'Thầy giáo công nhân' 59 tuổi trở thành tiến sĩ đạt giải thưởng Võ Trường Toản

Tại buổi lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ 15 và giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 24 năm 2021, thầy giáo Trần Tiến Đức (Giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX quận 11) đã chia sẻ về hành trình từ chàng công nhân đến Tiến sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học Kỹ thuật. 

Trước khi gắn bó với nghề giáo, thầy Đức từng là học viên trường Trung học Kỹ thuật công nghiệp TP.HCM. Thời điểm đó, thầy Đức làm việc như một công nhân trong cả 3 ca sáng chiều tối. Thầy nhớ trong lớp có một người công nhân rất giỏi, sửa thiết bị rất hay, ai cũng gọi là thầy. Từ đó, thầy đã ước mơ trở thành giáo viên.

Thầy Trần Tiến Đức (Giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX quận 11) chia sẻ về sự nghiệp 35 năm trồng người. Ảnh: KHÁNH CHI

Có động lực mạnh mẽ, chàng công nhân quyết tâm ôn tập và thi đậu trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, thầy về dạy tại huyện Củ Chi trong ba năm và chuyển về dạy Toán tại trường Bổ túc Văn hóa quận 11 (nay là Trung tâm GDNN - GDTX quận 11).

Quen với cách làm sáng chiều tối, thầy tiếp tục đăng ký làm việc tại nhà máy vào ca ban ngày, ban đêm đi dạy. Trong qua trình đó, thầy cũng tốt nghiệp cử nhân khoa học Toán, Kỹ sư cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa và cử nhân chuyên ngành Toán ĐH Sư phạm TP.HCM.

Thầy Đức nhớ lại: "Học Toán khó, có môn phải thi lại 3 lần mới đậu nhưng tôi không nản lòng. Cho đến khi học Tiến sĩ, tôi vẫn dạy Toán vào các buổi tối từ thứ hai đến thứ sáu, ban ngày đi làm đến sáng thứ bảy và tranh thủ những ngày cuối tuần để học". 

Có lần, một HS bày tỏ không thể tiếp tục học vì công việc bán hàng rong cực khổ, thầy Đức liền kể về thời gian đạp xe bán bánh tráng giúp mẹ nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình để làm động lực cho HS. Từ đó, HS này bắt đầu tích cực học tập hơn. Sau 35 truyền thụ kiến thức, nhiều học trò của thầy trở thành sinh viên của các trường top đầu như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế... 

Hiện tại, khi đang giảng dạy trực tuyến, thầy Đức cho biết không hề gặp khó khăn khi tiếp cận công nghệ dù tuổi đã cao. "Chỉ khó ở chỗ không nhìn được tất cả các em. Còn việc làm quen với các ứng dụng thì rất dễ vì tôi là dân kỹ thuật. Chỉ cần được hướng dẫn qua là tôi hiểu ngay, tôi còn thấy nó đơn giản hơn việc lập trình gia công trong kỹ thuật" - thầy cười. 

Nhận được giải thưởng Võ Trường Toản ngay một ngày trước khi về hưu, thầy vui mừng vì: "Đó là món quà tới vừa kịp lúc kết thúc 35 năm đi dạy và hoàn thành học vị cuối cùng - Tiến sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học Kỹ thuật".   

Tại buổi lễ, Sở GD&ĐT TP.HCM đã trao giải cho 15 nhà giáo được phong tặng danh hiêu Nhà giáo ưu tú và 50 nhà giáo đạt giải thưởng giải thưởng Võ Trường Toản. 

Niềm vui của giáo viên nhận giải thưởng Võ Trường Toản. Ảnh: KHÁNH CHI

15 nhà giáo được phong tặng danh hiêu Nhà giáo ưu tú và 50 nhà giáo đạt giải thưởng Võ Trường Toản. Ảnh: KHÁNH CHI

Đầu tư cho giáo viên là yếu tố quyết định tương lai dân tộc

Phát biểu tại buổi trao giải, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến quý thầy cô giáo, cán bộ công tác trong ngành giáo dục và mong thầy cô luôn vững vàng trong sự nghiệp trồng người vẻ vang. 

"Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, tạo động lực then chốt cho sự phát triển. Vì vậy, tạo điều kiện để đội ngũ thầy cô giáo an tâm công tác, có cơ hội thuận lợi nhất để phát triển, học tập, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ là yếu tố quyết định không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn là tương lai của thành phố, của dân tộc" - ông Đức nhấn mạnh. 

'Thầy giáo công nhân' 59 tuổi trở thành tiến sĩ đạt giải thưởng Võ Trường Toản ảnh 4
 Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi trao giải. Ảnh: KHÁNH CHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm