Đề tham khảo môn Sử: Dở hơn đề mẫu nhiều

Theo thầy Du, với 40 câu này thì ưu thế của đề là kiểm tra được toàn bộ kiến thức tổng quát về lịch sử trong chương trình lớp 12, rải đều từ lịch sử thế giới đến lịch sử Việt Nam. Đề đã không có những dữ liệu đòi hỏi các em phải nhớ về số liệu, ngày tháng như cách thi tự luận. Như vậy, chỉ cần học sinh (HS) học bài nghiêm túc, nghe giảng đầy đủ sẽ làm được 80%-90%, những em nào nắm chắc hơn và nắm tổng quát kiến thức mới làm trọn vẹn được. Chính vì thế theo thầy Du, đề phân hóa không cao năng lực HS nên nếu dùng đề này để xét tuyển ĐH thì khó để chọn lọc được những em học tốt môn sử thực sự hoặc có năng khiếu để theo chuyên sử.

Thầy Du cũng cho rằng đề tham khảo này dở hơn nhiều so với đề mẫu mà Bộ GD&ĐT từng công bố. Bởi nó làm mất đi những câu hỏi phát huy được sự tư duy của HS. Một số câu còn có đường dẫn ở câu hỏi không rõ ràng như ở câu số 27 dùng cụm từ “một trong những” để đặt câu hỏi thì rất dễ khiến HS chọn nhiều đáp án hoặc chọn đáp án không đúng tuyệt đối.

Học sinh đang tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.

Học sinh đang tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: P.A

“Theo tôi, đề này không hay vì chỉ dùng dạng trắc nghiệm đơn giản kiểu an toàn, không sử dụng nhiều hình thức trắc nghiệm khác nhau như khái quát, so sánh, trình tự thời gian... để kiểm tra năng lực tư duy của HS, không giúp HS dùng những kiến thức của mình để động não vấn đề. Có lẽ đề này hợp với những em theo ban tự nhiên hoặc dùng để kiểm tra đại trà bắt buộc dành cho tất cả HS chứ không phù hợp những em đã chuyên xã hội” - thầy Du thẳng thắn nói.

Thầy Du nói thêm, việc ra đề trắc nghiệm với môn sử sẽ giúp việc học của các em sẽ rất nhẹ nhàng. Chỉ cần các em học bài đầy đủ, có nghe giảng là sẽ làm được. Tuy nhiên,  nếu cứ ra đề như vậy với môn này, ít nhiều sẽ làm mất đi nhiều cái hay của lịch sử, không phân loại được HS giỏi về sử, không phát triển được những kỹ năng dành cho những em theo môn xã hội.

“Ngay cả giáo viên đến nay cũng còn bối rối cách dạy để thi kiểu trắc nghiệm này vì nó rất mông lung nên chủ yếu dạy đại cho các em nắm tổng quan kiến thức là được. Như thế không chỉ với học trò mà còn mất đi nhiều cái hay, đam mê đối với người dạy với sử” - thầy Du tâm tư. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm