, xâm hại, ảnh hưởng đến sức khỏe do mưa nắng,…

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học nghiêm túc thực hiên hai việc: “Không được đóng cổng trường trong thời gian học sinh bán trú nghỉ trưa để học sinh không bán trú đi học sớm được vào trường. Đồng thời, phải bố trí khu vực chờ đến giờ học cho học sinh không bán trú, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi, sinh hoạt của học sinh bán trú”.

Việc thực hiện hai nội dung trên đã giải quyết dứt điểm tình trạng các em học sinh không học bán trú phải đối mặt với nguy hiểm khi đến trường sớm. Đồng thời nó thể hiện tính nhân văn trong giáo dục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm