Mạnh tay “trảm” game bạo lực nhưng còn vướng

Đáng lưu ý nhất trong những trò chơi bị loại bỏ thì có ba trò chơi bắn súng được nhiều game thủ ưa thích, dù được Bộ TT&TT cấp phép, thế nhưng Sở cũng yêu cầu loại bỏ yếu tố bạo lực hoặc ngừng hoạt động. Sau thời gian triển khai thì hai trò chơi đã phải ngưng hoạt động trên toàn quốc là Biệt đội thần tốc của Vinagame (ngưng từ 17-10-2010) và Đặc nhiệm anh hùng của FPT (ngưng từ 1-11-2010). Riêng trò chơi Đột kích của VTC Intecom đã bị buộc ngưng cung cấp trên địa bàn TP.HCM.

Năm 2011: Hàng loạt game bị “khai tử”

Sở TT&TT cũng đã đề nghị Bộ TT&TT không cấp phép lưu hành ra công cộng đối với trò chơi thể loại bắn súng Battle Star của Công ty Asiasoft đang trong giai đoạn thử nghiệm sau khi đã được cấp phép phê duyệt nội dung kịch bản. Đồng thời, Sở yêu cầu chín doanh nghiệp loại bỏ tính năng đối kháng trong 29 trò chơi kiếm hiệp. Đây là thể loại trò chơi có cốt truyện và các hành vi đối kháng kém quyết liệt hơn, các hiệu ứng hình ảnh và âm thanh mang tính kích động bạo lực không cao như các trò chơi thể loại bắn súng. Kết quả đã có hai doanh nghiệp là Saigontel và Netgame báo cáo hoàn thành loại bỏ yếu tố đối kháng sáu trò chơi. FPT, VTC, Asiasoft cam kết thực hiện loại bỏ tính năng đối kháng của 14 trò chơi trước ngày 1-4. Trong đó, Công ty Vinagame cung cấp nhiều trò chơi kiếm hiệp có yếu tố bạo lực nhất nhưng cho đến nay chưa cam kết thời hạn loại bỏ tính năng đối kháng của tám trò chơi.

Ngoài ra, đơn vị quản lý cũng đã phát hiện năm doanh nghiệp đang phát hành tám trò chơi cờ bạc trên địa bàn thành phố. Trong đó có hai doanh nghiệp có giấy phép và ba doanh nghiệp không có giấy phép phát hành trò chơi trực tuyến. Đồng thời, với việc xử lý, ngăn chặn các trò chơi có nội dung bạo lực trong nước, Sở TT&TT cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập Internet ngăn chặn các trò chơi trực tuyến chưa được phép lưu hành có máy chủ đặt trong nước hoặc ở nước ngoài.

Mạnh tay “trảm” game bạo lực nhưng còn vướng ảnh 1

Game online ở TP.HCM được quản lý gắt gao hơn nhiều địa phương khác. Ảnh: BH

TP cấm, các tỉnh vẫn cho

Theo ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở TT&TT, trong cuộc đấu tranh về quản lý game online, các đơn vị quản lý hiện vẫn gặp khá nhiều khó khăn, trong đó có việc không thống nhất trong nội bộ ngành. Cụ thể là việc Bộ TT&TT yêu cầu các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) chặn đường truyền của đại lý Internet từ 23 giờ đến 6 giờ, Sở TT&TT đã kiến nghị là yêu cầu này chưa đủ cơ sở pháp lý và không giải quyết được gốc của vấn đề là phải ngưng cung cấp trò chơi trực tuyến đến các đại lý từ 22 giờ đến 8 giờ theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Hà, hiện cũng gặp khó khăn trong xác định thế nào là hành vi bạo lực, hành vi kích động bạo lực. Mặc dù đã có hướng dẫn tại Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL thế nào là nội dung kích động bạo lực. Nhưng hiện Bộ TT&TT chưa thống nhất tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực. Do vậy nhiều cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp phát hành trò chơi trực tuyến vẫn tranh luận về việc này. Bên cạnh đó, thực tế việc quản lý trò chơi trực tuyến bạo lực mới chỉ được thực hiện tại TP.HCM nên việc quản lý còn rất nhiều khó khăn. Trò chơi Đột kích bị cấm truy cập trên địa bàn TP.HCM nhưng vẫn được lưu hành trên 62 tỉnh, thành còn lại.

Không thể quy hoạch theo địa bàn

Theo một số đại diện các quận, huyện trên địa bàn thành phố, hiện các đơn vị quản lý gặp khá nhiều khó khăn trong việc kiểm tra các đại lý Internet. Quy định chỉ cho phép đại lý cung cấp dịch vụ game cách xa trường học 200 m cũng gây lúng túng cho cơ quan quản lý. Nguyên do có khá nhiều hộ đã kinh doanh trước khi xây trường, hay quy định về cấp giấy phép về kinh doanh Internet không cấm nhưng giấy phép về kinh doanh game online cấm.

Bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, nhận định: “Trước tình hình xã hội chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do game online gây ra, việc Sở đưa ra các giải pháp quản lý game online là hoàn toàn đúng đắn. Chúng tôi sẽ có ý kiến lên Quốc hội để sớm có được sự đồng bộ trong quản lý”.

“Việc quản lý game online không phải là cấm, chặn đường phát triển của doanh nghiệp kinh doanh game. Chúng tôi chỉ hướng đến một môi trường game trong sạch và lành mạnh hơn. Nếu một doanh nghiệp đưa ra một sản phẩm có doanh thu cao, mang lại lợi nhuận tốt góp phần phát triển cho đất nước là điều đáng mừng. Thế nhưng khi sản phẩm đó gây ô nhiễm, mà nó là một ô nhiễm ngầm, không thể thấy rõ như Vedan thì điều đó phải xem xét lại” - ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở TT&TT,  nhận định.

Nên có sự thống nhất trong quản lý

Văn bản quản lý lĩnh vực game online hiện hành vẫn chỉ dừng lại ở Thông tư 60, bản thân các quy định trong thông tư đó cũng đã không theo kịp với tình hình hoạt động. Doanh nghiệp chúng tôi đang rất mong chờ quy định quản lý game online mới đang được Bộ TT&TT phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo và trình lên Thủ trướng Chính phủ để ban hành với hình thức pháp lý cao hơn và phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của lĩnh vực kinh doanh dịch vụ trò chơi trực tuyến. Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có một hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất trong lĩnh vực này, để doanh nghiệp có thể dựa theo đó mà xây dựng chiến lược kinh doanh cho phù hợp.

Ông HOÀNG TRỌNG HIẾU,
Phó Giám đốc truyền thông VTC Game

TP.HCM: Năm tháng “trảm” 20 game online

TP.HCM được xem là địa phương khá mạnh tay với quản lý game online, với nhiều quy định về quản lý giờ chơi cũng như các quy định về cấm bạo lực trong game. Nhiều doanh nghiệp game nếu muốn tồn tại phải cải tổ lại hệ thống game hoặc ngừng cung cấp trò chơi.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), sau năm tháng thực hiện các biện pháp quản lý trò chơi trực tuyến, đến nay đã có 20 trò chơi ngừng hoạt động, trong đó có 18 trò chơi có nội dung bạo lực. Trong thời gian tới, gần 30 trò chơi khác sẽ phải loại bỏ các yếu tố nội dung bạo lực.

_____________________________________________

Theo quy định của Sở TT&TT, doanh nghiệp phát hành game đã phải ngừng cung cấp trò chơi trực tuyến cho tất cả đại lý Internet từ 10 giờ đêm hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau.

Yêu cầu các doanh nghiệp phát hành game không cung cấp trò chơi trực tuyến cho các đại lý Internet cách cổng các trường tiểu học, THCS, THPT dưới 200 m.

Sở TT&TT vận động các doanh nghiệp phát hành trò chơi trực tuyến thí điểm thực hiện các biện pháp quản lý độ tuổi người chơi nhằm ngăn chặn việc truy nhập vào các trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực của thiếu niên dưới 18 tuổi, chưa đủ năng lực làm chủ các hành vi của mình.

Thực hiện thanh toán qua thẻ ngân hàng sẽ giúp xác định độ tuổi người chơi để ngăn chặn trẻ em chơi các trò chơi chỉ phù hợp với lứa tuổi từ 18 trở lên.

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm