Đưa Khá 'bảnh' vào đề thi: Giới hạn nào của thực tế?

Mới đây, Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) đã đưa hiện tượng Khá “bảnh” với các chiến tích gây bão mạng vào đề thi học sinh giỏi (HSG) văn lớp 11 của trường này.

Khá “bảnh” xuất hiện trong đề thi HSG văn

Theo đó, trong đề thi HSG môn văn lớp 11 năm học 2018-2019 của Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng), trích một bài báo và có câu nêu về hiện tượng mạng Khá “bảnh” với đời tư bất hảo vẫn được chào đón như thần tượng ở Yên Bái.

Đề thi yêu cầu hãy viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng được đề cập đến trong bài viết.

Đề văn này sau khi được đưa lên mạng xã hội đã tạo nên làn sóng tranh cãi với hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng đề thi sáng tạo để giới trẻ nhìn nhận vấn đề và rút ra được bài học cho bản thân, phía còn lại phản đối khi đưa “giang hồ mạng” Khá “bảnh” vào đề.

Trao đổi với PLO, ông Ngô Hồng Tân, Hiệu trưởng Trường THPT Kiến Thụy, cho biết nhà trường đã đưa nội dung này vào đề thi HSG văn với mong muốn tìm ra được những HS có tư duy độc lập, sáng tạo, cũng như cách đánh giá, nhìn nhận về những hiện tượng xã hội. Qua đó cũng để các em thấy được mặt tiêu cực của hiện tượng Khá “bảnh”, từ đó hướng tới những giá trị tích cực của cuộc sống.

“Đây là đề thi HSG, chúng tôi muốn tìm ra những HS có tư duy của bản thân chứ không phải những bài văn trích dẫn từ sách giáo khoa theo lối mòn” - ông Tân nói. Theo ông Tân, qua cuộc thi, nhà trường đã tìm ra được năm HS có bài viết sáng tạo tích cực để đưa vào đội tuyển văn của trường.

Việc một trường học ở Hải Phòng đưa Khá “bảnh” vào đề thi học sinh giỏi đang gây dư luận trái chiều. Ảnh:  PLO

Rằng hay thì thật là hay…

Nhiều nhà quản lý giáo dục, các thầy cô cũng đã nhanh chóng đưa ra quan điểm của mình về đề thi trên.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, chia sẻ việc ra đề văn gắn với tình hình thực tế cuộc sống là điều cần thiết nhưng cần chọn lọc. “Khá “bảnh” là một hiện tượng không tốt thế nhưng nhiều thanh thiếu niên vẫn ngộ nhận và tôn vinh nhân vật này. Trong khi HS có nhận thức chưa đầy đủ, vẫn còn sự bồng bột của tuổi trẻ, giáo viên lại đưa hiện tượng này vào đề thi, tôi thấy không nên. Nhà trường là môi trường giáo dục, làm sao thông qua đề thi cũng là một cái gợi mở để định hướng giáo dục cho HS, giúp HS hướng tới lối sống tích cực” - ông Ngai khẳng định.

Cùng quan điểm, cô Đặng Thị Huy Lam, giáo viên văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, cho biết đây là dạng đề bài về một hiện tượng xã hội đang nóng nhưng không phải đề hay, đề lạ. Vấn đề nghị luận đưa ra không rõ ràng, HS có thể bàn về hiện tượng Khá “bảnh” - một kiểu người tạo sự nổi tiếng bằng những hành động ngông cuồng, nổi loạn trái pháp luật, vô trách nhiệm. Hoặc HS có thể bàn về hiện tượng a dua, thần tượng hóa của một bộ phận giới trẻ thích chia sẻ những clip độc, lạ như một trò chơi mua vui mà không biết đến ảnh hưởng độc hại.

“Theo tôi, không nên đưa hiện tượng tiêu cực như Khá “bảnh” vào đề thi. Như thế sẽ tạo thêm những dư chấn trong giới học đường, HS sẽ bàn tán, kiếm tìm những gì liên quan đến Khá “bảnh”…, vô tình làm phát tán rộng hơn một hiện tượng xấu, một lối sống tiêu cực” - cô Lam nói.

Tương tự, khi thấy đề thi trên, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh đã phải thốt lên “ Đưa “giang hồ mạng” vào đề thi để làm gì?”.

Theo thạc sĩ Thịnh, có thể giáo viên ra đề nghĩ rằng đây là gắn liền với thực tế xã hội. “Mặc dù là một người có tư duy đổi mới nhiều về giáo dục nhưng bản thân tôi phản đối hoàn toàn việc đưa một nhân vật như Khá “bảnh” vào đề thi (dù là với ý phê phán). Mặc dù đó là một hiện tượng xã hội quá nóng nhưng nó không có tác dụng trong việc giáo dục học trò.h Tực ra hiện tượng của cuộc sống cũng nên đưa vào đề thi bởi đó là sự gắn kết thế nhưng khi đưa vào cần có sự chọn lọc để có hiệu ứng tích cực", ông Thịnh nói.

Trong khi đó, cô Lưu Mai Tâm, Trường THPT Trịnh Hoài Đức (Bình Dương), cũng nhìn nhận: “Một đề văn, ngoài tính vấn đề, tính thời sự, độ nóng, còn cần chú ý đến tính giáo dục, tính thẩm mỹ, tính nhân văn. Xuất hiện trong một đề thi HSG văn lớp 11, có thể hy vọng những HS làm bài nhận thức được sự lệch chuẩn trong những hành động của Khá “bảnh”, trong cách đánh giá của cộng đồng. Nhìn sâu hơn, sự lệch chuẩn đó có gốc rễ từ sự nhiễu loạn, lung lay các chuẩn mực văn hóa, đạo đức.

Như vậy, đề văn này hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu có tính vấn đề, có thể phân hóa được HS, nhất là HSG. Tuy nhiên, để bàn cho ra được vấn đề, cắt nghĩa bản chất, lý giải nguyên nhân… của đề này không hề dễ”. 

Trường phải có báo cáo về sự việc trên

Liên quan đến vấn đề này, Sở đã chỉ đạo Trường THPT Kiến Thụy báo cáo về việc đưa hiện tượng Khá “bảnh” vào đề thi HSG văn lớp 11 của trường này.

Việc đánh giá tích cực hay tiêu cực phải chờ sau khi nhà trường có báo cáo và bộ phận chuyên môn thẩm định. Tuy nhiên, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là việc ra đề thi phải theo hướng mở.

Ông NGUYỄN XUÂN TRƯỜNGGiám đốc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm