Cuộc thi Phiên tòa giả định quốc tế

Tham dự có hai đội tuyển trong nước (ĐH Luật và Học viện Quan hệ quốc tế) cùng 16 đội quốc tế. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Phiên tòa giả định quốc tế. Và mục tiêu của Trường đại học Luật TP.HCM - đơn vị đăng cai là đưa những kinh nghiệm thực tiễn từ các phiên tòa giả định vào giáo trình giảng dạy.

Nhiều “đất” để sinh viên thể hiện

Phiên tòa giả định quốc tế là một trong ba chương trình nằm trong khuôn khổ hội nghị thường niên của LAWASIA (Hiệp hội Luật Châu Á-Thái Bình Dương có khoảng 1.500 thành viên tại 50 quốc gia). Chủ đề phiên tòa năm nay là “Các mâu thuẫn giữa quyền của tàu cứu hộ với những lợi ích hợp pháp của cơ quan bảo tồn liên quan đến di sản văn hóa dưới nước trước phiên trọng tài quốc tế”.

18 đội tham gia sẽ được chia làm sáu bảng và thi đấu vòng tròn hai lượt (hai đội thay phiên nhau giữ vai trò nguyên đơn và bị đơn). Hai đội xuất sắc nhất tham dự hai trận chung kết vào ngày 12-11. Ban giám khảo là những luật sư, luật gia, trọng tài viên và thẩm phán có uy tín quốc tế.

Cuộc thi Phiên tòa giả định quốc tế ảnh 1

Các sinh viên Đại học luật TP.HCM đang thảo luận trong vòng thi tuyển thứ hai.

Ban tổ chức cho biết: Năm nay, cuộc thi được tổ chức theo hình thức trọng tài nên sinh viên có rất nhiều cơ hội để thể hiện mình. Ở mỗi vai trò (nguyên đơn hoặc bị đơn), các sinh viên sẽ có góc nhìn khác nhau để thể hiện kiến thức, khả năng tranh luận, hùng biện... Theo các giảng viên, hình thức này đòi hỏi cả hai đều có thể nhận ra những điểm yếu về mặt pháp lý của bên kia.

Cơ hội học hỏi luật quốc tế

Để tuyển chọn thành viên tham gia cuộc thi này, Trường đại học Luật TP.HCM đã tổ chức tuyển chọn rất công phu và gắt gao. Từ hơn 300 sinh viên đăng ký, trường đã chọn ra được sáu thành viên đội tuyển (trong đó có ba thành viên dự bị). Đó là những sinh viên vừa vững chuyên môn, vừa có trình độ tiếng Anh tốt, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành.

Bạn Nguyễn Vũ Quỳnh Trang, một thành viên chính thức, sinh viên khóa 31, cho biết ngay từ tháng 6, nhà trường đã bắt tay vào tuyển chọn. Sau vòng thi tiếng Anh, nhà trường chỉ chọn ra được 68 người. Vòng hai, trường chọn ra được 20 sinh viên bằng cách chia nhóm thảo luận bằng tiếng Anh trước sự phản biện của các thầy cô. Cuối cùng, sinh viên phải trải qua vòng thi hùng biện với ban giáo khảo là các thầy cô và các chuyên gia nước ngoài.

Trang cho biết ngay sau khi tuyển chọn xong, các thành viên đội tuyển và các thầy cô trong ban chuyên môn, ban huấn luyện đã làm việc rất cật lực. Đến thời điểm này, các bạn đã hoàn thành các bài thuyết trình để tranh tụng với hai đội cùng bảng là Đại học Pusan (Hàn Quốc) và Đại học Quốc gia Singapore.

Bên cạnh các thành viên đội tuyển, hơn 50 sinh viên khác cũng được tuyển chọn để làm tình nguyện viên giúp đỡ các đội tuyển khác hoặc làm thư ký ghi biên bản trong cuộc thi. Đồng thời, đây là lần đầu tiên Trường đại học Luật TP.HCM tham gia chương trình này nên cả thầy cô lẫn sinh viên đều bỏ nhiều công sức mày mò, tìm hiểu. 

Đưa vào chương trình giảng dạy

Theo PGS.TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng nhà trường, từ trước đến nay, hoạt động của Câu lạc bộ Phiên tòa tập sự của nhà trường chủ yếu đóng vai trò tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân nhưng chưa được quan tâm đúng mức. “Chúng tôi đang tính toán sắp tới sẽ đưa hoạt động này vào chương trình giảng dạy chính thức. Vì thế, việc đăng cai cuộc thi Phiên tòa giả định quốc tế sẽ là bước chuẩn bị để thực hiện chương trình này” - bà Quỳ nói.

Cuộc thi Phiên tòa giả định quốc tế ảnh 2

Sáu thành viên của đội tuyển Trường đại học Luật TP.HCM vượt qua vòng thi tuyển cuối cùng.

Ngoài ra, theo bà Quỳ, đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai cuộc thi này nên nhà trường muốn tổ chức thật hoàn hảo để gây ấn tượng tốt đẹp cho các sinh viên luật các nước. Cuộc thi cũng là một hình thức quảng bá nghề luật tại Việt Nam cho những sinh viên luật, những chính trị gia tương lai của các nước lớn như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ...

Cạnh đó, nó cũng là tiền đề để Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức cuộc thi Phiên tòa giả định toàn quốc để tuyển chọn ra những sinh viên xuất sắc tham dự những cuộc thi Phiên tòa giả định quốc tế trong những năm tới. Vấn đề khó khăn nhất của trường bây giờ là tài chính. Theo tính toán, cuộc thi sẽ tốn khoảng 1,4 tỷ đồng. “Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận đăng cai và dù điều kiện nào, chúng tôi cũng sẽ tổ chức một cuộc thi thành công” - PGS.TS. Mai Hồng Quỳ khẳng định.

Báo Pháp Luật TP.HCMbảo trợ thông tin

Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ là đơn vị bảo trợ thông tin của cuộc thi Phiên tòa giả định quốc tế. Các thông tin về cuộc thi và những tình huống pháp lý thú vị sẽ được Báo cập nhật và phân tích đến bạn đọc.

Vòng loại và bán kết sẽ diễn ra tại Trường đại học Luật TP.HCM (2 Nguyễn Tất Thành, quận 4). Trận chung kết và đêm trao giải sẽ được tổ chức tại khách sạn Rex, 141 Nguyễn Huệ, quận 1. Đêm gala trao giải sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV9 và chuyển sóng trên kênh VTV4, Đài truyền hình Việt Nam vào lúc 20 giờ ngày 12-11.

THANH LƯU

dotung

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm