Học sinh triền miên với ứng thí

Nhưng lên cấp THCS, từ lớp 6 đến lớp 12, hằng năm, học sinh lại triền miên với vô số bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với từng môn học theo Thông tư 58/2011 của Bộ GD&ĐT. Những môn học có nhiều tiết như ngữ văn, toán, trung bình mỗi học kỳ có đến 7-8 bài kiểm tra 15 phút, một tiết trở lên, chưa kể bài kiểm tra học kỳ. Học sinh lo lắng, giáo viên thì mệt mỏi khâu ra đề và chấm, trả bài.

Ba năm qua, học sinh lên lớp 6 không phải thi tuyển sinh theo quy định tại Thông tư 11/2014 của Bộ GD&ĐT, Nhà nước, phụ huynh và học sinh đỡ tốn kém về tiền bạc, công sức, những tiêu cực trong luyện thi và tổ chức thi cũng không còn. Thế nhưng phương thức xét tuyển của Thông tư 11/2014 lại gây khó khăn trong việc tuyển sinh cho các trường có số lượng lớn học sinh đăng ký vào lớp 6 cho nên tại dự thảo về quy chế tuyển sinh THCS và THPT của Bộ GD&ĐT mới ban hành có một số điều chỉnh, bổ sung tạo điều kiện cho các nhà trường chọn được học sinh có chất lượng, tương đối chính xác và công bằng hơn. Như vậy, các trường tiểu học đánh giá, phân loại học sinh không xong (toàn giỏi, xuất sắc hết), bây giờ nhiều địa phương, nhiều học sinh có nguy cơ phải quay về với “ma trận” ôn luyện đêm ngày và thi cử đầy căng thẳng, cùng với nhiều hệ lụy, tiêu cực khôn lường.

Bộ GD&ĐT đâu có chủ trương kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 8, 9 và lớp 11 các môn văn hóa, thế nhưng ở cấp dưới, các địa phương đều tổ chức thi tất, vừa để có thi đua, thành tích giữa các đơn vị, nhà trường vừa để giải ngân bớt kinh phí được cấp hằng năm.

Nhiều người từng đề xuất bãi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì lãng phí, tốn kém, hiệu quả thấp (mỗi kỳ thi loại ra không được mấy thí sinh, các địa phương đậu với tỉ lệ cao ngất ngưởng) song lại vướng cơ sở pháp lý, trong Luật Giáo dục vẫn quy định phải thi. Mà trước khi đến kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu hai trong một, các nhà trường, Sở GD&ĐT tổ chức nhiều kỳ thi thử để học sinh được tập dượt, làm quen…

Các địa phương trước đây từng chọn phương thức xét tuyển thay thi tuyển cho tuyển sinh lớp 10. Nhưng sau một thời gian, các trường THCS đánh giá, ghi điểm, kết quả học bạ thiếu đồng bộ, không công bằng, các Sở GD&ĐT đành phải quay lại con đường thi tuyển.

Không kiểm tra, thi cử nhiều cũng thật khó cho sự phát triển giáo dục nước nhà khi mà tư tưởng, tâm lý “không thi, không học”, “thi gì học nấy” đã thấm vào máu thịt của biết bao thế hệ học sinh. “Thi gì học nấy” kéo theo cách thực dụng của hầu hết nhà trường, thầy cô “thi gì dạy nấy”.

Đổi mới giáo dục, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, hiện đại đang bị ỳ ạch, bế tắc là do cách dạy, cách học nói trên chi phối. Tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức (ngày 15-12-2017), PGS-TS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chỉ rõ thực trạng: “Chúng ta đang lao đao, điêu đứng bởi nền giáo dục ứng thí. Bất kỳ sự đổi mới nào cũng nhận hòn đá tảng nền giáo dục này. Đến giờ, Bộ GD&ĐT luôn loay hoay về việc thi cử”.

ĐỖ TẤN NGỌC, Phó Hiệu trưởng Trường THPT
Huỳnh Thúc Kháng - Sơn Tịnh, Quảng Ngãi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm