Học sinh đóng cọc dựng lại chiến thắng Bạch Đằng

Nhà trường đã cho các em học sinh vừa sinh hoạt ngoại khóa vừa học về văn hóa cổ truyền và lịch sử dân tộc thông qua hình thức sân khấu hóa cải lương.

Mở đầu buổi ngoại khóa, các em được diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ, trình bày những giá trị trong văn hóa cổ truyền, từ tục cúng kính ông bà, tục trầu cau, cưới hỏi, bánh xèo, chiếc nón lá…

Các em học sinh dựng lại trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938.

Đặc biệt, các em học sinh được tham gia vào các vai diễn trong vở cải lương mang tên Thanh sử Ngô vương, dựng lại trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938.

 Diễn giả Hồ Nhựt Quang trong vai Kiều Công Tiễn (kẻ phản bội lợi ích của dân tộc, cầu cứu nhà Nam Hán).

Gần chục học sinh trong vai quân lính chặt cây gỗ, vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông theo lệnh của Ngô Quyền (do nghệ sĩ Lý Trung Tín đảm nhận). Quân Nam Hán mắc bẫy đi qua bãi cọc Bạch Đằng, chúng bất ngờ bị quân ta từ các hướng xông ra tấn công dồn dập, thua chạy ra biển. Khi rút ra tới cửa sông, thủy triều rút mạnh, bãi cọc nhô lên khiến thuyền địch mắc lại và vỡ tan tành.

Quân Nam Hán thua tan tác, quân ta giành chiến thắng vẻ vang.

Ngồi chăm chú theo dõi chương trình, TS sử học Nguyễn Nhã cho biết ông rất vui và ấn tượng mạnh với các tiết mục, đặc biệt là vở diễn Thanh sử Ngô vương. Đây là vở kịch mang tính giáo dục sâu sắc, khơi gợi trong các em lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

Các em học sinh đang mô phỏng việc bài trí đồ cúng trên bàn thờ.

Mặc dù chỉ đóng vai quân lính đóng cọc trên sông Bạch Đằng nhưng em Dương Tấn An (lớp 11A1) hồ hởi chia sẻ: "Trước đây trường em cũng tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa sôi động, riêng hôm nay em được góp phần nhỏ cho vai diễn về lịch sử, em cảm thấy điều mình học trên sách vở không còn khô cứng nữa mà thực tế vô cùng".

Các em học sinh thích thú xem các tiết mục biểu diễn trong buổi ngoại khóa.

“Chương trình đã phần nào giúp các em gần gũi hơn với loại hình sân khấu cải lương cổ truyền dân tộc, yêu thích hơn thể loại này. Cạnh đó, bằng việc sân khấu hóa về các giai đoạn và nhân vật lịch sử giúp các em cảm thấy lịch sử không còn khô cứng, mở ra cho các em cách tiếp cận lịch sử bằng phương tiện khác sinh động hơn” - thầy Đoàn Nhật Quang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm