Sách Cánh diều có ‘sạn’, giáo viên chủ động xoay trở

Những ngày vừa qua, cuốn sách Tiếng Việt 1 - lớp 1 của bộ sách Cánh diều được phát hiện có nhiều “sạn” gây xôn xao dư luận. Trong thời gian chờ động thái báo cáo từ Hội đồng thẩm định, phương án rà soát, xử lý từ Bộ GD&ĐT và các đơn vị có liên quan, nhiều giáo viên (GV) và ban giám hiệu các trường đang sử dụng bộ sách này đã có sự điều chỉnh để học sinh (HS) và phụ huynh yên tâm.

Cung cấp thêm thông tin

Đang giảng dạy sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh diều, cô Phạm Ngọc Hoài Ngân, tổ trưởng khối 1 của Trường Tiểu học Mê Linh (quận 3, TP.HCM), cho hay trong quá trình dạy, sách có sử dụng một số từ mang tính địa phương, GV có thể giải thích và cung cấp thêm thông tin để các em hiểu chứ không nhất thiết yêu cầu các em phải đọc đúng từ đó. Những từ ngữ lạ, GV dành thời gian giải thích để các em hiểu. GV là người có quyền chủ động thay đổi từ ngữ sao cho phù hợp với HS chứ không nhất thiết phải sử dụng câu chữ y nguyên như trong sách.

“Những câu chuyện như “Chuột út”, “Hai con ngựa” đang bị cho rằng không phù hợp. Tuy nhiên, theo tôi tất cả phụ thuộc vào cách giảng dạy của GV. Nếu GV hướng HS theo hướng tích cực thì sẽ mang nghĩa tích cực và ngược lại. Bởi tất cả đều mang tính giáo dục” - cô Ngân nói thêm.

Là một trong những trường tại quận 8 chọn lựa sách Tiếng Việt của bộ sách Cánh diều, bà Võ Thị Trúc Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nguyên Hãn, cho hay nhà trường đã nghiên cứu rất kỹ trong khâu chọn lựa sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vấn đề như có nhiều từ ngữ khó hiểu, kiến thức nặng. Trước tình hình đó, trường không gây áp lực đối với HS lẫn phụ huynh. Những phương ngữ sử dụng trong sách mang tính vùng miền, GV sẽ giải thích thêm để các em hiểu. Những em nào tiếp thu chậm, GV sẽ dành nhiều thời gian để kèm cặp, đồng thời phối hợp thêm với phụ huynh để giúp các em theo kịp chương trình.

Tại Trường Tiểu học Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội), các GV dạy bộ Cánh diều đánh giá đây là bộ sách hay, dễ dạy. Nếu GV chủ động thiết kế nội dung bài học phù hợp sẽ giúp cho các em hứng thú hơn, tiếp thu bài học chủ động hơn, tránh nhàm chán.

“Những câu chuyện trong sách đang được dư luận bàn tán, tôi chưa đánh giá về nội dung vì mỗi người có một quan điểm khác nhau nhưng tựu trung tôi thấy tác giả phỏng lại câu chuyện có thêm nhiều âm, vần để phục vụ giảng dạy. Mỗi bộ sách khi ra đời đều có ý hay, ý chưa phù hợp, nếu GV định hướng tốt thì vấn đề câu chuyện sẽ trở nên nhỏ đi” - GV Trường Tiểu học Đường Lâm, (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) nêu ý kiến.

Một tiết học môn tiếng Việt của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (quận 10, TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Chọn ngữ liệu phù hợp

Ông Lê Thành Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bông Sao (quận 8, TP.HCM), cũng cho biết thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường chọn bộ sách Cánh diều (môn Tiếng Việt, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất). Trước phản ánh của dư luận trong thời gian qua về bộ sách Cánh diều, nhà trường xác định sự thay đổi nào cũng sẽ có những trở ngại, nhưng muốn phát triển phải mạnh dạn đổi mới.

“Chúng tôi giao quyền chủ động cho GV trong việc cân đối thời lượng giảng dạy một chủ đề/nội dung giáo dục theo điều kiện thực tế ở lớp mình, nhằm đảm bảo chuyển tải được yêu cầu bài học nhưng không quá tạo áp lực cho HS (ví dụ, bài có thời lượng ba tiết nhưng nếu trình độ chung của lớp không thể chuyển tải hết, GV có thể chủ động tăng thời lượng lên).

Hôm nay, báo cáo Thường vụ Quốc hội về chất lượng sách Cánh diều

Tiếp tục phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 14-10, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình thông tin hôm nay, 15-10, ủy ban sẽ có báo cáo gửi tới Thường vụ Quốc hội về vấn đề của giáo dục và đào tạo, trong đó có nội dung dư luận đang quan tâm về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều.

“Cần nhìn nhận lại vấn đề sách giáo khoa, đặc biệt là khâu thẩm định chương trình và sách giáo khoa như thế nào, việc chọn lựa, thẩm định đã chặt chẽ chưa. Khi đi giám sát, chúng tôi nhận thấy Bộ GD&ĐT có quy trình rất đầy đủ nhưng sao vẫn để xảy ra lỗi trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1” - ông Bình nói và cho rằng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 có năm bộ sách, trong đó bộ sách Cánh diều có nhiều “sạn”. 

ĐỨC MINH 

Ngữ liệu sách giáo khoa hiện không còn là pháp lệnh, nếu nội dung không phù hợp với HS, tổ chuyên môn có quyền đề nghị với lãnh đạo nhà trường chọn ngữ liệu khác phù hợp hơn (với điều kiện là nguồn ngữ liệu đó nằm trong danh mục sách được Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục phê duyệt)” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, nhà trường luôn chỉ đạo cho GV giảng dạy trên cơ sở tình hình thực tế của lớp mình, dạy theo năng lực của trẻ, không tạo áp lực để trẻ có thể tiếp thu một cách thoải mái. GV hỗ trợ, hướng dẫn HS hình thành các kỹ năng cơ bản, hỗ trợ các em hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Chú trọng dạy học phân hóa theo từng đối tượng, không đặt ra yêu cầu cần đạt chung cho tất cả HS trong lớp ở giai đoạn đầu năm học để tránh gây áp lực với một số em tiếp thu bài chưa tốt, chưa nhớ bài. GV phải nắm kỹ đặc điểm của từng em để có biện pháp giáo dục phù hợp.

Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 (TP.HCM), cho biết trước phản ánh của dư luận về việc xuất hiện “sạn” trong sách giáo khoa, Phòng GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường nếu thấy những ngữ liệu nào không phù hợp, từ ngữ khó hiểu có thể thay đổi, điều chỉnh các ngữ liệu sao cho hợp lý.

Liên quan đến vấn đề này, trưởng Phòng GD&ĐT một quận ngoại thành cũng cho biết trong kế hoạch năm học của Sở GD&ĐT TP.HCM nêu rõ giao quyền chủ động cho GV. Do đó, Phòng GD&ĐT cũng có hướng dẫn trong quá trình triển khai, những ngôn từ không phù hợp với phương ngữ, GV có thể thay thế và giải thích thêm để HS hiểu. Ví dụ, khi dạy HS một phương ngữ miền Bắc như “cái bát”, GV phải đồng thời giới thiệu từ có nghĩa tương đương trong phương ngữ miền Nam là “cái chén”, vừa giúp HS mở rộng vốn từ, vừa ghi nhớ kiến thức.

Sách duy nhất được 100% phiếu “đạt” từ Hội đồng thẩm định

Liên quan đến những “hạt sạn” trong sách Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh diềuđược dư luận quan tâm nhiều ngày qua, chiều 12-10, trao đổi với báo chí, GS Mai Ngọc Chừ đã nói Hội đồng thẩm định có vai trò xem xét, những cái gì sai bắt sửa, cái gì không đúng bắt sửa nhưng nhiều khi hội đồng cũng phải tôn trọng ý kiến của nhóm tác giả.

“Ví dụ như từ “nhá”, Hội đồng thẩm định đã đề nghị thay nhưng nhóm tác giả họ cho rằng “nhai” là vần “ai”, vần này chưa được học nên dùng từ “nhá”. Quan điểm của nhóm tác giả sách Tiếng Việt là để dạy âm và vần nên rất khó cho việc sử dụng từ ngữ và đảm bảo sử dụng nhiều yếu tố. Nhóm tác giả đã thuyết minh như vậy nên hội đồng thấy phù hợp” - ông Chừ cho biết.

Về trách nhiệm nếu để ra những “hạt sạn” trên, đại diện Hội đồng thẩm định cho rằng nhóm tác giả phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những “hạt sạn” về cuốn sách đó vì Hội đồng thẩm định đã khuyến cáo rồi nhưng nhóm tác giả vẫn giữ quan điểm của mình.

Tuy nhiên, theo bản trích “Biên bản thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia môn Tiếng Việt” của bộ Cánh diều (đăng trên trang sachcanhdieu.com), Hội đồng thẩm định lại nhận định: Sách giáo khoa Cánh diều được biên soạn công phu, cẩn thận trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông. Ngữ liệu trong sách được lựa chọn nhìn chung kỹ lưỡng, đảm bảo tỉ lệ cân đối, hài hòa, một số ngữ liệu hay, hấp dẫn, phù hợp với trình độ HS. Bộ sách có cách tiếp cận riêng, tận dụng tốt vai trò của kênh chữ và đặc biệt là kênh hình nhằm hiện thực hóa các yêu cầu cần đạt cho từng kỹ năng đọc, viết, nói và nghe mà chương trình đề ra. Sách có nhiều điểm mới đáng trân trọng, triển khai tốt việc tích hợp các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe trong một bài học, giúp HS không chỉ được phát triển kỹ năng giao tiếp mà còn có cơ hội phát triển năng lực, phẩm chất khác phù hợp với trình độ HS. Nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới... thể hiện hợp lý trong sách. Các thuật ngữ, số liệu, khái niệm đảm bảo chính xác, khách quan, nhất quán, phù hợp với trình độ HS…”.

Biên bản kết luận nhóm chủ biên đã làm việc nghiêm túc, cẩn thận, cầu thị, chỉnh sửa theo sát các kết luận của Hội đồng thẩm định. Kết quả cuối cùng, 15/15 thành viên của Hội đồng thẩm định đều đánh giá sách đạt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm