Chấm thi tốt nghiệp THPT: Bất ngờ bài thi môn ngữ văn

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt một đã diễn ra ngày 9 và 10-8. Dự kiến ngày 27-8 công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Thời điểm này các địa phương đang gấp rút triển khai công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để kịp với thời gian Bộ GD&ĐT đã đưa ra.

Ít bài điểm dưới trung bình

Theo tìm hiểu của PV, dù vào cuối tuần nhưng việc chấm thi tại TP.HCM vẫn diễn ra bình thường.

Một giáo viên tham gia chấm thi cho biết sau khi chấm 240 bài thi, phổ điểm cô chấm năm nay chủ yếu 6-7 điểm, thấp nhất có bài 3 điểm, cao nhất là 8,25. Số bài điểm cao rất ít, một xấp chỉ có khoảng 1-2 bài có điểm 8 đến 8,25 điểm.

Nhìn chung, do đề thi năm nay ra không quá khó nên các em làm bài khá ổn. Đáp án khá thoáng, thuận lợi cho các em làm bài. Tuy nhiên, đề nằm trong dự đoán của các em nên đa số bài làm không có sự phân hóa rõ rệt, không thể hiện rõ tính cách riêng của từng em. Do vậy, điểm thi cũng đều đều, không chênh lệch nhiều.

Giáo viên này ví dụ, ở phần đọc hiểu trích trong tác phẩm Cách sống: Từ bình thường đến phi thường. Dù đoạn văn không đề cập trực tiếp đến dịch COVID-19 nhưng hầu như bài làm nào của các em cũng liên hệ đến dịch bệnh. Cách nhìn và nội dung diễn đạt của các em giống nhau, có thể các em đã ôn những dạng đề này nên sườn bài tương tự nhau, kiểu rập khuôn.

“Thậm chí, trong bài làm, góc nhìn của các em đều hơi hướng tiêu cực. Cứ 10 bài thi thì có đến 6-7 bài đều viết câu “sống nay chết mai” để nói về việc không ai biết được ngày mai sẽ thế nào, có thể chết bất cứ lúc nào. Tôi không tìm được bài viết nào có cách nghĩ khác. Kể cả những bài được điểm cao cũng vì có cách diễn đạt ổn hơn chứ không có gì mới mẻ, không có bài nào thực sự xuất sắc” - cô nói.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Còn ở đề nghị luận văn học về đoạn trích Đất nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm, thí sinh không thể hiện luận điểm xuyên suốt bài làm. Các em làm bài dạng cắt ngang, thơ tới đâu phân tích tới đó, kiểu vụn vặt khiến bài làm không bật được chủ đề.

Một giáo viên khác chia sẻ trong số 168 bài thi thầy đã chấm, ít có những bài dưới điểm trung bình. Đã xuất hiện bài thi đạt điểm 9.

Theo giáo viên này, dù điểm dưới trung bình không nhiều trong những bài thầy chấm nhưng sự phân hóa khá rõ rệt, nhất là phần nghị luận văn học. Học sinh điểm không cao do chưa có sự đầu tư cho câu nghị luận văn học.

Đặc biệt, trong câu nghị luận xã hội viết về trân trọng giá trị của cuộc sống, dịch COVID-19 được các em liên hệ khá nhiều. “Bài thi đạt điểm 9, ngoài đáp ứng theo đáp án của Bộ GD&ĐT, các em còn có sự lập luận, phân tích triển khai vấn đề một cách rõ ràng và sâu sắc” - giáo viên này nói.

Chấm thi sớm vẫn phải đợi 27-8 công bố

Ngày 27-8, các địa phương công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.

- Các trường phổ thông hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ chậm nhất ngày 30-8.

- Trước ngày 8-9, các trường ĐH công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển.

- Từ ngày 9 đến 18-9, thí sinh có thể điều chỉnh, thay đổi các nguyện vọng đã đăng ký.

- Trước ngày 27-9, các trường ĐH sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.  

Tăng cường giáo viên chấm thi

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết ngày 17-8 quét xong tất cả bài thi trắc nghiệm, còn môn tự luận đã chấm được khoảng 80%. Ngày 19-8, sở sẽ hoàn tất công tác chấm thi.

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay năm nay số lượng giáo viên chấm thi trắc nghiệm và tự luận được tăng cường so với năm ngoái để đẩy nhanh tiến độ. Bởi sở còn phải lo cho công tác chấm phúc khảo cũng như chuẩn bị cho năm học mới.

Bình thường, môn tự luận tối thiểu hai tổ chấm nhưng năm nay sở huy động đến bốn tổ. Số lượng giáo viên tham gia chấm thi khoảng 500 người. “Bộ GD&ĐT yêu cầu chậm nhất ngày 26-8, các sở phải gửi kết quả chấm thi về thì Huế phấn đấu từ ngày 20 đến 22-8 sẽ hoàn thành việc chấm thi” - giám đốc Sở GD&ĐT nói thêm.

Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, cho biết năm nay tỉnh có gần 11.000 bài thi tự luận. Cán bộ chấm thi tự luận và trắc nghiệm được điều động từ giáo viên THPT trong tỉnh với tổng số trên 100 người. Đến thời điểm này, môn tự luận đã chấm được khoảng 60%, nói chung điểm thi khá ổn, điểm 9 đã xuất hiện. Những bài điểm cao và điểm liệt sẽ được chấm kiểm tra theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Dự kiến ngày 20-8, tỉnh Bình Thuận sẽ chấm thi xong nhưng theo quy định của Bộ GD&ĐT đến ngày 27-8 mới được công bố điểm thi cho thí sinh.

Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ năm nay sở huy động khoảng 200 cán bộ chấm thi. Sau khi chấm chung môn tự luận để thống nhất đáp án, thảo luận hướng dẫn chấm, ngày 15-8 bắt đầu chấm đại trà. Bài thi tự luận hơn 13.000 bài.

Đảm bảo nguyên tắc chấm hai vòng độc lập

Quy chế thi năm nay có nhiều điểm mới, do đó lãnh đạo ban chấm thi cần lưu ý quán triệt với toàn thể đội ngũ chấm thi phải nắm vững quy chế, bảo đảm nguyên tắc chấm hai vòng độc lập và thống nhất cao trong quá trình chấm.

Mặt khác, bên cạnh kinh nghiệm, giáo viên chấm thi cần luôn cẩn thận để tránh sai sót, đề nghị hội đồng thi sẽ duy trì nghiêm túc đến kết thúc kỳ thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT NGUYỄN HỮU ĐỘ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm