Phát triển trường ĐH, CĐ ngoài công lập: Chủ trương đúng, phát triển méo mó

Dự kiến hôm nay (5-3), Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập sẽ có buổi làm việc với bộ trưởng Bộ GD&ĐT về những kiến nghị của Hiệp hội.

Phát triển trường ĐH, CĐ ngoài công lập: Chủ trương đúng, phát triển méo mó ảnh 1
Trao đổi cùng Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long (Vĩnh Long), nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhìn nhận: “Phải thấy rằng chủ trương hình thành và phát triển trường ĐH ngoài công lập là một chủ trương đúng đắn, đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Tuy nhiên, quá trình hoạt động đã bộc lộ những khiếm khuyết, dẫn đến sự khủng hoảng trước nguy cơ tự chết của hàng loạt trường ĐH ngoài công lập”.

Mập mờ lợi nhuận, phi lợi nhuận

. Phóng viên: Thưa ông, ngoài vấn đề tuyển sinh không được, theo kiến nghị của Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, theo ông còn vấn đề nào khác?

+ PGS-TS Nguyễn Thiện Tống: Vấn đề chính hiện nay là không có cơ chế để các trường ĐH ngoài công lập xác định mình sẽ hoạt động theo mô hình nào: vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận.

Phi lợi nhuận thì phải lấy lợi ích đó xây dựng trường và trường phi lợi nhuận không thuộc sở hữu của một hoặc một số người. Nhưng hiện nay mô hình này tại Việt Nam không phải như vậy. Đã phi lợi nhuận thì không có nhà đầu tư và tài sản nếu vẫn là sở hữu của một ai đó thì vẫn không thể nói là phi lợi nhuận. Tôi cho rằng khiếm khuyết hiện nay gây khủng hoảng về tổ chức là tính chất sở hữu của trường và quyền quyết định nằm trong tay người có vốn, có tiền hoặc tranh chấp để giành vai trò có vốn lên nhiều hơn.

Phát triển trường ĐH, CĐ ngoài công lập: Chủ trương đúng, phát triển méo mó ảnh 2

Do mâu thuẫn giữa hiệu trưởng, tập thể cán bộ giảng viên cơ hữu nhà trường với nhà đầu tư mà Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012. Đến thời điểm này chưa có quyết định nào về tuyển sinh 2013 cho trường. Ảnh: QUỐC DŨNG

Những năm đầu, phần lớn người xin thành lập trường  ngoài công lập là nhà khoa học, nhà giáo dục. Đây là những người có uy tín để các cấp có thẩm quyền tin tưởng tạo điều kiện thành lập trường. Tuy nhiên, sau khi thành lập, vì thiếu vốn xây dựng nên nhiều trường phải kêu gọi đầu tư. Từ đây, họ buộc phải bán cổ phần cho các nhà đầu tư có vốn lớn. Đội ngũ nhà sáng lập, nhà giáo, nhà khoa học mất dần vai trò quản trị nhà trường, quyền quyết định rơi vào tay các nhà đầu tư.

. Vậy ĐH ngoài công lập có phải chỗ kiếm tiền?

+ Phần lớn các trường hiện nay đều là vì lợi nhuận, vì tiền lãi chia cho người có cổ phần. Vì chạy theo lợi nhuận nên người ta không muốn phát triển cơ sở vật chất. Tuy nhiên, các trường không chấp nhận họ đang vận hành theo mô hình lợi nhuận mà mập mờ cho rằng mình hoạt động không vì lợi nhuận. Mập mờ như vậy để được hưởng ưu đãi của Nhà nước về thuế, đất đai… Ngay cả Luật Giáo dục ĐH mới ban hành cũng không giải quyết được việc này. Phải có cơ chế để các trường xác định mình hoạt động theo mô hình lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Và Nhà nước chỉ hỗ trợ về đất đai, miễn, giãm thuế cho loại hình trường phi lợi nhuận.

“Nhắm mắt” cho mở trường

. Ông nhận định thế nào khi các trường ĐH ngoài công lập được mở ồ ạt nhưng xã hội luôn cảnh báo về chất lượng?

+ Quy chế hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho người vì lợi nhuận bỏ tiền ra để xin mở trường. Họ có nhiều biện pháp “bôi trơn”, chạy cách nào đó để có giấy phép. Nên các trường thành lập ồ ạt, rồi tuyển sinh vội vã trong khi chương trình đào tạo chưa có, cơ sở vật chất chưa có, giảng viên chưa có… Điều này dẫn đến kém chất lượng là tất yếu. Chưa kể, phần lớn thủ tục xin lập trường theo cách thức chung là “sao đi chép lại”. Trường đi sau cứ chép trường đi trước, chương trình đào tạo trùng lắp nhưng vẫn được cấp phép.

. Chính vì vậy mà hầu hết các trường chỉ đào tạo một nhóm ngành nào đó?

+ Vì động cơ lợi nhuận nên đã ra đời hàng loạt trường cùng một loại ngành nghề. Nhiều nhất là nhóm ngành kinh tế - tài chính - quản trị kinh doanh vì đây là các ngành dễ sinh lời, không cần đầu tư nhiều cơ sở vật chất nên chỉ cần thuê mướn. Trong khi rất ít trường đi về hướng kỹ thuật, do phải đầu tư cơ sở vật chất nhiều nên tốn kém, chậm lấy lại vốn. Bộ GD&ĐT đã không xét duyệt kỹ ngành nghề nên mở ngành trùng lắp, tràn lan, dẫn đến thừa nhân lực trong thời gian tới.

Đòi cấp đất là vô lý

. Ông có nhận định gì khi các trường vịn vào Nghị định 69 của Chính phủ ban hành ngày 30-5-2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa, đề nghị Nhà nước có nhiệm vụ giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng?

+ Các trường kêu gào được cấp đất, miễn thuế… là vô lý! Vì như tôi đã nói, chỉ những trường hoạt động với mục đích phi lợi nhuận thì Nhà nước hỗ trợ mọi mặt. Chứ như hiện nay, các trường ra đời ngay từ đầu đã vì lợi nhuận rồi. Rất nhiều trường ra đời hàng chục năm chỉ vơ vét thu tiền của sinh viên để gửi ngân hàng lấy lãi, còn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất rất ít và có trường còn không có. Sĩ số lớp quá đông để chỉ trả thù lao cho giảng viên một lần, thu lợi nhiều, thay vì chia tách lớp thì phải thuê thêm giảng viên. Do đó chất lượng đào tạo không thể cao được. Chưa kể, có trường được hưởng chính sách ưu đãi về đất với giá rẻ. Nhưng họ dần dần nặng nề vì lợi nhuận, không xây dựng ký túc xá hay khu thể thao để phục vụ cho sinh viên. Ở đây, Nhà nước đã bị lầm!

Trường yếu đóng cửa là tất yếu

. Trước tình trạng rối loạn hiện nay thì có nên cứu hết các trường hay để trường nào mạnh thì sống, yếu thì chết?

+ Trường ĐH ngoài công lập hoạt động theo cơ chế thị trường. Do đó sẽ có sự đào thải tự nhiên. Mỗi trường phải tự tạo danh tiếng cho mình. Nếu đào tạo không tốt thì người học chắc chắn không chọn nữa. Bởi người học hiện nay đã khác trước đây, họ sẽ từ bỏ nếu nhận thấy chất lượng thấp hơn nhiều so với những gì mà họ kỳ vọng. Tuy nhiên, nói gì thì nói, tệ lắm mới đóng cửa trường. Vì với quá trình vận hành nhiều năm liên tục, các trường đã có một giá trị xã hội nhất định. Chỉ khi không thể cứu vãn được nữa mới quyết tâm khai tử, hơn là cứ để các trường vật vã tuyển sinh rồi không tuyển được.

Trước mắt, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập nên tự tổ chức xếp hạng các trường trong Hiệp hội. Căn cứ vào tiêu chuẩn kiểm định chất lượng khách quan, các trường ngoài công lập sẽ phân biệt được trường tốp trên, giữa hoặc dưới. Chỉ khi các trường nhìn nhận thẳng thắn về mình thì sẽ giải quyết được một phần chất lượng.

ĐH “đẻ non”

Dù ra đời hàng chục năm nhưng nhiều trường ĐH ngoài công lập vẫn là những trường “hai không”: không cơ sở vật chất, không giảng viên. Chưa kể, do ra đời liên tục, tỉnh nào cũng có trường ĐH công lập, rồi thêm ĐH ngoài công lập nên hằng năm các trường đều kêu khó, không tuyển được thí sinh.

Hàng loạt trường sau nhiều năm thành lập vẫn không có đất hoặc đã được cấp đất nhưng vẫn chưa xây dựng được cơ sở độc lập, phải thuê mướn chỗ dạy khắp nơi: ĐH Đông Đô, ĐH Hùng Vương, ĐH Văn Hiến, ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) và ĐH Hòa Bình (Hà Nội), ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội)…

Bên cạnh việc không có cơ sở vật chất, rất nhiều trường còn trắng giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí có ngành không có cả giảng viên cơ hữu! Nhiều trường lượng giảng viên cơ hữu chưa đến 100 người như ĐH Đông Đô và ĐH Chu Văn An 77 giảng viên, ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM 66, ĐH Hòa Bình 90, ĐH Đại Nam 97… Cá biệt, một số trường có số giảng viên cơ hữu chưa đến 60 người như ĐH Văn Hiến 52 giảng viên, ĐH Nguyễn Trãi 55, ĐH Hà Hoa Tiên 59…

Chuyện thật như đùa trong kỳ tuyển sinh năm 2012, Bộ GD&ĐT đã đình chỉ tuyển sinh bốn ngành công nghệ thực phẩm, bảo vệ thực vật, khoa học thư viện, công nghệ kỹ thuật điện-điện tử của Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) vì các ngành này không có một giảng viên nào. Thành lập từ năm 2006 nhưng Trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) không có giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn có trình độ thạc sĩ trở lên cho bốn ngành kỹ thuật xây dựng công trình, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, Việt Nam học…

QUỐC DŨNG

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm