Dựng chòi tạm để 'nuôi' con chữ

Dựng chòi tạm để 'nuôi' con chữ ảnh 1 

Những căn lều tạm của học sinh vùng sâu H. Krông Bông.

Nhọc nhằn tìm chữ

Xung quanh các điểm Trường THPT Trần Hưng Đạo, THCS Cư Đrăm (xã Cư Đrăm) và THCS Cư Pui (xã Cư Pui, H. Krông Bông), hiện có hàng chục khu trọ với hơn 100 lán trại tạm bợ do các phụ huynh thuê, mượn đất dựng lên cho con em mình trọ học. Những khu lán này rộng từ 10 đến 15m2 được dựng bằng tre, nứa, mái lợp bằng tôn cũ, nền đất sét.

Cách Trường THCS Cư Đrăm khoảng 500m nằm ngay tuyến đường liên xã, hiện có 3 căn chòi lụp xụp với 13 em đang trọ học. Bên trong mỗi căn chòi chỉ có mấy chiếc giường, soong nồi, bếp than. Lúc chúng tôi đến, 2 anh em Triệu Văn Cao (lớp 8, Trường THCS Cư Đrăm) và Triệu Văn Lang (lớp 10, Trường THPT Trần Hưng Đạo) đang lúi húi rửa rau.

Ngoài anh em Lang, còn có thêm 4 bạn khác cùng trọ học ở cùng. "Nhà em ở cách trường khoảng 30km, đường sá lầy lội khó đi. Học xong cấp 1, bố mẹ em cùng hàng xóm lên đây thuê đất, góp gỗ, tôn để dựng lều cho chúng em học. Ngoài gạo và một ít cá khô gia đình gửi, hàng tuần bố mẹ cho mỗi anh em thêm 50 nghìn đồng mua thêm thức ăn, dầu gội, bút viết. Do không đủ nên anh em tranh thủ lúc rảnh đi hái thêm rau, măng rừng, bắt tôm tép dưới suối để cải thiện. Có bữa không có gì thì nấu cơm ăn với muối thôi", Lang nói.

Ngồi bên cạnh, cậu em trai Triệu Văn Cao tiếp lời: "Đói mấy cũng không khổ bằng nóng, rét chú à. Chòi thấp, lợp bằng tôn cũ nên mùa nắng oi bức, ngột ngạt. Mùa mưa, nước chảy lênh láng vào chòi khiến nền đất nhão nhoẹt. Gió rét thổi qua khe hở tre nứa căn chòi như bị đóng băng. Nhiều lúc lạnh quá bọn em phải đốt lửa cả đêm".

Căn chòi không có bàn học nên các em phải ngồi học trên giường.
Căn chòi không có bàn học nên các em phải ngồi học trên giường.

Khu đất của bà Amí Tâm, đối diện với Trường THCS Cư Đrăm, hiện có 3 căn chòi với 14 em đang trọ học. Khi "đột nhập" vào dãy chòi này, chúng tôi chạnh lòng đến rơi nước mắt khi thấy các em sinh hoạt, ăn uống quá kham khổ.

Bữa trưa của nhóm 7 học sinh nam là món mì tôm. Không có bàn học, các em phải ngồi, nằm trên giường, có em trải bạt dưới đất viết bài. Còn nhóm 3 anh em Thào Minh Chính (lớp 11, Trường THPT Trần Hưng Đạo), Thào Thị Thanh (lớp 8, Trường THCS Cư Đrăm) và Thào Văn Tít (lớp 6, Trường THCS Cư Đrăm) thì ăn bữa trưa với ít cà muối và món canh rau rừng.

"Nhà có 9 anh em, trong đó 3 anh em cháu phải xa nhà trọ học. Lúc ở nhà thì việc chi cũng có bố mẹ lo, bây giờ ra ở riêng em phải lo mọi thứ. Ngoài gạo được nhà nước hỗ trợ, bố mẹ chu cấp cho 3 anh em 150 nghìn đồng/tuần. Chừng đó không đủ chi tiêu nên chúng em không dám đi chợ.

Nhiều lúc thấy cực quá em cũng muốn nghỉ học nhưng lại nghĩ cảnh thua chữ bạn bè nên phải cố gắng thôi", Thanh kể. Dứt lời, cô bé chạy đi lấy thêm cái bát để mời khách. "Cũng may cho chú. Hôm nay có thêm món rau rừng anh Chính đi hái chứ thường ngày, chỉ có cơm, cà pháo và nước mắm thôi", Thanh phân bua.  

Do trọ xa nhà, chuyện ăn uống các em phải tự lo.
Do trọ xa nhà, chuyện ăn uống các em phải tự lo.

Bao giờ có nhà nội trú?

Học sinh trọ học ở 3 trường sống ở các xã Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao (H. Krông Bông), Vụ Bổn (H. Krông Pắc), Cư San (H. M'Đrắc), cách trường từ 20km trở lên. Bố mẹ các em suốt ngày vật lộn với nương rẫy nên tại nơi ở trọ, các em phải tự lo mọi chuyện. Trong khi đó, nhà trường, chủ trọ và chính quyền địa phương chưa quan tâm sát sao việc ăn ở, sinh hoạt của các em, nên sau buổi học, các em đi đâu, làm gì cũng chẳng ai biết.

Vụ 5 học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo và THCS Cư Đrăm đi tắm sông bị sập hầm cát dẫn đến tử vong hồi tháng 3-2014 là "vết thương lòng" im đậm mãi trong tâm trí người làm giáo dục nơi đây.  Sau vụ việc này, Trường THCS Trần Hưng Đạo đã có chủ trường xây dựng khu nội trú, nhanh nhất là sang năm các em có thể vào ở khu nội trú.

Trong lúc chờ đợi bố mẹ mang lương thực lên, nhóm học sinh Trường THCS Cư Đrăm trọ tại nhà bà Amí Tâm phải ăn mì tôm.
Trong lúc chờ đợi bố mẹ mang lương thực lên, nhóm học sinh Trường THCS Cư Đrăm trọ tại nhà bà Amí Tâm phải ăn mì tôm.

Tại 2 trường THCS Cư Pui và THCS Cư Đrăm, hiện có khoảng 150 em đang trọ học, ngoài ra còn có hơn 100 em đi học bằng xe buýt có mong muốn được ở trọ. Thầy Ngô Hữu Ba, Phó hiệu trưởng Trường THCS Cư Đrăm cho biết, điều đáng buồn là sau vụ sập hầm cát, nhiều phụ huynh lo sợ nên không cho con ở trọ nữa mà hàng tháng bỏ ra gần 500 nghìn đồng để mua vé xe buýt cho con đi học.

Hiện nhiều học sinh xin nghỉ vì gia đình không có tiền trả xe buýt. Trường chỉ biết động viên tinh thần chứ không giúp gì được. Trường chỉ có 2 phòng nội trú với 16 học sinh  do Hội phụ nữ CA tỉnh Đắc Lắc tài trợ. "Nếu Trường có một khu nội trú nữa, gần 100 em của trường sẽ được dồn về một nơi, điều kiện sinh hoạt, học hành cũng tốt hơn ở lều, trường cũng tiện quản lý các em", thầy Ba chia sẻ.

Theo Hữu Phúc (Cadn.com.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm