Rốt ráo chuẩn bị chương trình phổ thông mới

Theo kế hoạch, năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức triển khai bắt đầu từ lớp 1. Từ thời điểm này, các trường tiểu học và giáo viên liên tục có những đợt tập huấn, bồi dưỡng để đáp ứng cho sự đổi mới của chương trình.

Vừa tập huấn vừa bồi dưỡng giáo viên cốt cán

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã họp với Sở GD&ĐT của 19 tỉnh, thành phía nam triển khai kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết thời gian này trường đã cử 95 giảng viên chính để đi tập huấn theo mô hình kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến cho khoảng 8.000 giáo viên cốt cán ở các khối lớp. Sau đó họ sẽ về cơ sở triển khai cho giáo viên đại trà. Trong đó, năm nay ưu tiên cho giáo viên lớp 1 để kịp thời cho năm học tới.

Theo ông Quốc, lộ trình này sẽ kéo dài đến năm 2022, các đợt liên tục cho từng nhóm tỉnh, thành, trung bình mỗi đợt khoảng ba ngày. Nội dung chủ yếu giúp giáo viên hiểu được chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động giáo dục mà Bộ GD&ĐT đã ban hành.

“Cụ thể như mục tiêu chương trình mới, những điểm mới là gì, quan điểm xây dựng chương trình mới, định hướng phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá, chuẩn bị trang thiết bị để thực hiện... Từ đó họ phải xây dựng được kế hoạch hỗ trợ cho đồng nghiệp ở cơ sở” - ông Quốc nói.

Song song đó, ông Quốc cho biết Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu và đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên hiện tại để có kế hoạch bồi dưỡng trung hạn cho giáo viên sẵn có để có thể dạy tích hợp, như giáo viên hóa học thì bồi dưỡng thêm chuyên môn vật lý, sinh học...

Ngoài ra, ông Quốc cũng cho hay về lâu dài trường đã và đang xây dựng các chương trình đào tạo để mở các mã ngành mới cho các môn tích hợp như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục công dân và giáo dục kinh tế pháp luật, mỹ thuật và âm nhạc... và sẽ bắt đầu tuyển sinh trong năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trước mắt các giáo viên, nhà trường cần thực hiện tốt về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh…Và sở đã có những chương trình bồi dưỡng nhiều chuyên đề, nội dung để trang bị sẵn sàng cho cán bộ, giáo viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm bảo đảm việc triển khai chương trình mới.

Một giờ học của cô trò lớp 1 tại Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo, quận 3. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Các trường tiểu học đã sẵn sàng

Ông Võ Minh Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Gò Vấp, cho hay nhà trường đã triển khai toàn bộ hội đồng sư phạm nắm quan điểm về chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, trường cũng chuẩn bị về tư tưởng, tinh thần từ giáo viên lẫn phụ huynh. Trong những phiên họp phụ huynh đầu năm học, các thầy cô cũng thông tin về việc thay sách giáo khoa lớp 1 và thực hiện chương trình mới từ năm 2020 để phụ huynh nắm.

“Hiện trường đang rà soát, đầu tư thêm đồ dùng dạy học cho lớp 1, trang bị, bổ sung thêm các phương tiện dạy học hiện đại. Đối với phòng chức năng, do điều kiện nên trường chỉ có thể đáp ứng tối thiểu phòng tin học, phòng Anh văn” - ông Thông nói.

Tại TP.HCM, thời gian này, Sở GD&ĐT TP.HCM đã cử khoảng 70 hiệu trưởng và gần 500 giáo viên cốt cán của TP tham gia bồi dưỡng giáo viên do Bộ GD&ĐT tổ chức. Từ đó sẽ xây dựng đội ngũ báo cáo viên, các chuyên đề nhằm thực hiện việc bồi dưỡng, tập huấn về chương trình giáo dục mới cho toàn ngành. 

Ông Thông cũng nói thêm, trường đang dự kiến sẽ rà soát, chuẩn bị nhân sự để bố trí vào lớp 1 năm tới sẽ là những giáo viên đã có kinh nghiệm, phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng công nghệ thông tin, các phương pháp đổi mới hiện đại.

Tương tự, Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3 đang triển khai cho giáo viên quen dần với đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiêng về trải nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay do số học sinh ít nên cơ sở vật chất của trường bảo đảm để học sinh được học bán trú 100%. Hiện trường đã bố trí giáo viên đủ khả năng, năng lực đứng lớp, nhất là trong chương trình thay sách lớp 1 năm 2020-2021. Nhà trường cũng đã cử giáo viên chuẩn bị tham gia lớp tập huấn về chương trình theo quy định của Phòng GD&ĐT.

Bên cạnh đó, về phương pháp giảng dạy mới, trường đã tiến hành cho giáo viên đi theo hướng thực hành, trải nghiệm thực tế đối với học sinh từ năm học này. Trong năm học này, trường cũng tổ chức open house, tổ chức thêm các hoạt động ngoài trời theo các chủ đề thực tế.

Lộ trình chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có bảy môn học, lớp 3 có chín môn học, lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học.

Chương trình mới của các lớp THCS và THPT đều có 12 môn học, thay vì 17 môn học như trước đây. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm