Chất lượng nguồn nhân lực quá yếu

Chưa đáp ứng chuẩn mực đào tạo

Theo thống kê của Bộ GDĐT, có 63% tổng số sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm. Trong số 37% sinh viên có việc làm, thì cũng không đáp ứng được công việc, không ít công ty phải mất 1-2 năm đào tạo lại. Bằng cấp đào tạo chưa được thị trường lao động quốc tế thừa nhận, tốt nghiệp đại học ở Việt Nam chưa hẳn ở nước ngoài đã được trả lương theo văn bằng.

Năm 2007, số SV tốt nghiệp ĐH là 161.411. Theo ước tính, mỗi tấm bằng ĐH người dân bỏ ra 40 triệu đồng, còn Nhà nước đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Như vậy, với tỉ lệ 63% sinh viên ra trường chưa có việc làm, có thể làm một phép tính để thấy kinh phí đã đầu tư rồi sinh viên vẫn thất nghiệp (161.411 SV x 63% x 70 triệu). Chỉ tính riêng năm nay ít nhất là 7.117 tỉ đồng (trong đó, 4.067 tỉ đồng của dân, còn là 3.050 tỉ đồng của Nhà nước).

Hiện ta có 1.540.201 SV đại học và cao đẳng, so với dân số nước ta, tỉ lệ trung bình ở nước ta là 181 SV/vạn dân, SV dự kiến tăng tuyển sinh 10%, và đến 2020 sẽ có 600 trường ĐH&CĐ, gấp 2 lần số trường đã có hiện nay, mỗi huyện thị trung bình có 1 trường. Tỉ lệ ở thế giới là 100 SV/vạn dân, Trung Quốc là 140 SV/vạn dân. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc gấp 2 lần thu nhập ở Việt Nam.

Kinh tế, theo lịch sử, sẽ quyết định quy mô giáo dục. Năm nay Nhà nước dự kiến chi 4.000 tỉ đồng cho vay để học tập. Để duy trì quỹ vay này hoạt động thường xuyên, theo chuyên gia, con số này không phải là 4.000 tỉ đồng, mà phải là 15.000 tỉ đồng.

Bất cập của hệ thống giáo dục chưa đáp ứng được chuẩn mực đào tạo trong ngoài nước. Rõ ràng, chúng ta đang ở trong vòng luẩn quẩn nghèo đói và lãng phí. Đào tạo không sử dụng được, thì sự lãng phí không thể đong đếm được, vì ngoài tiền của là thời gian, sức trẻ...?

Những bất cập về cơ cấu và chất lượng

Sự bất cập về cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực có nhiều, nhưng xin nêu ba nguyên nhân chính.

Bậc đại học là bậc tự học. Muốn đào tạo có chất lượng, điều kiện tối thiểu phải có đầy đủ SGK và giáo trình (gọi chung là sách), theo một chương trình đạo tạo chuẩn mực ổn định. Hiện nay bậc phổ thông bội thực sách, còn ở bậc đại học đói sách phải học chay triền miên.

Có lẽ vì lượng sách phổ thông in ấn hàng triệu bản, thu lãi cả triệu USD/môn học, thì bộ quản chặt, còn sách in hàng nghìn bản ở ĐH không mang lợi thì để các trường tự lo? Chương trình đào tạo được chỉ đạo trước đây sao chép chương trình của Đại học Chiềng Mai - Thái Lan, và hàng vạn cuộc họp được tổ chức suốt 20 năm qua, nhưng kết quả vẫn còn ở phía trước?

Gần đây lại chỉ đạo "nhập khẩu" chương trình đào tạo của các nước tiên tiến với vốn vay hàng triệu USD từ nước ngoài. Một việc làm thật lạ với các nước, và chưa từng có tiền lệ, kể cả thời điểm sau hoà bình lập lại năm 1955, khi các trường ĐH mới được thành lập.

Về tổ chức, ngoài tiêu chuẩn "xếp hàng", từ năm 1987 đến nay, lãnh đạo ngành giáo dục còn có tiêu chí mới để chọn người, với danh nghĩa "dân chủ hoá" nhà trường bằng việc phổ thông đầu phiếu. Trong đó giáo sư và nhân viên có giá trị phiếu ngang nhau để cử vào các vị trí quản lý các cơ sở đào tạo, từ chủ nhiệm bộ môn đến hiệu trưởng. Người ứng cử là 51 tuổi đối với nữ, 55 tuổi đối với nam là tiêu chí bất thành văn trong ngành để chọn vào vị trí quản lý.

Việc loại bỏ một nhà giáo, nhà khoa học có uy tín khỏi danh sách ứng cử viên hiệu trưởng ở các trường đại học lớn của nước ta, thật dễ dàng, chỉ cần kéo dài thời gian lấy phiếu tín nhiệm khoảng 2 tháng cho quá tuổi là xong.

Việc bổ nhiệm Giám đốc ĐHQG cũng vậy, yêu cầu phải có hàm "thứ trưởng", chứ đâu phải tài năng và học thuật. ĐHQG sau hơn 10 năm thành lập, vẫn thua kém ĐHTH Chulalongkon - Thái Lan 50 bậc! Thực tế, sau 20 năm, không ít các sở đào tạo, bộ máy quản lý được thiết lập những quy trình khó hiểu, "chẳng giống ai", nên tạo ra những bộ máy hoạt động kém hiệu quả.

Việc "thầy nhiều hơn thợ" bắt nguồn từ việc xoá bỏ Tổng cục Dạy nghề khi nhập vào Bộ ĐH-THCN năm 1987. Hệ thống giáo dục quốc dân vào năm 1993 đã bị biến dạng, hệ thống này được ví như cái kiềng hai chân, không thể liên thông được. Tại Trung Quốc, sau THCS, gần 60% HS vào trường nghề, chỉ hơn 40% vào THPT và học lên ĐH, ở Đài Loan 66% học nghề, 34% học tiếp.

Thuỵ Sĩ là một nước giầu có, nhưng tỉ lệ vẫn giữ 1 thầy 4 thợ. Sự phân luồng ở đây 18% HS vào ĐH, 82% HS đi học nghề. Họ có 10 trường ĐH, nhưng có 72 trường dạy nghề. Dự kiến từ nay đến 2020 sẽ có 450 SV/vạn dân. Thiếu giảng viên đại học, lại có ngay một "chiến lược" ngẫu hứng 10 năm tới đào tạo 20.000 tiến sĩ!

M.Đ( theo Lao Động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm