Điểm chuẩn học bạ nhiều ngành đại học cao chót vót

 Đến thời điểm này, phần lớn các trường đại học (ĐH) đã công bố điểm chuẩn một hoặc nhiều đợt cho phương thức xét tuyển học bạ, đây là phương thức lần đầu tiên được đa số trường ĐH sử dụng với tỉ lệ chỉ tiêu khá lớn. Điều này khiến lượng thí sinh (TS) nộp hồ sơ vào các trường tăng mạnh. Điểm xét tuyển vì thế cũng ở mức cao, nhiều ngành hot điểm ở mức gần như tuyệt đối.

Cao chót vót ở nhóm kinh tế, công nghệ...

Sau khi công bố điểm chuẩn xét học bạ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khiến nhiều người không khỏi bất ngờ vì mức điểm các ngành đều rất cao.  

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là năm đầu tiên trường sử dụng phương thức xét học bạ với khoảng 1.000 chỉ tiêu. Đáng chú ý, điểm chuẩn từ các trường THPT top thường lại có mức cao nhất.

Cụ thể, ba ngành có điểm cao nhất ở nhóm này là Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ thông tin và Kinh doanh quốc tế (đều ở hệ đại trà) có mức điểm là 29. Kế đến là bốn ngành gồm Logistics và Thương mại điện tử, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Sư phạm tiếng Anh với 28,75 điểm.

Nhóm ngành cũng có mức cao 28,5 điểm là Công nghệ kỹ thuật máy tính, Công nghệ thực phẩm, Kỹ thuật y sinh, Tự động hóa. Các ngành còn lại trung bình từ 23-26 điểm.

Với nhóm thí sinh có kết quả là học sinh giỏi của các trường chuyên, năng khiếu: cao nhất là Robot và trí tuệ nhân tạo 30 điểm, kế đến là ngành sư phạm tiếng Anh 27,5 điểm. Các ngành còn lại trung bình từ 21-25 điểm.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng vừa công bố điểm chuẩn xét tuyển học bạ đợt 1 cho 26 ngành học của trường.

Theo đó, điểm chuẩn dao động từ 18 – 23. Ngành cao điểm nhất là Công nghệ thực phẩm 23 điểm, thấp nhất là nhóm ngành về Công nghệ vật liệu, công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ chế biến thủy sản, Khoa học Thủy sản  18 điểm.

Theo công bố của Trường ĐH Tài chính – Marketing, đối với nhóm ưu tiên tuyển thẳng, ngành có điểm cao nhất là Marketing với 27,5 điểm, kế đến là Kinh doanh quốc tế với 27,2 điểm. Các ngành còn lại có mức điểm theo tổ hợp khoảng từ 20 đến 24 điểm.

Đối với nhóm xét kết quả học tập THPT: ngành có điểm chuẩn cao nhất là Kinh doanh quốc tế 28 điểm, kế đến là Kinh tế 27,5 điểm, Quản trị Kinh doanh 27,1 điểm.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm 2020. Ảnh: THÁI SƠN

Thấp thỏm lo “ứng phó” thí sinh ảo

Mặc dù các trường đều nhận được lượng lớn hồ sơ đăng ký và đã công bố điểm chuẩn xét học bạ, nhưng hầu hết đều tiếp tục tuyển bổ sung, thậm chí tuyển nhiều đợt để “ứng phó” với TS trúng tuyển ảo.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, trong đợt vừa qua, trường nhận được khoảng 25.000 TS đăng ký xét tuyển với khoảng 120.000 nguyện vọng. Tuy nhiên, việc đánh giá bằng học bạ hiện nay không đồng đều, chưa có độ tin cậy cao. Nhiều trường THPT chất lượng giáo dục không tốt cho điểm cao, trong khi trường tốt lại khắt khe hơn trong chấm điểm. Đây cũng là lí do trường chủ yếu ưu tiên cho những em có học lực khá giỏi ở các trường THPT tốp đầu, trường chuyên, năng khiếu hoặc ở top thường…

Thế nhưng, theo ông Dũng, chính nhóm TS đến từ các trường chuyên này lại ảo nhiều nhất ì nhiều em nộp hồ sơ ở các trường chỉ để dự phòng. Khi có kết quả trúng tuyển nhiều trường, các em sẽ ưu tiên các trường như y dược, bách khoa... trước. Do đó, trường vừa thông báo sẽ tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt hai, nếu vẫn không tuyển đủ, chỉ tiêu còn lại sẽ chuyển sang xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng dự báo mức điểm chuẩn học bạ đợt 1 khá cao khi dao động từ 24-25 điểm, trong đó ngành có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là ngành Kinh doanh quốc tế, Luật Kinh tế.

Tuy nhiên, theo thống kê từ Phòng đào tạo, tổng số hồ sơ nộp vào trường năm nay cao hơn nhiều so với năm 2019 nhưng không đồng đều giữa các ngành. Hơn nữa, năm nay nhiều trường đều dành chỉ tiêu lớn cho xét học bạ, như tại trường này cũng khoảng 2.400 chỉ tiêu ở cơ sở TP.HCM nên  nên tỷ lệ hồ sơ xét tuyển vào các trường sẽ ảo nhiều.

Do đó, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vừa có thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung để bù vào số TS ảo này.

Đánh giá xét tuyển học bạ năm  nay, Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết chỉ tiêu tuyển sinh bằng học bạ của trường là 1.400, chiếm 40% tổng chỉ tiêu.

Cũng theo ông Sơn, tổng hồ sơ trường nhận được trên 7.500 nhưng trường chỉ lấy khoảng 2.000 hồ sơ để xét. Trong đó, nhóm ngành công nghệ thực phẩm và Kinh tế, số lượng hồ sơ đạt khoảng 200-250% so với chỉ tiêu nhưng điểm không quá cao nên điểm chuẩn từ 21-23 điểm.

Ngược lại, nhóm ngành như Công nghệ sinh học, Công nghệ hóa học, Điện tử, Cơ khí... có số lượng hồ sơ gần tương đương với chỉ tiêu. Hay các ngành như Thủy sản, Công nghệ vật liệu, Kỹ thuật môi trường có rất ít hồ sơ, có ngành chỉ được 5 hồ sơ.

“Nhiều hồ sơ vậy nhưng trường đang rất lo vì tỉ lệ ảo sẽ lớn, không biết số xác nhận nhập học sẽ thế nào. Trường chỉ mong có khoảng 1.000 em nhập học, còn lại sẽ tuyển bổ sung tiếp trong đợt hai này. Các ngành quá ít hồ sơ, trường cũng không vì thế lấy điểm quá thấp được. Nếu tuyển tiếp vẫn không đạt, trường bắt buộc phải hủy ngành và chuyển giảng viên sang giảng dạy các ngành khác” – ông Sơn nói.

Thí sinh cần lưu ý thời hạn xác nhận nhập học

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, dự kiến điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ được công bố vào ngày 27-8. Sau đó, từ ngày 9 đến ngày 18-9, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng. Bộ sẽ hỗ trợ các trường ĐH lọc ảo ở phương thức xét điểm này và sẽ công bố kết quả trước ngày 27-9.

Còn đối với các phương thức khác như xét học bạ, thi đánh giá năng lực,....:  TS trúng tuyển phải xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp vào trường trong thời hạn do trường đưa ra. Quá thời hạn này, TS không xác nhận nhập học được hiểu là từ chối nhập học và trường được xét tuyển TS khác. TS đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm