Ngành tên xấu dễ tìm việc làm

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu thủy là hai ngành có chỉ tiêu cao nhất trường nhưng nhiều năm nay giậm chân ở mức 13-14 điểm và khó tuyển, trong khi học ngành này mức thu nhập của sinh viên tốt nghiệp được tính bằng ngàn đôla”. Năm nay trường dự kiến tuyển nữ cho hai ngành này do chủ tàu ở Bắc Âu đặt hàng và vì trên thế giới, lao động nữ ở ngành này đang có xu hướng tăng lên, có thể làm quản lý cảng biển, hoa tiêu...

13 liên doanh ôtô đang cần lao động

Theo chuyên gia đầu ngành về ôtô, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, ngành cơ khí ôtô rất dễ tìm việc làm, sinh viên tốt nghiệp không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng. Hằng năm, thí sinh chọn thi không nhiều, dẫn đến điểm trúng tuyển ở các trường ĐH Bách khoa, Giao thông vận tải, Sư phạm kỹ thuật , Công nghiệp, Nông Lâm TP.HCM… chỉ 13-16 điểm. Ông Dũng cho hay: “Xu hướng phát triển của ngành ôtô rất lớn, hiện Việt Nam có 13 liên doanh lắp ráp và sản xuất ôtô. Nhu cầu việc làm ngành này hiện tương đối lớn do các TP lớn đã mở ra nhiều đại lý, garage sản xuất máy móc, sửa chữa ôtô… nên kỹ sư tuyển vào có thể làm ở bộ phận quản lý kỹ thuật, cố vấn dịch vụ, phụ trách phụ tùng, quản lý bán hàng...”.

Ngành tên xấu dễ tìm việc làm ảnh 1

Học sinh tham quan khoa Thiết kế thời trang Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM để tìm hiểu ngành nghề. Ảnh: QUỐC DŨNG

5.000 lao động ngành vật liệu xây dựng

Với xu hướng đô thị hóa hiện nay, nhu cầu chuyên gia vật liệu rất cao. TP.HCM từ nay đến năm 2020 cần khoảng 5.000 người cho ngành vật liệu. Tuy nhiên, ngành kỹ thuật vật liệu, khoa học vật liệu, vật liệu và cấu kiện xây dựng tại các trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa (Đà Nẵng), ĐH Bách khoa Hà Nội… điểm trúng tuyển chỉ 14-16. Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Tỉ lệ “chọi” hằng năm ngành này chỉ hơn 1 nhưng rất khó tuyển. Kỹ sư/cử nhân ngành vật liệu có thể làm việc tại các cơ sở sản xuất vật liệu kim loại (luyện cán thép, luyện kim màu, gia công chế biến nhôm…), vật liệu silicate (xi măng, gốm sứ, sản xuất vật liệu xây dựng, trang trí nội thất…) và vật liệu polymer (gia công chế biến nhựa, cao su, sơn, composite…) hoặc có thể làm việc tại các công ty liên doanh với nước ngoài, tham gia nghiên cứu cải tiến công nghệ và chuyển giao công nghệ…”.

5 triệu lao động nghề cá

Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 định hướng phát triển trên bốn lĩnh vực là khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, cơ khí đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngành thủy sản dự kiến đến năm 2020 tạo việc làm cho 5 triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp ba lần so với hiện nay. Tuy nhiên, ĐH Nha Trang đào tạo chuyên về thủy sản nhiều năm liên tiếp điểm trúng tuyển chỉ dừng lại ở mức 13 khối A và 14 khối B. Các ngành chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, kinh tế-quản lý nuôi trồng thủy sản… tại các trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang, ĐH Trà Vinh, ĐH Đồng Tháp, ĐH Nông nghiệp Hà Nội… cũng chỉ bằng điểm sàn.

45.000 lao động tài nguyên môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tổng nhu cầu nhân lực giai đoạn 2011-2015 của ngành lên đến 45.000 người. Cả nước có 78 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ các ngành, chuyên ngành về tài nguyên và môi trường và 45 trường đào tạo trung cấp chuyên nghiệp các ngành quản lý đất đai, địa chính, môi trường, đo đạc và bản đồ, địa chất… nhưng người học thì hiếm dần. Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, cho biết: “Ngành hải dương học-khí tượng-thủy văn là ngành khó tuyển nhất ở trường, dù phải xét tuyển thêm nguyện vọng”. Không riêng ngành này, các ngành trắc địa bản đồ, quản lý đất đai, khí tượng, thủy văn, môi trường, cấp thoát nước, hệ thống thông tin địa lý… của các trường đều có điểm trúng tuyển không nhỉnh hơn điểm sàn!

Thạc sĩ Trần Đình Lý, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Nhu cầu về lao động ngành nông-lâm khá cao, tỉ lệ sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm là 91%, trong đó làm việc đúng chuyên môn khoảng 80%”.

Dệt may cần 384.500 lao động

Nhiều năm gần đây các ngành liên quan đến lĩnh vực dệt may như công nghệ dệt may, công nghệ dệt, công nghệ sợi, công nghệ da giày, kỹ thuật dệt may, thiết kế thời trang… dù điểm tuyển chỉ tương đương điểm sàn vẫn khó tuyển. Thí sinh nghĩ học dệt may là làm công nhân tại các nhà máy, thu nhập thấp, trong khi thực tế vị trí tuyển dụng rất đa dạng. Chẳng hạn ngành kỹ thuật dệt may phù hợp với người giỏi kỹ thuật, ra trường sẽ làm thiết kế dây chuyền và các quy trình dệt may, thiết kế sản phẩm… mức lương rất cao; ngành thiết kế thời trang phù hợp với người có khiếu nghệ thuật, thích làm việc trong các môi trường mang tính ngẫu hứng, không khuôn mẫu… Thêm vào đó, theo quyết định phê duyệt chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành dệt may Việt Nam đến năm 2015 của Bộ Công Thương thì nhu cầu đào tạo mới lao động dệt may giai đoạn 2011-2015 cần rất nhiều nhân lực, cụ thể (bình quân người/năm): quản lý 860, khối kinh tế: 2.200, khối kỹ thuật 2.300, công nhân kỹ thuật: 71.600. Dự báo đến năm 2015-2020 cần đến hơn 384.500 người từ cán bộ quản lý đến công nhân kỹ thuật.

Nhiều chủ tàu biển đặt hàng đào tạo sĩ quan thực tập

Trung tâm Đào tạo và Nguồn nhân lực hàng hải là liên doanh giữa Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và Tập đoàn Đào tạo vận tải biển và giao thông STC-Group Hà Lan, đã tìm nhiều học bổng và việc làm cho sinh viên các ngành đi biển (điều khiển tàu biển và máy tàu thủy).

Ngay khi tốt nghiệp, sinh viên được thực tập trên tàu nước ngoài với chức danh sĩ quan thực tập, nhận phụ cấp ít nhất 400 USD/tháng; được học miễn phí bất kỳ khóa học đào tạo bổ sung theo yêu cầu của Công ước Quốc tế STCW’95 hoặc của công ty tàu để đạt được chứng chỉ chuyên môn mức vận hành (sĩ quan hàng hải cấp thấp) và mức quản lý (sĩ quan hàng hải cấp cao); được tuyển dụng làm sĩ quan hàng hải làm việc trên các tàu hiện đại và mức lương sĩ quan theo tiêu chuẩn của châu Âu…

Hiện trung tâm đã ký thỏa thuận với nhiều đối tác nước ngoài như Tập đoàn Vận tải biển Stolt-Nielsen (SNTG) Hà Lan, Tập đoàn Münchmeyer Petersen Crewing (MPC) Đức, Công ty Vận tải biển Seatrade Groningen BV Hà Lan, Công ty Vận tải biển Triton Đức, Hiệp hội Chủ tàu Na Uy, Công ty Vận tải biển Wagenborg Hà Lan và Công ty Quản lý tàu biển Graig Anh. Các tập đoàn này sở hữu đội tàu biển gồm hơn 2.000 chiếc. Hiện nay đã có khoảng 260 sinh viên và sĩ quan thực tập của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã ký hợp đồng với các công ty vận tải này và được cấp học bổng hoặc phụ cấp đi thực tập trên tàu.

ÔngTÔ VĂN LONG, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nguồn nhân lực hàng hải

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm