Không xét tuyển theo kết quả thi chung

“Mục đích của tự chủ tuyển sinh là để kiểm tra năng lực của học sinh (HS), chọn HS phù hợp với ngành nghề đào tạo của mỗi trường, các trường tìm ra phương án tuyển sinh tốt hơn hiện nay. Tuy nhiên, việc giao quyền tự chủ cho các trường không có nghĩa là để cho các trường lấp đầy chỉ tiêu”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh như trên tại buổi tọa đàm trực tuyến về những điểm mới trong tuyển sinh năm 2014 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 26-12.

Không sử dụng kết quả chung-riêng

Trả lời về việc tại sao thi riêng lại không được sử dụng kết quả thi chung, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng không thể lẫn lộn giữa “ba chung” và riêng. Bộ vẫn để mở, nếu không tuyển sinh riêng toàn bộ, trường có thể tuyển sinh riêng ở một số ngành đặc thù.

Bổ sung, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH-CĐ (Bộ GD&ĐT), cho biết mục đích của tuyển sinh riêng là mỗi trường ra một đề, phù hợp với từng trường nên không thể sử dụng kết quả chung. “Trong dự thảo Bộ có đưa ra giải pháp các trường có cùng nhóm ngành có thể tổ chức thi chung. Cho phép các trường chọn tối đa hai lần/năm. Mỗi phương án có ưu điểm, nhược điểm riêng, tuyển sinh riêng nhằm mục đích để trường chọn đúng HS mong muốn với ngành đào tạo của mình” - ông Tuấn nói.

Không xét tuyển theo kết quả thi chung ảnh 1

Thứ trưởng Bùi Văn Ga tham gia buổi tọa đàm trực tuyến. Ảnh: HH

Thứ trưởng Ga nói thêm sở dĩ không đồng ý cho sử dụng kết quả thi chung và thi riêng để xét tuyển do có hai thang đánh giá khác nhau, sẽ không đảm bảo công bằng cho thí sinh. “Nếu dùng kết quả thi chung để xét tuyển, ba năm nữa Bộ không thi chung thì lấy kết quả đâu mà xét. Không thể dùng kết quả “ba chung” để lấp đầy chỉ tiêu, vì thế sẽ không đúng ý nghĩa thi riêng. Giai đoạn này để các trường chuẩn bị và tập dượt cho thi riêng” - ông Ga nhấn mạnh.

Bộ đã thành lập hai trung tâm kiểm định chất lượng ở Hà Nội và TP.HCM. Sau này sẽ mở rộng thêm chức năng cung cấp đề thi tổng quát để kiểm tra kiến thức nền tảng. Nếu các trường khó khăn trong việc ra đề có thể sử dụng nguồn đề của các trung tâm này, sau đó từng trường bổ sung kiến thức riêng phù hợp với năng lực của mình.

Nhiều cơ hội cho thí sinh

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, cho rằng năm nay thí sinh sẽ có nhiều cơ hội vào trường ĐH-CĐ so với năm trước. “Theo quy định, mỗi trường được tổ chức tối đa hai kỳ thi trong năm, kèm theo đó Bộ vẫn tổ chức hai kỳ thi ba chung. Vì vậy, cơ hội thi cho các em là nhiều hơn. HS có thể thi ba trường hoặc nhiều hơn nữa” - ông Trinh nói.

Thứ trưởng Ga bổ sung thêm, tuyển sinh riêng các em không phải thi theo khối thi mà có thể thi một hoặc hai môn hoặc kết hợp thi các môn năng khiếu, phỏng vấn. Đây là điểm mới so với tuyển sinh riêng trong quá khứ. Qua đó phát huy tối đa năng lực của HS.

Có ngưỡng tuyển sinh

Theo ông Ga, khi đăng ký tự chủ tuyển sinh yêu cầu các trường đưa ra ngưỡng đăng ký phù hợp. Các trường lấy điểm như thế nào, lấy bao nhiêu chứ không thể lấy ồ ạt từ cao đến thấp đến khi hết chỉ tiêu. Tránh tình trạng các trường tuyển sinh ồ ạt, thi bao nhiêu lấy bấy nhiêu.

Theo đó, ngưỡng tối thiểu gần giống điểm sàn, thiếu chỉ tiêu cũng không thể lấy dưới điểm sàn, mỗi trường có ngưỡng riêng do không trường nào giống trường nào. “Bỏ ngưỡng đấy rất nguy hiểm, chất lượng đầu ra sẽ rất thấp. Phải thực hiện đúng, tuyển 50 người nhưng có 20 người đáp ứng ngưỡng thì chỉ được lấy 20 người, không lấy thấp hơn ngưỡng” - ông Ga dẫn chứng.

Ông Ga cho biết sắp tới khi các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục hoạt động, các trường đào tạo kém, không đáp ứng yêu cầu, trung tâm sẽ thông báo cho các trường biết. Hy vọng có đột biến để thu hút HS vào công lập, thực hiện xã hội hóa giáo dục.

Không thi theo học thuộc lòng

Chúng ta đang dạy theo cách cung cấp kiến thức cho HS, vì vậy cách thi cũng theo cách dạy đấy. Bây giờ chuyển sang dạy để phát triển năng lực, phẩm chất HS, vì vậy cách thi cử sau này phải đổi mới, kiểm tra năng lực thay vì kiểm tra kiến thức thuộc lòng.

Tự chủ tuyển sinh sẽ khác căn bản về cách ra đề thi, phương thức thi, cách đánh giá xét tuyển, không còn kiểm tra kiến thức như trước đây. Các trường phải kiểm tra được năng lực của HS phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo của trường mình, không kiểm tra kiến thức theo cách học thuộc lòng.

Bản chất đổi mới thay đổi căn cơ việc thi, từ đó sẽ dẫn tới thay đổi cách học, cách dạy.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT BÙI VĂN GA

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm