Dạy học kiểu thầy trò cùng chảy nước mắt

Cô cũng từng là một trong 250 người được Microsoft chọn là chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu. “Hiện nay phụ huynh đã bắt đầu ý thức hơn về mục tiêu giáo dục nên đã lựa chọn cho con vào môi trường mà con có thể phát triển toàn diện chứ không còn chạy đua theo điểm số nữa. Đây là một tín hiệu đáng mừng và là tiền đề cho việc giảm dần nhu cầu học thêm ở học sinh” - cô Tô Thụy Diễm Quyên tâm sự.Pháp Luật TP.HCM Chủ nhậtxin giới thiệu bài viết của cô Tô Thụy Diễm Quyên về phương pháp dạy học theo dự án nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện mà không thông qua điểm số.

Tôi may mắn được tiếp cận với giáo viên của 33 tỉnh, thành và nhờ đi đến nhiều nơi nên tôi có cái nhìn khá tổng quát với giáo dục. Rất nhiều thầy cô giáo vô cùng tâm huyết với nghề, bất chấp những khó khăn của cuộc sống. Vì thế, mặc dù còn nhiều trở ngại nhưng đã có một lực lượng không nhỏ thầy cô giáo đang đi đầu trong việc thay đổi phương pháp giáo dục. Điển hình là chương trình dạy học theo dự án.

Dự án “Sao em nỡ vội lấy chồng”

Trong quá trình tập huấn và hướng dẫn cho giáo viên, tôi được làm việc với những dự án đầy tính nhân văn mà bất kỳ ai nghe thấy cũng có thể chảy nước mắt vì xúc động.

Có lần tôi tập huấn cho giáo viên tỉnh Vĩnh Phúc. Mặc dù mới được tập huấn nhưng các thầy cô đã ấp ủ những ý tưởng tuyệt vời để làm dự án cùng học sinh (HS) của mình. Có một dự án mà khi nghe cô giáo trình bày tôi đã xúc động rất mạnh. Cô kể rằng nữ sinh của trường cô và những trường lân cận mới cấp III đã nghỉ học để đi làm hoặc đi lấy chồng. Hầu hết những cô bé ấy đều có cuộc sống đen tối, rất đáng thương. Cô muốn làm một dự án để giúp các em nhìn ra con đường tốt đẹp mà các em nên đi. Tôi đã gợi ý cô lấy tên “Sao em nỡ vội lấy chồng” cho dự án. Cả mấy tháng sau tôi vẫn không quên câu chuyện mà cô giáo đã chia sẻ và cứ mãi xúc động với tấm lòng của những người thầy vùng ven đầy khó khăn ấy.

Một lần khác tôi về Đồng Tháp. Tập huấn với các thầy cô giáo về công nghệ thông tin xong thì có một thầy đã lặn lội từ Đồng Tháp lên TP.HCM để tham gia tập huấn về dạy học theo dự án vì chương trình này đang được triển khai rất mạnh ở TP. Khi thầy trình bày ý tưởng, tôi lại rùng mình với trăn trở của thầy. Thầy kể về những bé gái bị bắt cóc, bị bán qua biên giới và thầy muốn làm một dự án để cảnh tỉnh bạn bè, gia đình và cả xã hội để mọi người đều có trách nhiệm với nhau nhiều hơn, để có thể bảo vệ cho các bé gái luôn được an toàn.

Một lần khác tôi lại được làm việc với các thầy cô giáo ở Hà Nội và nghe được những dự án hết sức gần gũi nhưng cũng hết sức nhân văn. Một cô giáo tâm sự: “Tôi thấy ngày nay ai cũng vội vàng và quên mất tận hưởng bao nhiêu cái đẹp mà họ đang sở hữu. Buổi sáng cha mẹ chở con đến trường rồi quay xe đi ngay không kịp nhìn đứa con thân yêu đang cúi chào mình, hoặc đứa con vừa chào cha mẹ vừa chạy đi không kịp mỉm cười với cha mẹ. Mọi người không biết chắt lọc cái đẹp của cuộc sống mà chỉ giữ lấy những hỉ nộ ái ố phiền toái. Tôi muốn đặt tên cho dự án ấy là “Đẹp trong mắt em”. Thế rồi một cô giáo khác đã góp thêm ý tưởng cho bạn bằng cách đọc bài thơ Phố Ta của Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời toàn những chuyện xấu xa/ Thì sao cây táo lại nở hoa? Sao rãnh nước lại trong veo đến thế...”. Tôi đã chảy nước mắt không biết bao nhiêu lần vì quá yêu quý đồng nghiệp của mình, kính họ bởi cái tâm mà cho dù cuộc sống có xô đẩy đến đâu họ vẫn giữ vẹn nguyên.

Khi dạy học bằng dự án, học sinh sẽ gặt hái được vô số điều thú vị. Các em được phát triển kỹ năng sống, được trải nghiệm và trưởng thành.

Học sinh cấp I nấu được mâm cơm đủ món

Khi dạy học bằng dự án, HS sẽ gặt hái được vô số điều thú vị. Các em được phát triển kỹ năng sống, được trải nghiệm và trưởng thành. Thậm chí tổ chức học tập bằng dự án cũng vô cùng thành công đối với cả HS cấp I. Ví dụ dự án “Con đã trưởng thành” của cô Trâm Anh, Trường Tiểu học Lạc Long Quân, quận 11 của TP.HCM là một ví dụ. HS cấp I mà thực hiện xong dự án thì có thể tham gia thi nấu ăn và làm tươm tất một mâm cơm đủ các món. Các em xếp quần áo rất nhanh và hào hứng giúp cha mẹ một cách tự nguyện.

Dự án “Hạnh phúc màu cam” cũng là một trong những dự án đã gây xúc động cho khách tham quan trong triển lãm “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” mà Sở GD&ĐT TP.HCM vừa tổ chức tháng 4 vừa rồi.

Để thực hiện một dự án học tập, HS phải đóng vai các nhà chuyên môn để giải quyết vấn đề. Các em phải lăn vào cuộc sống, phải trải nghiệm và cái mà các em nhận được giá trị hơn kiến thức từ sách giáo khoa rất nhiều.

Học môn nào cũng vận dụng được vào thực tế

Dạy học dự án phù hợp với tất cả các môn. Đặc thù của dạy học dự án là có thể dùng kiến thức môn học hoặc kỹ năng của môn học để giải quyết một yêu cầu của môn học khác. Do đó HS sẽ rất hứng thú vì các em thấy môn học nào cũng vận dụng được vào thực tế.

Những dự án của lý và hóa có rất nhiều chủ đề có thể khai thác được. Ví dụ như dự án “Đôi mắt” vận dụng kiến thức quang học. Dự án “Nước ơi” vận dụng kiến thức môi trường trong cả môn hóa, sinh và công nghệ. Dự án môn tiếng Anh thì tích hợp cả sử vào để HS có thể giới thiệu về các di tích lịch sử địa phương cho du khách bằng tiếng Anh. Dự án “Du lịch TP.HCM” thì có dùng kiến thức toán để tính toán quãng đường sao cho khoa học nhất, giúp du khách tiết kiệm thời gian di chuyển...

Nếu mọi người xem các video dự án, nhìn các em HS chuyên nghiệp trong vai trò MC hoặc PV sẽ hiểu vì sao HS lại yêu thích học dự án và vì sao cách dạy này lại được cổ súy trên thế giới như thế.

HS học được nhiều kỹ năng từ học theo dự án, kỹ năng mà dễ nhận ra nhất ở HS đó là giao tiếp. Trong cuộc triển lãm của cuộc thi Giáo viên sáng tạo, mọi người rất thán phục trước những em bé dõng dạc tự tin trình bày về dự án trước khách tham quan.

Trò giỏi hơn thầy

Khi thực hiện dạy học theo dự án giáo viên gặp rất nhiều trở ngại. Trở ngại về kinh phí, về quan điểm của phụ huynh. Có nhiều phụ huynh nói thẳng: “Tôi cần con tôi đậu lớp 10 chứ không cần cho nó làm dự án. Mất nhiều thời gian mà điểm chỉ hệ số 1”. Giáo viên làm dự án rất vất vả vì nó đòi hỏi sự sáng tạo và thích ứng xã hội rất cao. Tuy nhiên, sau khi làm vài dự án thì giáo viên cũng đã phát triển năng lực nên sẽ thấy mọi chuyện đơn giản dần. Sau dự án thầy trò quyến luyến nhau nhiều lắm. Đồng cam cộng khổ nên xóa đi ranh giới giữa thầy và trò. Có những em trước khi làm dự án học không giỏi môn đó nhưng sau khi làm thì hứng thú hơn với môn học và học tốt hơn nhiều. Điều này xảy ra không chỉ với HS Việt Nam mà HS quốc tế cũng đã có ghi nhận.

Khi thực hiện dự án giáo viên đã thú nhận rằng HS giỏi hơn thầy cô. Các em sáng tạo và đưa ra những giải pháp tuyệt vời để gỡ rối cho thầy cô. Từ đó thầy cô cũng đã tự học để có thể tiếp tục dẫn dắt cho HS của mình. Bản thân tôi đã giỏi hơn sau khi thực hiện một dự án vì có bước ra thực tế mới thấy khoảng cách rất xa với lý thuyết.

Học sử bằng kiến thức liên môn

Môn sử nếu dạy bằng dự án HS rất thích. Trong cuộc thi cấp TP vừa rồi có nhiều dự án là môn sử chủ đạo, ví dụ “Một ngày làm sử gia” của Trường Phú Nhuận. Có giáo viên làm cả một phần mềm để giúp HS học sử dễ dàng hơn. Khi thực hiện dự án, HS phải vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm