Lý giải vì sao 30 điểm vẫn trượt Đại học?

Lý giải về việc thí sinh 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng một, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay đó chỉ là trường hợp cá biệt, không nên nhìn vào thiểu số để vẽ nên một kỳ thi THPT quốc gia, điều này không chính xác.

Bên cạnh đó, năm nay việc nhiều ngành trong trường phân biệt điểm môn chính nhân hệ số, xét tuyển theo thang điểm 40, nhìn vào thì có cảm giác điểm trúng tuyển rất cao, nhưng đó không phải điểm thực của tổ hợp ba môn thi.

Ngoài ra, đối với các trường công an và quân đội vốn điểm chuẩn cao từ trước. Năm nay, trường công an không tuyển sinh hệ cao đẳng, chỉ tiêu giảm 54%, lại tuyển 10% thí sinh nữ, nên cơ hội trúng tuyển rất hẹp. Trường quân đội cũng giảm hơn 32% chỉ tiêu. Trong khi đó, học sinh giỏi đổ xô vào trường khiến điểm chuẩn lên mức trên 30.

Trường hợp thí sinh đạt 29,25 điểm và 29,35 điểm vẫn trượt ngành Y đa khoa ở Hà Nội và TP.HCM là trường hợp cá biệt và đáng tiếc. Nhưng nếu không đỗ nguyện vọng một, các em còn các nguyện vọng tiếp theo để có thể vào được ngành yêu thích. Ví dụ như nếu thích Y đa khoa, thí sinh có thể đăng ký vào ĐH Y Hà Nội và vẫn nên tìm hiểu, lựa chọn các trường như Y Thái Bình, Y Thái Nguyên, Y tế Công cộng,... những trường này đều lấy thấp hơn mức 29,25 nên chắc chắn thí sinh sẽ đỗ.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT)

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng đề thi năm nay có tính phân loại yếu, việc cộng điểm ưu tiên từ 0,5 - 3,5 điểm ảnh hưởng nhiều đến xét tuyển. Bộ GD&ĐT nên xem xét việc cộng điểm và tính phân loại của đề thi, để điểm thi càng cao, cộng điểm càng ít.  

Về điều này, bà Phụng cho rằng, sự phân hóa của đề còn thể hiện ở điểm trung bình trên phổ điểm. Mức điểm trung bình của 8 môn thi và 2 bàithi năm nay phản ánh đúng chất lượng học tập của thí sinh và sự phân hóa. “Bộ tổ chức khâu ra đề thi, người thực hiện là giáo viên THPT ở các vùng miền, tạo nên ngân hàng đề chung của quốc gia. Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến góp ý của dư luận để có quy trình làm đề thi ngày càng hoàn thiện”, bà Phụng nói.

Về điểm ưu tiên, khi điều kiện học tập, điều kiện sống ở các vùng miền hoặc điều kiện của các đối tượng chính sách khác nhau thì điểm thi có thể không phản ánh sự công bằng trong đánh giá năng lực học sinh. Chính vì vậy, điểm ưu tiên là để đảm bảo công bằng cho những người có điều kiện khác nhau, “có người nghĩ rằng như vậy là không công bằng đối với những người không được ưu tiên, nhưng quan điểm công bằng này chúng ta nên nhìn một cách tổng thể, khi cùng một quy định để áp dụng đối với những người có điều kiện khác nhau để dẫn đến một kết quả khác nhau thì đó là sự không công bằng.

Nếu như không có điểm ưu tiên, những nơi như vùng núi hải đảo, vùng sâu, vùng xa…không có điều kiện học tập bằng thành phố thì các sẽ thiệt thòi, tỉ lệ vào đại học của các em rất thấp, ở những vùng đó độ chênh lệch về văn hóa, kinh tế, xã hội lại càng thấp hơn. Vì vậy,  điểm ưu tiên hiện nay là cần thiết” bà Phụng nói.  

Cũng theo bà Phụng, vấn đề điểm ưu tiên gây tranh cãi hai năm trước đây trong dư luận, Bộ đã chủ động tổ chức cuộc họp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để nhìn nhận, đánh giá. Cuối cùng, đều đưa đến kết luận chưa bỏ được điểm ưu tiên. Nhưng không phải điểm ưu tiên sẽ giữ nguyên trong các thời kỳ, Bộ đang lắng nghe ý kiến để sẽ có những nghiên cứu sâu hơn qua những khảo sát, thống kê về chỉ số chênh lệch điều kiện vùng miền trong học tập, nhằm mục đích xác định điểm ưu tiên sao cho phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm