GS Ngô Bảo Châu viết về trường cũ 100 năm tuổi

Nhà tôi ở chỉ cách trường Trưng Vương một góc phố. Tuy thế suốt những năm cấp một, trường Trưng Vương trong mắt tôi vẫn là một thế giới bí ẩn, có gì đó thượng lưu và xa lạ, Thơi gian cấp một tôi đi học ở trường Thực nghiệm trên khu Giảng võ. Thời gian đó, trường Thực nghiêm mượn của trường Kim đồng hai dãy nhà cấp bốn làm cơ sở, đường vào trường nếu không lội nước thì cũng bụi mù, Mỗi lần đi qua toà nhà trang nghiêm xây từ thời Pháp của trường Trưng Vương tôi không thể không cảm thấy chút ghen tị.

Khi mẹ dẫn tôi đến trường Trưng Vương hôm đầu tiên, các bạn đã nhập học. Trong khi chờ để được vào lớp, hai mẹ con ngồi dưới gốc một cây xà cừ. Mẹ tôi chỉ dãy nhà là dãy nhà chính phía phố Hàng Bài, bên kia sân là dãy Côn Sơn. Dọc phố Lý Thường Kiệt là vườn ươm cây, nơi học sinh học trồng cây, làm quen với các mẫu thực vật. Tôi còn nhớ cảm giác lâng lâng vì trường đẹp quá.

Tôi được nhận vào học lớp 6B do thầy Chắt chủ nhiệm. Thầy Chắt người săn chắc, cử chỉ dứt khoát; thầy luôn nhìn thẳng vào mắt người nói chuyện với ánh mắt thiện chí với chút ánh sáng lấp lánh tươi tắn. Lớp thầy Chắt rất đông, có lúc sĩ số lên tới 65 học sinh. Mới chuyển từ trường Thực nghiệm đến, mọi thứ đều lạ lẫm với tôi. Tôi không biết thế nào là kiểm tra bài, trả bài… Tôi bỡ ngỡ cả khi bị các bạn Sao đỏ phê bình vì quàng khăn đỏ không đúng quy cách. Do bản tính hồn nhiên có phần ngốc nghếch cho nên mặc dù có nhiều khác biệt, tôi sớm hoà nhập vào lớp, được các bạn cùng lớp quý mến, ngày nào cũng rủ đi đá bóng. Thường thì đá ngay trên vỉa hè rộng ở phố Ngô Quyền, đôi khi đá trên sân bóng rổ trong khu 2F Quang Trung.

Lên lớp bảy tôi đỗ vào lớp chuyên toán. Lớp 7H do thầy Thân chủ nhiệm có sĩ số chỉ bằng một nửa lớp thường. Thầy Thân là một người thầy nghiêm khắc và mẫu mực. Học sinh trong lớp, trong dó có tôi, luôn cảm thấy cầ nỗ lực hơn trong học tập để hình ảnh của mình trong mắt thầy được tốt hơn. Trong lớp, bạn nào cũng học giỏi. Không khí phần nào cạnh tranh hơn ở lớp 6B. Không khí cạnh tranh phần nhiều do các phụ huynh gây ra. Các vị phụ huynh thường lo cho con mình quá, ai cũng nghĩ đến kỳ thi vào trường chuyên cấp 3, mà từ các lớp chuyên của các quận huyện chỉ chọn ra có một lớp của thành phố. Học sinh ở tuổi lớp 7 thì vẫn lo nhất về chuyện trưa nay đá bóng ở đâu.

Có hôm lớp 7H thi đấu với lớp 7B, tôi nhìn thấy các bạn cũ 6B của mình có vẻ buồn buồn khi mình đã chuyển sang đội khác. Tình bạn của lũ con trai lớp 6-7 thời ấy cơ bản vẫn là đá bóng cùng nhau. Vui nhất những hôm đá bóng trong sân trường nên bị thầy tổng phụ trách đuổi. Cả lũ chạy hết vào khu vệ sinh. Tuy học giỏi nhưng tôi hay bị thầy tổng phụ trách phạt, khi thì vì đá bóng trong sân trường, khi thì vì chơi ném ống bơ trong lớp.

Bên cạnh việc đá bóng và ném ống bơ, trong những năm cấp hai ở trường Trưng Vương tôi bắt đầu thực sự say mê toán học. Để gắng thi vào chuyên toán, nếu không có giờ học thêm, chiều nào tôi cũng ngồi làm thêm bài tập trong sách của thầy Thân, thầy Bình, nghiên cứu mấy quyển sách hình họ của Hứa Thuần Phỏng. Vào lớp bảy, khi đã đỗ vào chuyên toán, thì có thêm niềm vui ngồi viết chuyên đề mà thầy Thân giao. Có lần do đầu óc lơ mơ ở tận đâu mà ngã từ trên gác xép xuống đất. May không bị làm sao.

Đó cũng là những tháng năm của cảm xúc tuổi mới lớn. Múa tập thể trên sân trường là một sự kiện tâm lý đáng kể, nhất là khi phải nhảy múa với các bạn nữ. Dù rằng nam nữ không dám cầm tay nhau, mà cùng cầm một cái cành cây, hay một cái bút, nhưng dư vị của xúc cảm cũng kéo dài đến cả mấy ngày.

Mỗi lần quay lại trường, bao kỷ niệm đep đẽ lại ùn ùn kéo về. Nghe tiếng trống tưụ trường hôm nay, tôi nghe thấy cả giọng truyền cảm của cô Thu Ba dặn dò học sinh toàn trường trước thềm của năm học mới của ba mươi năm trước.

Sau khi nhắc nhiều những kỷ niệm đáng nhớ, GS Ngô Bảo Châu gửi lời cảm ơn đến các thầy các cô giao trường Trưng Vương đã ông trưởng thành trong ba năm học cấp hai. Ông cũng gửi lời cảm ơn đến các bạn học đã luôn chan hoà, đã làm cho ba năm học cấp hai chỉ toàn những ngày hạnh phúc.

"Mong các bạn của tôi, những học sinh cũ của trường Trưng Vương, cùng chung tay để Trưng Vương mãi là một mái trường mẫu mực, một ốc đảo mát lành nơi bao nhiêu thế hệ trẻ con Hà nội sẽ lớn lên, trưởng thành, góp nhặt bao nhiêu ký ức tốt đẹp làm hành trang cho cả cuộc đời", Giáo sư viết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm