THI THPT VÀ ĐH-CĐ 2013

Sau kỳ thi vẫn được tố cáo tiêu cực

Ngày 26-2, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư sửa đổi một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013.

Một quy định đáng quan tâm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc xử lý thông tin phản ánh tiêu cực được Quy chế bổ sung thêm điều 42a như sau: Người cung cấp thông tin và bằng chứng về những cá nhân, tổ chức vi phạm quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và chứng cứ đã cung cấp, không được lợi dụng việc đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi. Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận (Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc ban chỉ đạo cấp tỉnh/TP); Thanh tra giáo dục các cấp trong vòng bảy ngày kể từ ngày thi cuối cùng để xử lý; không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất cứ hình thức nào.

Sau kỳ thi vẫn được tố cáo tiêu cực ảnh 1

Kiểm tra phiếu báo danh vào phòng thi THPT năm 2012 tại Hội đồng thi Trường Lê Hồng Phong, TP.HCM. Ảnh: HTD

Quy định như trên làm nhiều người băn khoăn, khi nơi tiếp nhận bằng chứng tiêu cực cụ thể chỉ trong ba đầu mối: Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc ban chỉ đạo cấp tỉnh/TP); Thanh tra giáo dục các cấp liệu có hạn chế việc tố cáo tiêu cực? Thông tư quy định không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất cứ hình thức nào, liệu cơ quan báo chí có được thông tin về các hành vi tiêu cực trong thi cử? Giải thích về quy định này, ông Ngô Kim Khôi - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Quy định về việc thí sinh tố cáo tiêu cực đã mở rộng nơi tiếp nhận thông tin tố cáo. Việc thí sinh phát tán qua trung gian để tố cáo thì chịu trách nhiệm pháp lý về chứng cứ, không coi việc tố cáo qua trung gian là vi phạm mà chỉ khuyến khích tố cáo đúng nơi quy định để không làm nhiễu thông tin. Theo ông Khôi, việc quy định kết thúc kỳ thi mới tố cáo cũng không quá cứng nhắc, thí sinh phát hiện tiêu cực ngay từ môn thi đầu tiên, hay môn thi nào trong suốt quá trình thi cũng có quyền tố cáo với nơi có thẩm quyền như quy định ở trên để chặn đứng tiêu cực.

Quy chế cũng bổ sung thêm điều 25a về khâu chấm thanh tra, chấm thẩm định như sau: Mỗi hội đồng thi có một tổ chấm kiểm tra bài tự luận, độc lập với tổ chấm thi. Tổ chấm này có nhiệm vụ thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi tự luận.

Ngày 30-10 kết thúc việc xét tuyển

Trên cơ sở điểm sàn do Bộ GD&ĐT công bố, chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, thời gian xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày tính từ ngày thông báo xét tuyển...

Khu vực khó khăn: Được tuyển thấp hơn sàn 1 điểm

Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, học ba năm và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này (trừ những thí sinh đã được xét tuyển thẳng) với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1,0 điểm và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Quy định này được áp dụng nhiều năm trước đây và đã bãi bỏ trong năm 2012 giờ được tái áp dụng.

(Theo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2013 của Bộ GD&ĐT)

Thí sinh chỉ được phép mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, thước kẻ, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ cắm thêm vào và không có chức năng soạn thảo văn bản, Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý (do NXBGD ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ thông tin gì), các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị khác.

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm