Chống bạo hành trẻ mầm non: Lắp camera chỉ là phần ngọn

“Sau mỗi vụ bạo hành trẻ mầm non, nếu giải pháp chỉ dừng lại ở việc lắp camera thì những sự việc như ở Mầm Xanh sẽ còn tái diễn”. Đây là ý kiến chia sẻ của luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn LS TP.HCM, Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền lợi trẻ em TP) tại buổi tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi!” do Trường ĐH Sài Gòn, báo Tiền Phong và hệ thống Trường Mầm non Tesla tổ chức sáng 1-12.

Trăm dâu đổ đầu trẻ!

ThS Phan Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tesla, chỉ ra rằng có ba khung giờ mà cô giáo mầm non phải chịu áp lực nhiều nhất, đó là giờ ăn, giờ học và giờ chơi. “Bản thân các cô giáo cũng chịu nhiều áp lực từ nhà trường vì chạy theo thành tích, áp lực từ phụ huynh đòi hỏi con phải tăng cân mỗi ngày hay mỗi tháng... Những điều này vô tình khiến giáo viên (GV) dễ có những hành vi bạo hành trẻ” - bà Hà nói.

Còn theo TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao (Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sài Gòn), nạn bạo hành thường xảy ra do chính người chăm sóc và giáo dục trẻ thiếu kỹ năng nghề và suy thoái đạo đức.

“Một khi GV đã có suy nghĩ về bạo hành thì họ có rất nhiều cách bạo hành trẻ để phụ huynh không biết. Họ biết cách đánh ở đâu thì nhanh hết bầm, đánh ở đâu để phụ huynh không thể kiện được... Chưa kể khả năng nhận thức về bạo hành của cha mẹ cũng còn hạn chế nên có những đứa trẻ bị bạo hành từ lâu nhưng cha mẹ không phát hiện ra, hoặc xem việc con bị thầy cô đánh là bình thường. Chính phụ huynh không bảo vệ được con mình dẫn đến nhiều sự việc xảy ra rồi cũng qua” - TS Dao nói.

Luật sư Ngọc Nữ (thứ hai từ phải qua) cùng các khách mời chia sẻ về vấn đề bạo hành trẻ mầm non tại buổi tọa đàm sáng 1-12. Ảnh: PHẠM ANH

Lắp camera chỉ là phần ngọn

Theo TS Dao, một nguyên nhân khiến tình trạng bạo hành vẫn cứ xảy ra là do sự giám sát của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo. “Như tại cơ sở Mầm Xanh, đoàn đã đi kiểm tra chỉ trước đó vài ngày nhưng không hề phát hiện được gì thì chứng tỏ nghiệp vụ quá yếu kém, đi kiểm tra bề nổi hoặc trên giấy tờ thì sao phát hiện được” - TS Dao thẳng thắn.

Bàn đến những giải pháp để hạn chế bạo hành với trẻ mầm non, theo LS Ngọc Nữ, cần phải chú trọng giáo dục bậc mầm non hơn. Các cơ quan chức năng cần rốt ráo trong việc kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục, loại bỏ các GV không đủ điều kiện.

Những vụ việc về trẻ em bị bạo hành cũng dựa vào luật hình sự để xử lý về tội cố ý gây thương tích, hay hành hạ người khác để xử phạt tù 1-3 năm. Nhưng tội cố ý gây thương tích lại phải để lại hậu quả thương tích ít nhất là 11% mới xử lý, như thế là vô lý!

Khi tham gia tố tụng, chúng tôi đề nghị cần phải có những yếu tố tăng nặng như với trẻ em hay dùng hung khí... Bởi với trẻ em thì dù để lại thương tật 0% cũng phải xử lý mạnh mới đủ sức răn đe, vì thương tích của các em không chỉ tính trên thể chất mà ảnh hưởng lâu dài về tâm lý, nhân cách.

LS TRẦN THỊ NGỌC NỮ 

“Sau mỗi vụ xảy ra thì lại yêu cầu gắn camera, chúng tôi ủng hộ nhưng phải có bộ phận khách quan giám sát camera chứ không phải lắp rồi là xong. Vì thực tế đã có nhiều sự việc xảy ra vô tình lại đúng lúc camera hư thì cơ quan nào khắc phục lại được. Hơn nữa, camera gắn ở mỗi lớp học cũng chưa đủ, chính các bậc phụ huynh và toàn xã hội cũng phải là những chiếc camera sát sao để bảo vệ trẻ” - bà Ngọc Nữ đề xuất.

Bà Nữ cũng cho rằng cần tăng thêm chính sách về lương bổng, đãi ngộ cho GV để họ yên tâm làm việc. Chương trình đào tạo cần khắt khe hơn, chuẩn mực hơn, cả về kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho giáo sinh.

Một đại biểu đến từ Sở LĐ-TB&XH TP cũng góp ý rằng trong quá trình đào tạo giáo sinh, cần tăng cường giáo dục pháp luật một cách nghiêm túc cho các em. Từ luật giáo dục, luật trẻ em, dân sự, hình sự... liên quan đến trẻ em và công việc của nghề giáo. Có như thế khi ra trường đi dạy, các giáo sinh thấu đáo và hiểu rõ hậu quả về những hành vi của mình.

Chủ tịch nước: Nghiêm trị tội ác với trẻ em!

Tại buổi tiếp xúc với cử tri các quận 1, 3, 4 (TP.HCM) sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định một loạt vụ bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em xảy ra trong những ngày gần đây khiến dư luận rất đau lòng, bức xúc. Đây là vấn đề toàn xã hội cần hết sức quan tâm.

“Với tư cách là chủ tịch nước, tôi cũng đã có ý kiến, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc tích cực, rà soát lại tất cả giải pháp, làm sao thực hiện một cách tốt nhất nghị quyết của Đảng, pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trước mắt phải tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe đối tượng có hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch Trần Đại Quang khẳng định việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta vì trẻ em là tương lai của đất nước, dân tộc.

Đây là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài, là góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tương lai. Đây là tương lai của đất nước… Đầu tư cho trẻ em chính là đầu tư cho tương lai đất nước, là trách nhiệm cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhà trường và toàn xã hội.

“Đứng trước tình hình này, cá nhân tôi cũng đã có ý kiến chỉ đạo, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, TP đã vào cuộc, các cơ quan chức năng cũng đã khởi tố vụ án để đưa ra truy tố, xét xử những người có hành vi bạo hành trẻ em rồi. Nhưng còn phải làm tiếp, làm mạnh mẽ hơn nữa, đừng làm một vài việc sau đó để vào quên lãng là không được. Đây là vấn đề chiến lược, lâu dài, làm thường xuyên” - Chủ tịch nước nói. 

LÊ THOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm