Cơn khát kỹ năng sống: Những khoảng trống trong nhà trường

Ngành giáo dục đã chuyển động, dạy kỹ năng sống nhưng chỉ là lắp ghép, không có chương trình, thiếu người chuyên trách.

Trong số báo Chủ nhật (29-4) chúng tôi đã thông tin về tình trạng bùng phát những dịch vụ giáo dục kỹ năng sống (KNS). Nguyên nhân sự bùng phát này là cơn khát KNS của xã hội đáng được báo động. Hiện tượng này không mới, theo ThS Đỗ Thị Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội, những vấn đề báo động trong giới HS-SV hiện nay tất cả bắt nguồn từ sự thiếu hụt về KNS. Trong vòng một năm (tháng 5-2007 đến 5-2008), riêng BV Trưng Vương
(TP.HCM) tiếp nhận 310 ca tự tử dưới 16 tuổi. Ngay từ năm học 2009-2010, Bộ GD&ĐT đã đưa KNS vào chương trình học bằng phương châm “xây dựng trường học tích cực, HS thân thiện”. Nhưng việc dạy và học chỉ là lồng ghép, lấp khoảng trống một cách không bài bản.

Thấp thoáng mô hình sinh động

Thực tế, việc dạy KNS tại TP.HCM cũng lóe lên vài điểm sáng, vài mô hình nhà trường giáo dục KNS như: Trường Mầm non (MN) 4 (quận 3) kết hợp với Công ty Dịch vụ Du lịch toàn quốc cho HS khối chồi và lá đi tham quan một trang trại rau ở quận 12. Các bé đã được học chăm sóc và thu hoạch rau, bảo vệ môi trường, làm quen thiên nhiên, giao lưu…. Sắp tới, trường sẽ tiếp tục kết hợp với công ty này cho các bé tham gia một khóa vui chơi và học KNS tại Trung tâm Giáo trí hướng nghiệp Kizciti ở quận 4. Trường MN Sơn Ca 1 tổ chức một buổi tiệc buffet cho HS MN và giáo viên quan sát đánh giá kỹ năng. Các cháu lần đầu tham dự sẽ lấy một loại thức ăn rất nhiều và ăn không hết, rồi lại lấy món khác, thường chăm chú ăn hơn là vừa ăn vừa nói chuyện với bạn. Các cháu chen lấn chọn thức ăn và chưa có thói quen xếp hàng. Qua buổi tiệc, giáo viên dạy cho các cháu khắc phục các thói quen xấu nêu trên.

Cơn khát kỹ năng sống: Những khoảng trống trong nhà trường ảnh 1

Những buổi học ngoại khóa giúp cho HS nhiều kỹ năng thực hành xã hội và kiến thức. Trong ảnh: HS Trường Tiểu học Lương Định Của học về luật giao thông.

Từ ngày 12-6 đến hết tháng 7, Trung tâm KNS Desert Flower của Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) sẽ tổ chức nhiều chương trình KNS cho HS tiểu học. Các em sẽ được học tại trường do chính các thầy cô của trường đảm trách với nhiều nội dung như vượt qua khó khăn, sống tự lập, cách giao tiếp ứng xử, lòng yêu thương… Tùy theo nội dung, các em sẽ có những chuyến đi thực tế để trải nghiệm thêm.

Chương trình loạn, lồng ghép lúng túng

Tuy nhiên, ở nhiều trường khác, việc dạy KNS trong nhà trường còn rất lúng túng. Cô Lê Thị Hạnh Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, nhìn thẳng vấn đề: Bộ chưa có chương trình cho môn KNS. Cách phổ biến ở các trường hiện nay là dạy lồng ghép KNS cho HS vào các môn học khác. Vài trường THPT lại mua những bộ sách Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồn để dạy tích hợp vào trong những khoảng thời gian trống. Không có một quy chuẩn lồng ghép nào nên việc dạy chưa đánh giá được hiệu quả hay không.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Tất Tố - Phú Nhuận, nhận xét: “Hiện tượng HS đánh nhau, chửi thề, có thái độ thờ ơ vô cảm trước mọi chuyện, hiện tượng trầm cảm, stress, tự tử, hủy hoại đời mình… xảy ra liên tiếp là lời cảnh báo cho sự xem nhẹ giáo dục KNS. Đơn giản các em chưa bao giờ được dạy cách đương đầu với những khó khăn của cuộc sống như cha mẹ ly hôn, gia đình phá sản, kết quả học tập kém… Các em cũng chưa được dạy để hiểu thế nào là giá trị của cuộc sống nên sẵn sàng đánh nhau, chửi bậy, sa đà vào các tệ nạn xã hội và nhiều khi ngay cả mạng sống của mình cũng bị chính các em từ bỏ một cách không thương tiếc”. Thầy Dương Thái Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Văn Ngữ (Phú Nhuận), chia sẻ: Dạy KNS là giúp HS làm chủ suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình và các em biết vận dụng vào trong cuộc sống. Thực tế trong trường hiện nay có khoảng cách giữa nhận thức và hành vi, có nhận thức đúng chưa chắc HS đã có hành vi đúng. Đơn cử, HS biết chắc là không học bài, không tập trung trong giờ học là không đúng, không mạnh dạn, tự tin là bất lợi lớn khi ra ngoài xã hội… nhưng các em vẫn làm, vẫn không thực hiện được là do các em thiếu KNS”.

Cần tập huấn cho giáo viên

Bộ GD&ĐT cần mời những chuyên gia tập huấn cho giáo viên những phương pháp về hoạt động ngoại khóa, lồng ghép những chương trình về kỹ năng thực hành xã hội cho HS, để cho các em tự suy nghĩ, tự lựa chọn, bình luận, nhận xét về một vấn đề và tự chịu trách nhiệm bản thân về nhận xét đó.

Ông NGUYỄN THÀNH NHÂN, nguyên Quyền Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam

Nâng cao vai trò đoàn, đội

Theo định hướng của Sở, giáo dục KNS trong nhà trường chủ yếu tích hợp, lồng ghép trong các môn học và hoạt động hoặc thông qua đoàn, đội. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế chưa cao, giáo viên còn lúng túng, dạy máy móc cho hết bài, chưa nắm rõ lồng ghép kỹ năng. Vì vậy, năm học tới Sở sẽ đẩy mạnh thêm giáo dục KNS bằng cách định hướng lại hoạt động đoàn, đội trong từng cấp học. Đây sẽ là lực lượng chủ chốt hỗ trợ nhà trường trong mọi hoạt động về KNS cho HS.

Ông TRẦN KHẮC HUY, Trưởng phòng Công tác HSSV
thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM

Đâu rồi những trại hè?

Tôi sinh năm 1975, thời tôi đi học, những môn học KNS được thương mại hóa như bây giờ đều được nhà trường, xã hội tận tình trao gửi cho HS. Từ lớp 1 đến lớp 3, sau mỗi chiều thứ Bảy chúng tôi được các anh chị đội viên lớp lớn sinh hoạt thiếu nhi. Năm lớp 4, lớp 5 thì chúng tôi sinh hoạt đội với các anh chị đoàn viên hướng dẫn. Lên cấp 2, chúng tôi sinh hoạt đội và được sinh hoạt đoàn từ năm lớp 8. Rồi đến lượt chúng tôi trở thành những phụ trách sao, phụ trách đội, hướng dẫn lại các em nhỏ khác. Trong sinh hoạt sao, đội, đoàn ấy, chúng tôi được học, được rèn luyện kỹ năng ngoại khóa và tinh thần cộng đồng như học đội hình đội ngũ, tín hiệu câm, giải mật thư, chơi trò chơi, hát hò tập thể, học lịch sử, học nhóm cùng nhau, giúp đỡ bạn nghèo, người già neo đơn, dọn vệ sinh trường, xóm làng…

Đến hè, nhà trường và khu phố đều tổ chức sinh hoạt hè với các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thậm chí đến nhà vận động phụ huynh cho con em tham gia. Trong mỗi mùa hè, các địa phương đều tổ chức đi trại hè vài ngày ở những vùng biển, vùng núi. HS chỉ phải đóng một số tiền nhỏ. Tại trại hè, chúng tôi chơi trò chơi lớn, giải mật thư tìm kho báu, hành quân ven biển theo lệnh, đi trinh sát dò đường, leo núi tìm thần lửa… Những gì thế hệ chúng tôi được hưởng, được học, được dạy, được rèn luyện trong các mùa hè thời đi học dành cho mọi trẻ em như là quyền lợi đương nhiên phải có. Còn bây giờ, tại sao những sinh hoạt hè lành mạnh dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng lại gần như biến mất?

HÒA BÌNH

QUỐC VIỆT

Kỳ tới: Kẽ hở từ sự ôm ấp của gia đình

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm