Thi tốt nghiệp THPT 2020: Bài thi tổ hợp vẫn giữ 3 đầu điểm

Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vào chiều 27-4 về phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ điều chỉnh lại bài thi tổ hợp, nâng thời gian thi lên như những năm trước, vẫn công bố điểm môn thi thành phần.

Đại diện Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng cho rằng phương án công bố một đầu điểm cho bài thi tổ hợp là giải pháp căn cơ để tránh tình trạng học lệch. Tuy nhiên, do kỳ thi năm nay quá gấp nên bộ cần xem xét phương án tiếp tục công bố các điểm môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.

Việc công bố một đầu điểm bài thi tổ hợp có thể thực hiện từ kỳ thi năm sau để các trường đại học, cao đẳng có thời gian chuẩn bị phương án tuyển sinh mới.

Về vấn đề này, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương nhận xét, lộ trình đổi mới thi cử, đổi mới đại học dù năm nào cũng có tranh luận nhưng đang đi đúng hướng.

Năm nay, phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng cơ bản là tốt nhưng có hai điểm cần bàn. Thứ nhất, việc công bố một đầu điểm cho bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội sẽ gây khó cho học sinh vốn học, ôn thi theo môn từ đầu năm. Các trường đại học, cao đẳng sẽ rất gấp để chuẩn bị phương án tuyển sinh theo cách công bố mới với điểm của bài thi tổ hợp…

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết về lâu dài, việc công bố một đầu điểm cho bài thi tổ hợp là tránh tình trạng học lệch, học tủ. Tuy nhiên, qua ý kiến của xã hội, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng, Ban Tuyên giáo Trung ương… Bộ sẽ tiếp thu, điều chỉnh lại bài thi tổ hợp, nâng thời gian thi lên như những năm trước, vẫn công bố điểm môn thi thành phần.

Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định độ phân hóa của đề thi năm nay giảm bớt những câu hỏi đánh đố nhưng vẫn đảm bảo xếp loại được học sinh trung bình, khá, giỏi, xuất sắc và điểm thi vẫn chênh đến 0,25 điểm. Những câu hỏi mang tính đánh đố vốn chỉ phục vụ yêu cầu phân hóa của một số ít trường ở tốp trên thường có mức điểm tuyển sinh rất cao, có thể đến 29-30 điểm.

Cạnh đó, các trường có quyền tuyển sinh dựa trên điểm học bạ, năng khiếu, điểm thi tốt nghiệp… như những năm trước, một số ít trường có các kỳ thi đánh giá năng lực. Tôn trọng quyền tự chủ của các trường, Bộ nhấn mạnh tinh thần các trường chỉ tổ chức những kỳ thi thêm nếu thật cần thiết, không làm khó học sinh.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện, sớm ban hành quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng vào đầu tháng 5-2020. Ngoài ra, cần sớm công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT để học sinh, phụ huynh, giáo viên yên tâm, không gây xáo trộn việc học tập, ôn thi của học sinh. Bảo đảm kỳ thi trung thực, an toàn.

Ngày 22-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chấp thuận phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp thay vì thi THPT quốc gia như năm ngoái với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Thí sinh THPT sẽ phải thi ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một bài thi tự chọn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. 

Thí sinh giáo dục thường xuyên phải thi hai bài bắt buộc toán, ngữ văn và một bài thi tự chọn. 

Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020
(PLO)- Bộ GD&ĐT cho biết sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, mục đích là để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm