Đề án 2020: Đại dự án chục ngàn tỷ nhưng “có tiền đâu?"

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn bộ trưởng: Đề án dạy học ngoại ngữ đưa ra mục tiêu là đến năm 2020 đa số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu làm việc, giao tiếp.

Nhưng đến nay sau gần tám năm thực hiện, đã tiêu tốn 5.000 tỉ đồng nhưng nhiều mục tiêu chưa đạt được như mong muốn. Với nhiều hạn chế và bốn nhóm giải pháp mà Bộ GD&ĐT đã nêu, Bộ trưởng có khẳng định với những giải pháp đó thì dự án này có đạt được mục tiêu như mong muốn hay không?

Hay số phận của nó cũng giống như năm dự án không đạt hiệu quả mà Chính phủ báo cáo Quốc hội lần này?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đáp: “Đại biểu hỏi đề án này có đạt mục tiêu không, tôi trả lời ngay là không”! Dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều đối tượng, cần có thời gian, nguồn lực lớn.

Khi xây dựng đề án thì chúng tôi đặt quyết tâm cao nhưng khi thực hiện thì cũng gặp nhiều vấn đề, trong đó có việc triển khai, rồi kinh phí. Gần đây chúng tôi rà soát, trước hết là về mặt cách tiếp cận, sau đó rồi mới đến mục tiêu.

Vì vậy đề án chúng tôi tập trung đến khắc phục những vấn đề khó nhất của từng tổ chức, cá nhân. Chúng tôi tập trung biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu hội nhập, chứ không phải là soạn sách căn cứ vào trình độ của thầy cô. 

Thời gian vừa qua chúng ta chưa xem trọng đúng mức công tác đào tạo thầy cô dạy ngoại ngữ. Lúc trước, khâu GV chuẩn bị chưa kỹ nên việc thực hiện đề án gây khó khăn cho địa phương. Chúng tôi đang điều chỉnh đề án theo hướng như vậy, tới đây sẽ trình Chính phủ quyết định.

Chúng tôi nhấn mạnh đến yếu tố xã hội hóa, tạo môi trường động lực để thực hiện. "Cũng phải nhìn nhận là trong thời gian đầu chúng ta thực hiện đề án đã đạt được một số kết quả và cái được lớn nhất là bài học kinh nghiệm". Và đặc biệt là phương thức đào tạo từ xa cho mọi người cùng được hưởng. 

Thưa Quốc hội là với Singapore, Malaysia thì họ mất 38 năm để đạt trình độ trung bình cả nước có thể giao tiếp tiếng Anh. Muốn dạy học sinh tốt, có trình độ tốt thì phải có đội ngũ giảng viên, giáo viên trình độ cao", Bộ trưởng Nhạ nói.

Tranh luận thêm về vấn đề này, một đại biểu đã phát biểu: Tôi rất tin tưởng khi Bộ trưởng cho biết đã có định hướng, điều chỉnh lại đề án 2020. Các loại ngoại ngữ đều hay, đều cần thiết nhưng nhu cầu có khác nhau. Vậy hãy học tiếng Anh cho tốt, đáp ứng được nhu cầu hội nhập rồi sau đó muốn học thêm ngoại ngữ nào thì học. Xin đừng lãng phí thời gian của con người!". 

Đề án hơn 9000 tỷ nhưng mới hơn 3000 tỷ thôi

Tiếp tục câu hỏi về đề án dạy ngoại ngữ mà đại biểu Dương Minh Ánh đã đặt ra, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nói: Phải khẳng định đây là đại dự án nếu so với 5 dự án ngàn tỷ đắp chiếu.

“Xin hỏi Bộ trưởng liệu dự án này có xảy ra tình trạng đại lãng phí không? Bộ trưởng rút ra kinh nghiệm gì, có giải pháp gì để khắc phục tình trạng lãng phí như vậy?”

Bộ trưởng Nhạ trả lời: "Nói là đề án hơn 9.000 tỷ, nhưng có tiền đâu. Đến nay mới có hơn 3.000 tỷ thôi, các địa phương chi khoảng 1.600 tỷ. Tất nhiên tới đây chúng tôi sẽ điều chỉnh theo hướng sử dụng ít tiền hơn, nâng cao chất lượng thì phải đầu tư đội ngũ giáo viên, chương trình chứ không phải là nhiều tiền.

Bản thân cá nhân tôi phải rút kinh nghiệm rất sâu sắc. Khi làm một đề án phải tính toán đến kinh phí thực hiện, chứ không phải cứ đưa lên rồi khi triển khai thì không có tiền". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm