Sửa thầy trước sửa sách

Gần 50 nhà nghiên cứu giáo dục, nhà quản lý giáo dục, hiệu trưởng các trường THPT đã có buổi chuẩn bị cho cuộc “đại phẫu” nền giáo dục phổ thông hiện nay tại Hội thảo Giáo dục phổ thông trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện, tổ chức ngày 29-3 tại TP.HCM.

“Đã đến lúc chúng ta phải rà soát cơ bản, tổng thể nền giáo dục phổ thông để biết ta cần đổi mới cái gì, xác định nội dung, chương trình, phương pháp mới và đặc biệt chú ý cải cách sư phạm, để đào tạo đội ngũ sư phạm vững mạnh, kế thừa. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có chương trình hành động quyết liệt vì đã quá chậm trễ rồi” - bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, phát biểu tại hội thảo.

Chất lượng giáo dục phổ thông: Quá kém!

TS Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP, phân tích: Rõ ràng công tác phân luồng, đào tạo nghề của ta chưa tốt. Học sinh học xong lớp 12 nhận thức rằng chỉ có con đường vào đại học mới có việc làm mà thực tế các trường ĐH-CĐ cũng chỉ tiếp nhận 20%-30% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Hiện nay, chúng ta đang mất cân đối nguồn nhân lực, các khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ cần lao động học xong THPT là có thể đi làm được. Còn chất lượng giáo dục phổ thông của ta hiện nay học sinh học xong THPT không biết làm gì, kỹ năng xã hội thì rất hạn chế, muốn tuyển dụng doanh nghiệp phải đào tạo thêm. “Để đổi mới căn cơ và toàn diện giáo dục phổ thông, ngay bây giờ chúng ta xem lại đầu ra sản phẩm giáo dục phổ thông để truy nguyên lại phương thức đào tạo để chỉnh sửa” - TS Thành đề xuất.

Sửa thầy trước sửa sách ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trao đổi với lãnh đạo TP.HCM về tình hình giáo dục phổ thông hiện nay vào sáng 29-3. Ảnh: QV

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bình và cộng sự, nêu: “Hiện tại, hệ thống giáo dục của ta không liên thông giữa các cấp học, không thực hiện hướng nghiệp và phân luồng từ cấp học phổ thông, học sinh chỉ có một con đường tiến thân duy nhất là vào ĐH, CĐ. Hằng năm phần lớn trong số 80% học sinh tốt nghiệp THPT không đậu vào các trường ĐH-CĐ chỉ còn cách là đợi kỳ thi năm sau hoặc vào học trung học chuyên nghiệp vốn thiết kế cho học sinh THCS. Về cơ cấu, cả nước có 311 trường ĐH-CĐ, chỉ có 292 trường trung cấp chuyên nghiệp và số trường dạy nghề còn ít hơn nữa, chỉ có 262 trường.

Học nhiều nhưng ra đời thì ngơ ngác

TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng: Chúng ta quá chú ý đến đổi mới sách giáo khoa mà không đổi mới phương pháp giảng dạy, ông thầy có vận dụng linh hoạt từ quyển sách ấy không. Năm 2015 tới, có chủ trương thay sách nữa, e rằng sẽ không đổi mới được gì nếu không chú ý đổi mới… ông thầy!

Một góc nhìn khác, PGS-TS Trần Kiều cho rằng giáo dục phổ thông là bộ mặt dân trí của đất nước, cần đổi mới hệ thống giáo dục theo xu hướng hiện đại nhưng nên tránh các nguy cơ học quá nhiều. Học nhiều thứ, nhiều kiến thức nhưng khi ra đời thì ngơ ngác trước cuộc sống, học nhiều bằng cấp nhưng sử dụng không được trong thực tế. Còn bà Nguyễn Thị Bình và cộng sự chỉ ra thực tế của bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi phải có chiến lược hợp tác quốc tế tích cực và mạnh mẽ về giáo dục để tranh thủ tiếp nhận thành quả khoa học, công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các nước phát triển, đồng thời giữ vững chủ quyền quốc gia và bản sắc dân tộc trong giáo dục. Nhưng điều này chưa được những nhà thực thi chính sách, đường lối giáo dục quan tâm nên đã có sự “hội nhập tràn lan, tùy tiện”, gây thiệt hại cho người học và ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của đất nước.

Mô hình trường phổ thông lý tưởng 10-15 năm tới

Trường phổ thông phải đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ lứa tuổi thiếu niên và vị thành niên. Trong vài thập niên gần đây nhiều công trình nghiên cứu cho thấy có sự gia tốc về sự phát triển tâm-sinh lý ở trẻ em. Do đó, việc tổ chức giáo dục ở nhà trường phải tính đến quy luật này. Các phẩm chất nhân cách cũng như năng lực trí tuệ, kỹ năng định hình ở học sinh phải khác nhau về mức độ, số lượng và tính chất tùy theo lứa tuổi, tức là tùy theo lớp học, cấp học.

Mô hình mong muốn của trường phổ thông Việt Nam 10-15 năm tới là việc dạy hướng đến học suốt đời. Chương trình giáo dục chú trọng năng lực cá nhân. Nhà trường tổ chức đa dạng, tự chủ, canh tân và sáng tạo trong dạy và học. Nhà giáo là người dẫn dắt tới các nguồn tri thức. Quan hệ gia đình-nhà trường-xã hội sinh động, thực chất. Việc đánh giá nhằm trước hết vào định hướng học tập.

TS Khoa học PHẠM ĐỖ NHẬT TIẾN, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm