Như thế nào là nhân văn cho thí sinh thi THPT?

Một vài năm trước, sau một kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi đã có một bài viết về việc các sĩ tử 18 tuổi đi thi trắc nghiệm tô không đúng quy cách nên máy chấm không được, và hàng ngàn bài thi đã được lôi ra, tô cho đúng, rồi chấm lại. Người ta ca ngợi một việc làm nhân văn, vì lợi ích của các em!
Ngày hôm qua, báo chí đăng tải CÁC BÀI THI ĐẶC BIỆT, khi nhiều thí sinh không tô câu trả lời vào phiếu trả lời trắc nghiệm mà khoanh luôn vào đề. Khi thu bài, giám thị phát hiện, thí sinh bảo mình quên. Bài thi được thu cùng với đề thi, rồi bài thi được chấm riêng. Và lần này người ta cũng ca ngợi câu chuyện “nhân văn” vì lợi ích của học sinh ấy!
15, 18 tuổi, nghĩa là lớp 10, lớp 12, nghĩa là đã cao giọng lý sự cuộc đời với cha mẹ, với thầy cô; nghĩa là đã nghĩ mình người lớn chuyện gì cũng biết; nghĩa là đã nên anh nên chị biết yêu đương đủ cả. Chỉ có vài điều là không biết: là lắng nghe người khác nói, là tập trung nghe hướng dẫn, là quan sát trước khi làm gì...
Tôi làm thầy, cứ mỗi bài thi xong tôi lại mắng rát mặt về những lỗi trình bày, những lỗi sai hướng dẫn, những lỗi về chữ viết... Đơn giản là tôi không chấp nhận một người 18 tuổi, miệng nói toàn điều hay ho mà đi đến đâu cũng xả rác cho người khác dọn, ở nhà thì cha mẹ dọn, đến trường thì thầy cô, và xa nữa là cuộc đời.
Muốn làm được chuyện lớn lao thì hãy làm tốt việc thật nhỏ, làm tốt nhất có thể, thậm chí làm tốt hơn cả tốt nhất.
Thế nên, tôi chưa từng một giây nghĩ rằng những câu chuyện dọn rác sau các kỳ thi là nhân văn. Ngược lại tôi nghĩ đó là sự dung túng cho cái xấu, và ngày qua ngày nó sẽ cho ra đời những thế hệ “cho rằng ta chỉ biết làm việc lớn”!
Tôi quả là một ông thầy khó tính! 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm