Chỉ 37% người khuyết tật từng được đi học

Ngày 29-9, hội thảo tham vấn về dự án Luật Người tàn tật-khuyết tật đã diễn ra tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Hội thảo do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Dự án Tăng cường năng lực các cơ quan dân cử phối hợp tổ chức.

Tiến sĩ Phạm Minh Mục, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho hay có 36,8% người khuyết tật từng được đi học tại các trường tiểu học, trung học hoặc học lên cao. Dự thảo Luật Người khuyết tật-tàn tật khẳng định: “Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật. Phương thức giáo dục bán hòa nhập và phương thức giáo dục chuyên biệt chỉ thực hiện đối với người khuyết tật không có khả năng học bằng phương thức giáo dục hòa nhập”.

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt ĐH Sư phạm Hà Nội đã nêu lên thực tế: “Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có một vụ chức năng để chỉ đạo công tác giáo dục cho người khuyết tật. Việc chỉ đạo thống nhất từ trung ương xuống cơ sở thường chỉ là công tác phụ kèm theo, dẫn đến việc kém hiệu quả trong thực hiện”.

Theo PGS-TS Yến, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ khuyết tật nhưng lại chưa quy định số biên chế cho các giáo viên được đào tạo chuyên về giáo dục khuyết tật. Mỗi năm có 100-200 giáo viên được đào tạo chuyên môn về giáo dục khuyết tật, song số nhân lực này vẫn chưa được sử dụng hết, gây lãng phí nguồn nhân lực. Trong khi đó, chất lượng giáo dục và dịch vụ xã hội đối với người khuyết tật còn ở mức độ hạn chế. Chế độ phụ cấp giảng dạy cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật theo hình thức giáo dục hòa nhập chưa được quy định rõ, gây thiệt thòi về quyền lợi cho giáo viên.

Đồng thời, bà Yến kiến nghị: “Dự thảo luật nên thêm: Học sinh khuyết tật dự thi vào các trường ĐH, CĐ được cộng điểm ưu tiên tương đương với mức ưu tiên cao nhất”.

Trong phiên làm việc ngày 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra lý do thuyết phục hơn khi đổi tên dự án Luật Người tàn tật thành dự án Luật Người khuyết tật. Tại hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia lần này, hai khái niệm khuyết tật và tàn tật được sử dụng song song.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm