Giáo viên bất bình vì phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối

Sự việc xảy ra vào ngày 28-2, khi đang đứng lớp, cô BTTN, giáo viên lớp 4-3, bị bốn phụ huynh vào trường tìm gặp để làm rõ sự việc cô xử phạt con em họ phải quỳ gối khiến các em không dám đến trường.

Trường Tiểu học Bình Chánh, nơi cô giáo N. phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh. Ảnh: Internet

Trước thái độ của phụ huynh, cô N. đã xin lỗi và hứa khắc phục. Nhưng họ không đồng tình. Cô N. đành nói: “Vậy tôi sẽ quỳ tại đây”.

Lúc đó, ông Huỳnh Công Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, có mặt và đã đại diện trường xin lỗi phụ huynh và hứa có biện pháp xử lý cô N. Ông Sơn nói với cô N.: “Thôi không được quỳ và rời khỏi phòng”. Tuy nhiên, do áp lực từ phụ huynh, cô N. đã phải quỳ trước mặt bốn phụ huynh.

Ngày 2-3, ban đại diện hội phụ huynh nhà trường đã tổ chức cuộc họp để làm rõ nguyên nhân. Tại cuộc họp, đôi bên đã nhận thấy trách nhiệm của mình, gặp gỡ và xin lỗi nhau.

PV đã nhiều lần liên hệ với Sở GD&ĐT tỉnh Long An để tìm hiểu hướng giải quyết vấn đề trên nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Trong khi đó, nhiều người đang công tác trong lĩnh vực cảm thấy rất bức xúc. Thầy Vũ Vạn Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết một xã hội văn minh thì không được dùng “suy nghĩ, truyền thống” để phán xét. Sự việc sai đến đâu xử lý đến đó. Cô giáo bắt học sinh quỳ, cha mẹ làm văn bản khiếu nại lên ban lãnh đạo nhà trường, cô giáo phải bị cảnh cáo. Cha mẹ học sinh bắt cô quỳ là vi phạm pháp luật, cô giáo phải kiện ra tòa và tòa sẽ phạt các phụ huynh ấy bằng các điều khoản đã quy định theo pháp luật. Cứ thế mà xử cho văn minh chứ tuyệt đối không dùng tình cảm hay các giá trị tinh thần để phán xét một sự việc nhé các đồng chí.

“Đọc bài báo xong cảm thấy buồn cho một đồng nghiệp của mình” - đó là lời chia sẻ của thầy Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng hệ thống một trường quốc tế tại TP.HCM.

Thầy cho biết đồng ý biện pháp giáo dục của cô giáo là sai với quy định của ngành giáo dục và có thể bị coi là xúc phạm đến nhân phẩm của học sinh. Nhưng cũng phải đặt câu hỏi là những học sinh đó có phải là lần đầu vi phạm kỷ luật hay là lần thứ n rồi? Chắc chắn nếu là lần đầu tiên cô giáo sẽ không phạt quỳ như thế. Bản thân cô giáo biết mình trong lúc không kiềm chế được cảm xúc đã xử lý sai và đã có lời xin lỗi phụ huynh học sinh (PHHS), đó là hành động đúng. Nhưng cô giáo đã tự đánh mất vị thế bản thân với hành động quỳ gối xin lỗi PHHS khi một PHHS không đồng ý nhận lời xin lỗi.

Thầy Thịnh nêu quan điểmn: Việc gì phải làm thế, cùng lắm bị kỷ luật thôi việc dạy thì đi làm việc khác. “Nhớ đến cô bé học trò cũ của mình cũng một lần sai phạm như thế, không chấp nhận yêu cầu quá đáng của PHHS là một quan chức nên đã tự “đuổi khỏi nghề” để bây giờ trở thành một chuyên gia giáo dục của một tổ chức giáo dục quốc tế” - thầy Thịnh nhớ lại.

“Là giáo viên, không biết được cần ứng xử thế nào cho đúng mực thì làm sao có thể được xã hội tôn trọng đúng vị thế giáo viên được. Buồn cho cách ứng xử quá non của một đồng nghiệp” - thầy Thịnh nói.

Đồng quan điểm với thầy Thịnh, bạn đọc TK cũng cho biết bản thân chị đã từng bị một bác sĩ ở bệnh viện lớn mắng và bắt một cô giáo của mình ra khoanh tay xin lỗi anh ta và con anh ta (một bé bốn tuổi). Chị đã không đồng ý và nói nếu chọn sai nghề thì em xin từ chức chứ sự việc không đến nỗi phải bắt cô giáo làm những việc như thế. Vì con anh ấy bắt chước chửi bậy, cô giáo kia dạy dỗ bằng cách cho lên đứng cạnh cô. Đọc câu chuyện thấy buồn nhưng đúng là cách giải quyết rất quan trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm