Chương trình giáo dục phổ thông mới khả thi ra sao?

Chiều 27-12, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Theo đó, chương trình mới này có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành.

Chương trình GDPT bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Giảm giờ học, thay đổi cách dạy

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, cho hay chương trình các môn học ở chương trình phổ thông mới sẽ có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Trong đó, có một hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt tất cả cấp học là hoạt động trải nghiệm.

Chương trình GDPT mới cũng được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Điểm đáng chú ý của chương trình GDPT mới được quan tâm đó chính là giảm tải giờ học, môn học và số tiết. Ở chương trình mới này sẽ giảm tải một số môn học và hoạt động giáo dục. Theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có bảy môn học, lớp 3 có chín môn học, lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học.

Chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học, thay vì 17 môn học như chương trình hiện hành. Ở chương trình mới ở các lớp THPT đều có 12 môn, thay vì 17 môn như hiện nay. Số giờ học cũng giảm tương đối ở cả ba cấp học.

Được biết tất cả thay đổi của chương trình GDPT mới này đều hướng tới thay đổi cách dạy và học của học sinh (HS), hướng HS đến tự lực vận động. Thế nhưng để đạt được mục tiêu mà chương trình mới đã đặt ra, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cân đối.

Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mớiTrong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện tiết học ngoài nhà trường tại Thảo Cầm Viên.  Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Vẫn chưa có sách giáo khoa

Về vấn đề sách giáo khoa trong chương trình GDPT mới, ông Vũ Đình Chuẩn cho rằng sau khi công bố chương trình GDPT mới sẽ có những động thái xây dựng sách giáo khoa tuân theo luật đấu thầu…

Ngoài vấn đề sách giáo khoa, nhiều lo lắng về việc tập huấn giáo viên (GV) phù hợp với chương trình, việc cân đối sĩ số đảm bảo yêu cầu dạy và học, cơ sở vật chất, giảm tải có đạt chất lượng hay phản tác dụng cũng được báo chí đặt ra.

Liên quan đến cơ sở và đội ngũ GV, Cục trưởng Cục Nhà giáo Hoàng Đức Minh cho biết Bộ đã tổ chức những khóa bồi dưỡng GV, tổ chức đào tạo GV cốt cán.

Lộ trình áp dụng

Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. 

“Tôi tin GV tích hợp sẽ đáp ứng yêu cầu. Về những nơi khó khăn, chúng tôi cũng đã tính đến khi đào tạo GV cốt cán sẽ được chú ý hơn, đầu tư bồi dưỡng hơn về công nghệ thông tin. Chúng tôi cũng đã chọn lọc những GV tốt nhất, có khả năng nhất để triển khai chương trình, với lớp 1 là từ năm học 2020-2021. Bộ cũng tính đến vấn đề thừa, thiếu GV và giao cho các đơn vị về việc tuyển dụng và định mức công việc để có thể đáp ứng chương trình”.

Ông Minh khẳng định đội ngũ GV thì không thiếu, chương trình cũ và mới số GV cần không chênh lệch nhiều nên không lo về nguồn tuyển.

“Còn đào tạo, bồi dưỡng qua mạng thì không phải đến bây giờ mới làm mà Bộ đã tổ chức trước đó. Với sự hoàn thiện của việc bồi dưỡng qua mạng cùng hệ thống công nghệ thông tin, chúng tôi tin rằng GV sẽ đủ điều kiện để đáp ứng chương trình mới” - ông Minh khẳng định.

Vấn đề cuối cùng là để cho HS THPT tự chọn môn học thế nào, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đây vẫn là mâu thuẫn. “Mong muốn của chúng ta là phân hóa triệt để nhưng thực tế không phải trường phổ thông nào cũng đáp ứng được như vậy. Do đó, quy định là nhà trường xây dựng tổ hợp môn học vừa đáp ứng nguyện vọng của HS, vừa phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường” - ông Thuyết nói.

Chương trình cụ thể các cấp học

Cấp tiểu học có các môn học bắt buộc gồm: tiếng Việt, toán, đạo đức, ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, 4, 5), tự nhiên và xã hội (lớp 1, 2, 3), lịch sử và địa lý (lớp 4, 5), giáo dục thể chất, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật); hoạt động trải nghiệm (bắt buộc) và hai môn tự chọn (tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ một).

Bậc học này xuất hiện môn học mới là tin học và công nghệ (lớp 3, 4, 5).

Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật. Môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ hai.

Ở bậc học này, môn tin học trở thành bắt buộc (khác với trước đây là tự chọn). Ngoài ra, sự xuất hiện của các môn lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên sẽ khiến cách tổ chức dạy học khác so với trước.

Ở cấp THPT, các môn học bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ một, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn: theo nhóm khoa học xã hội (gồm các môn giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý), nhóm khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học), nhóm công nghệ và nghệ thuật (gồm công nghệ, tin học, nghệ thuật). Các môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ hai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm