Thầy giáo duy nhất ở đảo Bé

Đảo Bé thuộc xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hòn đảo này nằm biệt lập đất liền. Cuộc sống của hơn 300 cư dân trên đảo Bé luôn thấp thỏm trong cảnh: Mùa nắng thiếu nước, mùa mưa thiếu gạo vì đường tiếp tế bằng đường biển bị cắt đứt hoàn toàn. Sống trên đảo Bé, nỗi khó khăn vô cùng đã tạo ra cho thầy Kính một sự nỗ lực hơn người thường.

Thầy giáo Robinson

39 tuổi, dáng người gầy gò, nước da sạm đen của một cư dân miền biển chính cống. Nhưng nỗi khổ cũng không làm cho nụ cười trên khuôn mặt người thầy giáo này thiếu đi sự tươi trẻ và rạng rỡ khi nói về những ngày làm thầy giáo như một Robinson trên hoang đảo.

Trước đổi mới, chủ trương đưa dân đi kinh tế được đưa qua hòn đảo heo hút giữa biển này. Vậy là người người, nhà nhà gồng gánh nhau lên các tỉnh miền núi. Đảo Bé vốn nghèo, nay càng thêm cô quạnh như một hoang đảo. Nhà dân đóng cửa im ỉm, cả ngày không nghe tiếng người. Nhìn trước nhìn sau chỉ còn sót lại tám hộ dân. Không có tàu thuyền qua lại, cầu nối duy nhất của đảo Bé với cộng đồng là chiếc thúng còng lưng chèo ròng rã 90 phút qua đảo Lớn.

Thầy giáo duy nhất ở đảo Bé ảnh 1

Đảo Bé mịt mù trong sóng biển. Ảnh: VC

Ông Đặng Linh Đăng, cha của thầy Kính, động viên cậu con trai nước da đen nhẻm, đầu tóc vàng hoe vì suốt ngày ngụp lặn ngoài biển, chưa từng thấy chiếc ôtô: “Nếu con không dạy cho mấy đứa nhỏ, sau này tụi nó như người lặn dưới nước, không ngóc đầu lên được”.

Cả năm trời không gặp mặt người dân đất liền, điện, tivi, đài… không có. Vậy mà bây giờ phải cầm vở, nghe thầy giảng cái chữ nghe lạ lắm. Hằng ngày đi lặn, bắt cá, hái rong dễ hơn chuyện học. Ngày khai giảng đầu tiên, các bậc cha mẹ dẫn đám nhóc đến giao cho thầy Kính. Điểm danh tổng cộng có 15 học sinh. Đến trường mà chẳng có một cuốn sách giáo khoa, vở cũng không có, mũ, dép cũng không. Trông đứa nào cũng hiền lành và tội nghiệp.

Vậy là bắt đầu khai giảng lớp học. Đối với môn địa lý, do không có quả địa cầu và bản đồ, các em học sinh cứ phải giương mắt cùng thầy tưởng tượng quả địa cầu tròn tròn, dẹp dẹp như một củ hành trồng ở đảo Bé. Chỉ có điều khác biệt - đó là quả địa cầu thì không có… cuống.

Ngày dạy ba ca, không có ai trả lương. Thế nhưng thầy Kính vẫn say mê với nỗi niềm của một người thầy nơi hoang đảo.  

Làm thầu, thợ

Năm 1990, hoang đảo đã qua thời vắng vẻ khi người dân ở vùng kinh tế mới tay bế, tay bồng lục đục kéo nhau quay về. Hoang đảo đã bắt đầu có tiếng nói xen lẫn bước chân người, sĩ số lớp học tăng lên 49 em. Sau tám năm giảng dạy, thầy Kính bắt đầu nhận được phụ cấp ngoài biên chế 80.000 đồng/tháng.

Thầy giáo duy nhất ở đảo Bé ảnh 2

Ngôi nhà khang trang được thầy xây dựng trong hai năm. Ảnh: VC

Đảo Bé không có nước, mỗi nhà đều xây dựng một hồ để tích trữ nước mưa. Và chính những ngày ròng rã cầm bay đi xây hồ cho các hộ dân trên đảo, thầy Kính đã có con mắt của một ông thợ. Bà Bùi Thị Một chỉ vào hồ nước ngọt trước nhà xác nhận - thầy Kính xây đó, mười mấy năm rồi nhưng cái hồ này chưa từng bị rỉ nước. Tường gạch xây thẳng băng.

Thợ xây nhà phải mời từ đảo Lớn sang. Vậy thì cứ mạnh dạn xây nhà, giá cả hữu nghị với bà con mình - đắn đo điều này, thầy Kính quyết định khởi công công trình nhà ở vào thời gian nghỉ hè.

Năm 2002, ngôi nhà có diện tích 60 m2 của ông Lê Đại được tiến hành thi công. Mỗi ngôi nhà xây dựng thường phải có một đội quân: chủ thầu, thợ chính, thợ phụ. Thế nhưng ngôi nhà ông Đại do một tay thầy vừa làm thầu, vừa làm thợ, vừa làm phụ. Người nhà thỉnh thoảng phụ họa thêm ít công. Hết giờ dạy lại đến cầm bay. Sáu tháng ròng rã, ngôi nhà được xây dựng hoàn thành.

Xây nhà ở đảo Bé có gì khác so với đất liền? Thấy Kính phân tích: Nước ngọt trên đảo không có dư để mà tắm giặt, chính vì vậy xây nhà cũng phải tiết kiệm. Ví dụ trộn hồ thì bên dưới phải lót bằng tấm bạt cho đỡ tốn nước. Thi công vào mùa mưa, nước ngọt thừa nhưng việc thi công vẫn phải ngừng do không có tàu chở vật liệu qua.

Cưới vợ, sinh con nhưng cuộc sống vẫn phải cơ cực trong cảnh nắng rọi, mưa dột xuống túp lều dột nát. Năm 2008, thầy Kính bàn với vợ: “Đời mình nhà lá với 12 tấm tôn, đời con ráng cho nó ở nhà xây”. Vậy là đi vay ngân hàng và quỹ của đoàn thanh niên để khởi công xây dựng nhà.

Một sự cần cù hiếm thấy - ngôi nhà của thầy do chính một mình thầy cầm bay xây ròng rã hai năm trời từ năm 2008 đến 2009. Chị Võ Thị Tươi - vợ thầy Kính nhớ lại: Hồi đó không còn gọi là vợ chồng nữa, coi như thợ chính, thợ phụ. Mình cứ đứng dưới, ổng trên mái nhà, khi cần cái gì thì mình ném lên.

Sức lực vắt kiệt, cuối cùng ngôi nhà với kiểu dáng đẹp mắt nhất đảo Bé cũng hoàn thành. Ngày về nhà mới, trời nổi bão cô lập hòn đảo, vậy là chỉ có bà con đảo Bé quây quần, còn bên đảo Lớn chỉ biết đứng nhìn sang.

Thầy giáo duy nhất ở đảo Bé ảnh 3

Nhạc sĩ và ca sĩ bén duyên. Ảnh: VC

“Nhạc sĩ đảo Bé”

Hết giờ làm việc, thầy Kính thoăn thoắt vác câu ra biển, chỉ một thoáng đã mang về một xâu cá tươi rói. Thỉnh thoảng, thanh niên tụ tập về đông, thầy lại trở thành cầu đập trên lưới bóng chuyền. Nhưng đó cũng chỉ là những tài lẻ. Với tay tháo cây đàn ghita trên tường, năm ngón tay thầy lướt trên phím phừng phừng.

Ở đảo Bé buồn nhất là mùa mưa - sự biệt lập hoàn toàn với đất liền. Vậy là thầy Kính tổ chức ban nhạc theo kiểu đảo Bé. Không có điện, mấy cái bình ắcquy được huy động, đấu nối vào amply. Chiếc micro được gắn vào hông, bên cạnh cây đàn ghita. Tiếng đàn phừng phừng, âm thanh đủ nghe cả đảo. Nam nữ thanh niên nghe ngóng rồi kéo tới chia vui cả ngày. Cả đời, chưa một lần được hát với tiếng đàn, chính vì vậy, già trẻ cũng cố gắng hát, cố gắng vỗ tay. Nỗi buồn của hòn đảo cô đơn từ đó trôi đi.

Nhạc sĩ rốt cuộc rồi ưng ca sĩ luôn - một thanh niên cho biết chuyện đời tư của thầy Kính. Thời mới mở lớp học, cô học trò Võ Thị Tươi ngồi trong lớp thẹn thùng đỏ mặt nhìn ông thầy giáo mà nếu rong chơi ngoài bãi biển thì chỉ là bạn bè vì chỉ cách nhau vài tuổi. Nhưng vô lớp thì chị cứ phải gọi thầy răm rắp.

Giờ được gặp thầy trong những buổi văn nghệ, chị Tươi cười rất tươi khi được bạn bè khen là ca sĩ số một của đảo Bé. Đảo Bé nhìn trước nhìn sau toàn là dừa với cây máu rồng trụ trên cát bỏng, vây quanh mỗi ngôi nhà là ruộng hành như bàn cờ. Vậy nhưng chị Tươi vẫn đủng đỉnh ca bài hát ưng ý nhất: “Nhà em có hoa vàng trước ngõ, tường thật là cao, có dây leo kín rào…”. Vậy là ca sĩ và nhạc sĩ bén duyên.

Thầy giáo vào đại học

Đảo Bé, vì quá bé nên đời tư của mọi cư dân đều được cả cộng đồng hiểu rõ. Thế nên khi hỏi về thầy Kính, một ông già ngẩng mặt cười lớn: “Đảo Bé mà thiếu thầy Kính thì buồn lắm. Chú biết hông, đó là ông thầy, ông thợ rồi ông nhạc sĩ nữa”.

Sau tám năm dạy không lương cho học trò, thầy Kính được vào Trường ĐH Phạm Văn Đồng để học đại học sư phạm. Thầy tâm sự: Tám năm đứng lớp tự nguyện nhưng thầy vẫn không được tính vào thời gian công tác trong ngành.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm