‘Đứng hình’ khi nhận dòng chữ ‘Anh iêu em’

LTS: Sau đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS Bùi Hiền gây tranh cãi, mới đây Bộ GD&ĐT lại đề ra một số sửa đổi quy định chính tả tiếng Việt trong sách giáo khoa. Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc cùng góp tiếng nói về vấn đề này bằng tình yêu sâu nặng “tiếng nước tôi”.

Tôi thử đặt câu hỏi từ cột mốc nào các con chữ tiếng Việt đã chính thức được khẳng định là một giá trị trong đời sống văn hóa, trong tâm thức người Việt?

Không dám bàn lan man, chỉ xin bắt đầu bằng chữ Quốc ngữ - một lối chữ viết ghi âm dùng chữ cái Latin thay thế cho chữ Hán, chữ Nôm vốn ghi ý. Tôi xin chọn lấy ngày 5-2-1651, ngày Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes in tại Rome (Ý) làm cột mốc quan trọng trong việc ra đời của chữ Quốc ngữ.

Dấu vết tâm tư “những người muôn năm cũ”

Một khi đọc từ điển, với các mẫu tự cụ thể không chỉ là học/đọc về cách giải thích sự vật/sự việc mà còn là lúc ta quay về với thời quá vãng, quay về với đời sống, tâm tư tình cảm, cách phát âm, trò chuyện của “những người muôn năm cũ”. Nói cách khác, đó cũng là lúc ta đi tìm lại dấu vết lời ăn tiếng nói của một thời. Rồi lắm lúc ta bàng hoàng một cách sung sướng, thích thú khi biết rằng có những mẫu tự lưu hành thời xa xưa ấy nay đã thay đổi. Và cách ghi âm cũng đã khác.

Thì đây, bl là ghi âm của con chữ nay đọc tr (blá, dối blá/dối trá); oũ, nay đọc là ông (blả coũ/trả công)… Đã có b nhưng vẫn còn có β đọc giữa chữ b và v (βua/vua; β/vợ)… Với âm β (bỏ vợ/rãy vợ), ta hãy dừng lại một chút với phong tục ly dị vợ chồng của người Việt xưa: “Việc đó được thực hiện với người An Nam bằng cách bẽ gãy đôi đũa ăn và một đồng tiền bằng đồng, để trao cho vợ một phần, còn mình giữ lại phần kia, đối với người quý phái thì phải viết một tờ giấy rãy vợ”.

Thế đấy, ai dám bảo đọc từ điển là khô khan? Nhờ chi tiết trên, ta mới rõ thành ngữ Bẻ tiền bẻ đũa, nay đã biến mất vì tiền kẽm, tiền đồng đã không còn lưu hành trong hệ thống tiền tệ.

Với các mẫu tự ra đời từ thuở bình minh của chữ Quốc ngữ, ta lại thấy f thay ph “để phát âm cho thích đáng hơn”; ml là ghi âm của con chữ nay đọc là nh (blạc, blái mlạc ngựa/nhạc ngựa, lục lặc ngựa); it nay đọc ât (nhịt/nhật)… Căn cứ vào tài liệu của GS Thanh Lãng, thử đọc lại bài thơ của nhà truyền giáo Felippe do Rosario (tên Việt là Pphiliphê Bỉnh) viết vào năm 1796. Đọc và xem, có khác gì cách viết của thế kỷ XXI này không?

“Năm vừa tháng lẻ tháng đầu xuân/ Thánh ý xui nên vẹn mọi phần/ Bắc bể tui ràng nghìn dặm dẩn/ Blời tây nhường đã một bên gần/ Trước là đội đức trên Thiên Chúa/ sau nữa cam làõ dưới vạn dân/ Bĩ cục thái lai làm thế ấy/ Thật tây coũ chính khéo cuân phân”. Xét ra, chỉ có dăm từ cần chú thích là làõ: lòng; coũ: cũng; cuân: xuân. Tròn 220 năm trước, chữ Quốc ngữ đã hoàn thiện đến thế chứ huống gì sau này!

Tiếng Việt mến yêu đã ăn sâu vào tâm tưởng người Việt ngay từ lúc bập bẹ tập nói và tập viết i, tờ. Ảnh: MỸ DUYÊN

Hồn dân tộc trong sắc, huyền, hỏi, ngã…

Không riêng gì nhà từ điển học tài ba A. de Rhodes mà nhiều người ngoại quốc đều có nhận xét tiếng Việt “giống như những “gam” trong nhạc châu Âu”. Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu đó? Chính là sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng... “Các dấu hầu như là hồn của các từ trong phương ngữ này”. Khi viết câu này, tôi tưởng tượng A. de Rhodes phải vỗ đùi cái đét tự hào vì đã phát hiện ra một sự vi diệu mà ngay cả người bản địa phải khen là tinh tế.

Do không thấu rõ điều này, từ năm 1902, hội nghị lần đầu tiên bàn về cải cách chữ Quốc ngữ đến gần đây đã có không ít tham vọng muốn loại bỏ các dấu. Làm sao có thể loại trừ hồn của con chữ, tức hồn của một dân tộc ẩn chứa trong đó?

Xưa nay đã cho thấy một sự thật hiển nhiên rằng mọi tham vọng chủ quan can thiệp, sửa đổi cách ghi âm của con chữ Quốc ngữ đều dẫn đến kết quả “rực rỡ”: Sự thất bại thảm hại. Nếu nó bị can thiệp từ quyền lực hành chính hóa, ắt có nguy cơ toàn dân trở thành mù chữ, phải đi học lại từ đầu với một lối ghi âm mới. Đau đớn hơn thế, điều đó sẽ tạo ra sự gãy khúc, đứt đoạn về văn hóa.

Tuy nhiên, ta phải thừa nhận rằng hình thức ký âm của chữ Quốc ngữ vẫn còn bất cập, chưa hoàn thiện. Từ Từ điển Việt-Bồ-La của nhà truyền giáo Đắc Lộ (năm 1651) đến Đại Nam quấc âm tự vị (năm 1895) của Huình Tịnh Paulus Của đã có sự thay đổi. Sự thay đổi này chắc chắn do nhà từ điển ghi nhận từ cách viết/lời ăn tiếng nói đã phổ biến và được chấp nhận trong cộng đồng. Nói cách khác, chính cộng đồng đã “cải cách” và điều chỉnh dần dần để trở nên thông dụng chứ không từ một sự can thiệp chủ quan nào. Chẳng hạn, y và i, mãi đến Việt Nam tự điển (năm 1931) do Hội Khai trí Tiến Đức khởi thảo thì nó mới rạch ròi.

Nay có cần một chuẩn hóa về cách viết dành cho y và i? Ối dào, “vẽ rắn thêm chân” để làm gì trong khi mà những ai biết đọc, biết viết tự họ đã phân biệt được lúc nào y hoặc i? Chẳng hạn, i tá/y tá; ti tiện/ty tiện… tự khắc người ta biết chọn cách viết, như việc không thể dại gì viết i khi nắn nót viết tên Thanh Thúy vậy. Xin hỏi, dựa vào đâu để “chuẩn hóa”, mà liệu có cần thiết hay chỉ khiến chữ viết thêm rắc rối, phức tạp?

Chà, nếu sự việc đó xảy ra, sẽ không ít cô nàng sững sờ, “đứng hình” khi nhận dòng chữ: “Anh iêu em”. Liệu có còn tạo nên cung bậc dạt dào của tình tứ ca dao ngàn đời thấm đẫm linh hồn tiếng Việt: “Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”? Chẳng thà khép kín cửa phòng sống độc thân một mình còn hơn phải nhìn thấy tiếng “iêu” liêu xiêu tiêu điều nhiễu nhương ấy.

Cần “hộ khẩu” cho z, j, w 

Thử hỏi đường đi của con chữ tiếng Việt còn có thay đổi không?

Trong thế giới phẳng, toàn cầu hóa ắt sẽ còn, còn nhiều từ tiếng nước ngoài bổ sung cho vốn từ tiếng Việt. Trộm nghĩ, qua sự vay mượn này, tiếng Việt ngày càng phong phú, đa dạng mà thực tế đã chứng minh rằng tiếng Việt và chữ Quốc ngữ ngày càng hoàn hảo và đủ sức để diễn đạt bất cứ vấn đề gì.

Trong tâm lý của người Việt, các từ vay mượn một khi du nhập vào kho tàng tiếng Việt thì người ta sử dụng nó tự nhiên như một từ thuần Việt. Nhưng người ta lại không chấp nhận những ai dùng tiếng nước ngoài, hoặc viết bằng chữ nước ngoài để biểu lộ một sự vật, một tình cảm nào đó mà trong vốn từ tiếng Việt đã có.

Nào có phải riêng tôi, nhiều người trìu mến tiếng Việt luôn nghĩ rằng cần “kết nạp” mẫu tự z, j, w và thừa nhận như thành viên chính thức trong mẫu tự chữ Quốc ngữ. Nó cần có “hộ khẩu” hẳn hoi, chứ không chỉ “đăng ký tạm trú”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm