Học phí thấp “trói” các trường

Ngày 12-6, Ban VHXH-HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND quận 1 và quận 7 cùng đại diện các trường từ bậc học mầm non đến THPT của hai quận này xoay quanh các vấn đề cơ chế thu, sử dụng học phí; các khoản thu hộ, chi hộ đối với học sinh.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết: Theo quy định, khối THCS thu học phí 15.000 đồng/tháng. Các đơn vị đã phải sử dụng hết 40% tổng học phí để thực hiện cải cách tiền lương, do vậy chỉ còn 60% tổng chi phí để thực hiện các hoạt động khác nên gặp nhiều khó khăn trong phục vụ giảng dạy tại trường.

Học phí thấp “trói” các trường ảnh 1

Vào đầu mỗi năm học, mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh vẫn là các khoản thu ngoài học phí. Trong ảnh: Phụ huynh tìm hiểu các quy định, khoản thu vào năm học mới tại Trường THPT Marie Curie đầu năm học 2012-2013.

Thầy Ngô Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (quận 7), nêu thực tế: Mức học phí và các khoản thu theo quy định hiện nay đang trói buộc các hoạt động giảng dạy của nhà trường. Trường tổ chức học buổi thứ hai, thu 50.000 đồng/tháng. Mỗi tuần học sinh chỉ học được một buổi (bốn tiết/buổi), một tháng được 16 tiết, tính ra mỗi tiết chỉ có 3.000 đồng. Năm buổi còn lại trong tuần nhà trường không tổ chức gì thêm được vì không có tiền trả. Nhà trường muốn thỏa thuận với phụ huynh để thu thêm mà không có hành lang pháp lý, khung cho phép nên khó thực hiện.

Đồng tình, thầy Phạm Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong (quận 7) cho rằng: UBND TP cần tạo hành lang pháp lý để các trường thỏa thuận với phụ huynh thu hộ, chi hộ và công khai tài chính các hoạt động của trường. Phụ huynh cùng giám sát, lãnh đạo nhà trường làm sai sẵn sàng chịu kỷ luật chứ giờ ngồi chờ ngân sách thì không biết đến bao giờ mới cải thiện được hoạt động giảng dạy, nâng chất lượng học sinh lên được.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Công Hùng - Trưởng ban VHXH-HĐND TP nhấn mạnh: “Chúng ta đề xuất tăng học phí, đối với người giàu thì không sao nhưng người nghèo và cận nghèo sẽ ảnh hưởng. Mâu thuẫn lớn nhất hiện vẫn là mong muốn của phụ huynh và sự đáp ứng của nhà trường, mâu thuẫn giữa thu-chi. Vì vậy, các quận, huyện cần tính toán để đầu tư cho các trường một cách hợp lý nhất. Không chỉ chăm chăm đầu tư cho một vài trường còn trường khác thì “lạnh nhạt”. Cái gì quy định cho làm thì nên làm như mở trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ tại trường để tăng thêm thu nhập cho giáo viên, cán bộ, công nhân viên của trường. Các trường chủ động được thì cứ chủ động, ngồi chờ ngân sách Nhà nước biết đến bao giờ…” - ông Hùng nói.

Tăng gấp hai, ba lần cũng chưa thấm…

Mặc dù quận 1 mạnh dạn tăng tiền phục vụ bán trú từ năm học vừa qua (từ 50.000 lên 120.000 đồng/tháng đối với mầm non và từ 30.000 lên 100.000 đồng/tháng đối với tiểu học, THCS) nhưng cũng chưa thấm vào đâu. Mỗi lớp 35-40 học sinh cũng chỉ thu được khoảng 4 triệu đồng/tháng, đủ trả lương cho một bảo mẫu thôi, chưa kể cho các lực lượng trợ giúp khác…

Bà HÀ THANH TUYỀN, Phó phòng Kế hoạch-Tài chính
- Sở GD&ĐT TP.HCM

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm