Đề văn thi học sinh giỏi hay, sáng tạo, hiện đại

Sáng 10-6, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức kỳ thi học sinh (HS) giỏi cấp TP khối 9, 12 năm học 2019-2020. Sau khi kết thúc môn văn, đề thi cả hai khối nhận được đánh giá tích cực từ giáo viên (GV) lẫn HS.

“Sốt” với hình ảnh gạo + trái tim trong đề thi

Đề thi văn khối 9 gồm hai câu với 120 phút. Theo ý kiến của nhiều người, đề không theo khuôn mẫu quen thuộc nào. Một thí sinh bày tỏ: “Đề có tính thực tiễn cao cũng như phù hợp với trình độ mặt bằng chung, tích hợp được thực tế và cổ điển nên rất hợp lý”.

Nhận xét về đề thi, thầy Võ Kim Bảo, GV Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, cho biết câu 1 lấy vấn đề thực tế nhưng lại bàn về một vấn đề tư tưởng đạo lý. Nó đòi hỏi HS phải nắm vững phương pháp làm bài, phải có kiến thức xã hội và tư duy logic mới làm rõ được vấn đề. Phần nghị luận văn học khá khó. Điều quan trọng HS phải nhìn ra gợi ý của đề để vận dụng vào bài làm. “Dù khó nhưng cả hai câu đều có tính gợi mở và cách ra đề rất sáng tạo” - thầy Bảo nhấn mạnh.

Tương tự, cô Phạm Thanh Xuân, GV Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, chia sẻ đề văn rất hay. Phần nghị luận xã hội có tính thời sự nhưng không chỉ nhìn dưới góc độ thông tin khô khan mà định hướng HS nói lên suy nghĩ, chính kiến của mình qua mỗi ví dụ.

Phần nghị luận văn học là bức thông điệp của thời gian qua các tác phẩm văn học đã khơi gợi trong các em những suy ngẫm hay từ những bước chuyển trong mỗi tác phẩm.

Về việc ATM gạo xuất hiện trong đề thi, một thành viên thuộc ban ra đề thi nói: “Chúng tôi muốn đưa một vấn đề thời sự vào đề một cách nhẹ nhàng, giàu sức gợi, không khô cứng. Đặc biệt, nó có thể kết nối hai vấn đề muôn thuở mà HS đã được học là yêu thương và sáng tạo bằng một hình ảnh được biết đến nhiều trong mùa dịch là máy ATM gạo. Từ đó giúp HS phát triển tư duy, liên kết các vấn đề để cảm nhận sức mạnh kỳ diệu của yêu thương chính là cội nguồn cho sự sáng tạo”.

Cũng theo vị này, mọi sáng tạo đều có ý nghĩa với đời sống nhưng những sáng tạo mang bóng dáng yêu thương sẽ đưa người đến gần người, làm cuộc đời tốt đẹp hơn. Có thể nó không phải sáng tạo hoàn hảo nhất nhưng sẽ là sáng tạo ý nghĩa nhất. Qua đó, mỗi HS sẽ biết dùng trái tim yêu thương để tạo ra những điều diệu kỳ cho cuộc sống.

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 tham dự kỳ thi HS giỏi lớp 9 cấp TP. Ảnh: THANH XUÂN

Đề thi học sinh giỏi văn lớp 9 và lớp 12 tại TP.HCM.

Đối thoại về quan niệm sống

Nếu đề thi lớp 9 khiến mọi người thú vị về sự xuất hiện của ATM gạo thì đề thi văn lớp 12 lại thu hút bởi sự đối thoại về quan niệm sống.

Cô Đặng Thị Huy Lam, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, cho rằng đề thi hay, hay từ việc lựa chọn những câu nói nổi tiếng để đưa ra bàn luận. “Tôi thích câu 1 khi chọn hai ý kiến trái chiều để bàn về một lối sống tích cực, thông minh, sáng suốt, bản lĩnh trước cái nhìn và sự đánh giá của người khác. Đề không chỉ tạo sân chơi cho thí sinh tranh luận, phản biện để khẳng định sự đồng ý và không đồng ý mà đề thi cho tất cả ai đã đọc một sự chiêm nghiệm về lối sống phù hợp nhất cho riêng mình” - cô Lam nói.

Còn câu 2, theo cô Lam, đề lấy ý kiến của danh họa Picasso để bàn luận về sự sáng tạo, bản chất cần và đủ của nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng cũng đã là sự sáng tạo rất nghệ thuật của người ra đề.

Cái gương, người thợ và người nghệ sĩ, ai sẽ phản ánh đúng chân dung con người? Đối chiếu, bàn luận, tư liệu, dẫn chứng đều rộng mở không gò bó, hạn định bởi những tác phẩm cụ thể. Như vậy, thí sinh sẽ thỏa đam mê văn chương với vốn sống, với những tác phẩm các em yêu thích trong và ngoài nhà trường.

Còn cô Hồ Lê Thanh Hà, tổ trưởng môn ngữ văn, Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, cho biết đề hay và phù hợp với thực tế nhưng hơi dài. Với 120 phút, các em khó có thể hoàn chỉnh được cả hai câu nghị luận xã hội lẫn nghị luận văn học. Trong khoảng thời gian đó, các em chỉ có thể phân tích ở một khía cạnh chứ khó có thể bao quát và sâu sắc.

Câu nghị luận xã hội đòi hỏi HS phải có vốn sống, kiến thức. Cả hai quan điểm đều đúng và HS cần phải đưa ra lập luận, lý lẽ để chứng minh điều đó. “Trong cuộc sống, chúng ta cần phải dung hòa cả hai quan điểm. Con người cần phải có chính kiến của bản thân nhưng cũng cần tiếp thu ý kiến của người khác” - cô Hà nói thêm.

Hai kỳ thi học sinh giỏi tổ chức cùng thời điểm

Sau một thời gian tạm hoãn do dịch COVID-19, kỳ thi HS giỏi khối 9, khối 12 cấp TP được tổ chức tại chín cụm.

Nội dung chương trình THCS, THPT hiện hành, theo định hướng đánh giá năng lực tư duy và vận dụng thực tiễn của HS.

Khối 12 gồm các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung (môn ngoại ngữ không có phần nghe) với thời gian 120 phút.

Khối 9 ngoài những môn học của khối 12 có thêm môn công nghệ và khoa học tự nhiên. Môn ngoại ngữ có phần thi nghe, môn công nghệ không có phần thi thực hành. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm