Lấn cấn chuyện kinh phí

“Cầm đèn chạy trước ô tô”

Theo con số báo cáo lên Phòng Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Đà Lạt thì hiện có trên 10 trường học tại Đà Lạt rơi vào tình cảnh trên, trong đó một số trường như: Tiểu học Mê Linh, Tiểu học Lý Thường Kiệt đã chi sửa chữa trường khoản tiền trên 50 triệu đồng. Bà Trần Thị Tân (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt) trình bày: “Trước đây, theo thông lệ, hàng năm đến dịp nghỉ hè là các trường đầu tư để sửa chữa, chỉnh trang lại trường lớp chuẩn bị cho năm học mới, khi vào học sẽ thu tiền xây dựng trường và được trích 30% để chi trả. Hè năm nay, trường đã mua sắm một số bàn ghế, cửa kính, màn che… hết 51.300.000đ. Đến đầu tháng 9 thì trường nhận được văn bản về việc tạm ngưng thu tiền xây dựng nên rất bị động…”.

Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu cũng có chung tình cảnh. Ông Nguyễn Ô (Phó hiệu trưởng) cho biết: “Là trường đang xây dựng cơ cở dở dang, dụng cụ phục vụ dạy học và bàn ghế học sinh thiếu và hư hỏng nên vừa qua Ban giám hiệu đã trang bị với số tiền khoảng 100 triệu đồng, hiện đã trả được một nửa số tiền, phần còn lại dự định lấy từ khoản tiền xây dựng…”.

Thực ra, đây là vấn đề không của riêng gì các trường học tại Đà Lạt mà ít nhất là thực trạng chung của tất cả các trường học trên toàn tỉnh Lâm Đồng. Nhưng đối với các trường ở huyện, điều kiện khó khăn nên hàng năm ít chủ động đầu tư sửa chữa, còn các trường tại Đà Lạt có nguồn thu ổn định, tu sửa nhiều nên mới gặp cảnh dở khóc dở cười này. Ông Huỳnh Quang Long (Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Lâm Đồng - người phát ngôn của sở) cho rằng: Lỗi hoàn toàn thuộc về các trường học, họ đã “cầm đèn chạy trước ô tô” vì theo nguyên tắc, muốn đầu tư sửa chữa thì các trường phải lập kế hoạch trình cấp trên phê duyệt trước.

Tình ngay... lý gian?

Ông Trần Quang Hữu (Trưởng phòng GD-ĐT Đà Lạt) bày tỏ quan điểm: “Về nguyên tắc thì các trường xây dựng khi chưa có phê duyệt kinh phí của cấp trên là chưa đúng, nhưng xét về trách nhiệm công việc thì cũng phù hợp vì trước đây họ có nguồn thu ổn định, được phép sử dụng và dịp hè mới có thời gian rảnh để làm. Vì vậy, quan điểm của phòng là ủng hộ các trường. Hướng giải quyết của phòng là cân đối quỹ xây dựng trường còn tồn lại từ trước (khoảng 600 triệu đồng) để tham mưu cho UBND TP Đà Lạt giải quyết cho các trường”. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Nguyên (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt) thì việc sử dụng quỹ xây dựng trường lớp hàng năm đều có kế hoạch từ trước. Nếu muốn sử dụng khoản tiền nói trên thì UBND TP phải họp xem xét và trình HĐND thông qua.

Phương án huy động sự đóng góp của phụ huynh trước đó cũng đã được nhiều trường học nghĩ đến, nhất là khi Sở GD-ĐT Lâm Đồng đã có công văn quy định “mức thu quỹ Hội cha mẹ học sinh do Đại hội cha mẹ học sinh quyết định và có sự phê duyệt của địa phương” chứ không hạn định mức thu tối đa như trước. Quan điểm chung của các trường là: Khoản thu này do Hội cha mẹ học sinh đứng ra tổ chức thu theo tinh thần tự nguyện để phục vụ chính lợi ích của con em họ chứ trường không dính dáng đến. Một số trường như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Đình Chiểu đã đưa ra hoặc dự định mức thu để bù vào khoản này là từ 70 đến 80 ngàn đồng mỗi phụ huynh.

(Theo SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm