Thi ĐH, CĐ đợt 2: Tăng cường chống gian lận thi cử

Đây là đợt thi có nhiều môn xã hội, vì vậy các hội đồng tuyển sinh rất chú trọng đến công tác chống gian lận và tiêu cực trong thi cử.

Ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM trong buổi làm thủ tục dự thi sáng 8-7, sau khi nhận diện thí sinh với thẻ dự thi, kiểm tra CMND, bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, hầu hết các trường đều dành phần lớn thời gian để phổ biến quy chế thi đến thí sinh; đặc biệt nhấn mạnh không mang điện thoại, tài liệu và thiết bị công nghệ cao vào phòng thi.

Camera trong phòng thi

GS-TS Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Tuệ Tĩnh (Hà Nội), cho biết nhà trường đã tăng cường nhiều biện pháp kiểm tra gắt gao để phát hiện, loại bỏ thí sinh thi kèm, thi hộ. Nếu nghi vấn thi hộ, thi kèm thì yêu cầu thí sinh viết cam đoan, đồng thời đưa xuống phòng chụp ảnh và lưu lại ảnh thí sinh. Nếu thí sinh trúng tuyển sẽ so sánh với thí sinh lưu ảnh. “Đặc biệt, tại 37 phòng thi đặt tại trường còn lắp đặt hệ thống camera được mở thường xuyên, truyền từ các phòng thi về phòng khảo thí và sảnh tầng một. Ngoài giám thị còn có sự giám sát của rất nhiều thành viên của phòng khảo thí” - ông Bình nói.

Hàng trăm thí sinh đang chờ chỉnh sửa giấy báo thi tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: HUYỀN VI

Ông Bình cho biết để tránh trường hợp thí sinh mang tai nghe kết nối bluetooth vào phòng thi, nhà trường yêu cầu tất cả thí sinh nữ phải búi tóc cao, thí sinh nam để tóc dài che tai thì cũng được chú ý đặc biệt nếu có biểu hiện lạ. Thí sinh có biểu hiện bất thường giám thị phải lập tức báo cáo với hội đồng thi để xử lý.

Cấm thiết bị lạ vào phòng thi

TS Nguyễn Văn Hiền, Ban Chỉ đạo Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết thiết bị công nghệ cao hết sức đa dạng, có những thiết bị chưa cập nhật được, vì vậy ngoài những thiết bị được mang vào theo quy định, tất cả số còn lại đều bị cấm. Cũng theo TS Hiền, ngoài được nhà trường tập huấn, giám thị còn được cán bộ an ninh đến tập huấn để phát hiện thí sinh gian lận. “Chúng tôi nhắc giám thị ba bước lưu ý trong quá trình coi thi. Nếu thấy thí sinh có những khả nghi phải quan sát kỹ hơn; nếu có những dấu hiệu bất thường thì đến gần xem lại giấy tờ, đối chiếu lại thông tin và cuối cùng là báo bộ phận chuyên môn để mời bên công an vào cuộc” - ông Hiền nói rõ. Tuy nhiên, nguyên tắc chung vẫn là nhắc nhở, cảnh báo sớm các thí sinh; không gây căng thẳng, đảm bảo thí sinh thi được thuận lợi nhất.

Theo PGS-TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí tuyên truyền (Hà Nội), quan điểm chung là quán triệt, tập huấn giáo viên, giám thị coi thi hết sức nghiêm túc, đầy trách nhiệm, coi đây là việc hệ trọng không chỉ đảm bảo chất lượng đầu vào mà còn đảm bảo công bằng xã hội. “Có những chế tài với những trường hợp lơ là, thiếu trách nhiệm, tiếp tay cho tiêu cực. Những trường hợp vi phạm kể cả thí sinh và giám thị cũng sẽ xử lý nghiêm” - ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cũng cho biết ở mỗi điểm thi của Học viện sẽ có một cán bộ Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) - Bộ Công an để kiểm tra các thiết bị xem có phù hợp không.

HUY HÀ

Vẫn nhiều sai sót trong ngày làm thủ tục

Tại TP.HCM, theo ghi nhận của PV, sai sót trong hồ sơ dự thi ĐH của thí sinh trong đợt 2 nhiều hơn gấp nhiều lần so với đợt 1. Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có hàng trăm thí sinh tập trung ở hành lang để chờ điều chỉnh hồ sơ. Những sai sót phổ biến là mã ngành, đối tượng ưu tiên, sai tên, ngày tháng năm sinh… Do hồ sơ sai sót nhiều khiến việc điều chỉnh tại đây khá lộn xộn, lực lượng tình nguyện viên phải dùng loa để thông báo, đọc tên từng thí sinh đến bàn làm thủ tục điều chỉnh. Đến 11 giờ trưa qua, các sai sót mới được điều chỉnh xong. Ông Lê Ngọc Tứ, Ủy viên Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Những sai sót trên chủ yếu do các trường THPT và Sở GD&ĐT các địa phương nhập liệu bị sai”. Tương tự, tại ĐH KHXH&NV TP.HCM, thí sinh tập trung ở phòng đào tạo khá đông để điều chỉnh những sai sót, cá biệt có thí sinh không nhận được giấy báo thi.

Tại TP Cần Thơ, báo cáo nhanh của Hội đồng tuyển sinh Cụm thi Cần Thơ cho thấy đợt 2 có 359 trường hợp chỉnh sửa hồ sơ, trong đó chỉnh sửa về khu vực ưu tiên có 157 hồ sơ, đối tượng ưu tiên 88 hồ sơ, hộ khẩu 72. Theo ghi nhận của PV, đầu giờ chiều 8-7, mặc dù trời mưa nhưng nhiều thí sinh vẫn lặn lội đến trường để điều chỉnh giấy báo dự thi. Nhiều thí sinh cho biết lần đầu thi trường khác được xác định khu vực (KV) ưu tiên là KV1 (được cộng 1,5 điểm) nhưng lần này chỉ được xác nhận là KV2-NT (0,5 điểm).

Tại TP Đà Nẵng, trong ngày có nhiều thí sinh kịp thời điều chỉnh sai sót trên giấy báo dự thi. Trong đó có trường hợp thí sinh Nguyễn Thị Xuân Hạ (ngụ Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vẫn chưa có giấy báo dự thi. Hạ có nguyện vọng học ngành sư phạm mầm non - Trường ĐH Phạm Văn Đồng nhưng trường này không tổ chức thi nên nộp hồ sơ thi nhờ ở ĐH Đà Nẵng bằng đường bưu điện. Tuy nhiên, Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng không nhận được hồ sơ của thí sinh này. Để tạo điều kiện cho thí sinh, hội đồng tuyển sinh đã bổ sung danh sách dự thi cho Hạ.

 Tại TP Huế, ĐH Huế cho biết trong ngày đã có gần 100 thí sinh đến điều chỉnh những sai sót về họ tên, đối tượng, hộ khẩu thường trú, khu vực tuyển sinh…

P.ĐIỀN - N.NAM - T.TÀI - V.LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm