Thích thú với đề thi có ‘vỡ gương’, ‘hôi của’...

Sau khi kết thúc những môn kiểm tra đầu tiên, nhiều phụ huynh học sinh (HS) tại các trường THCS ở quận 3, TP.HCM tỏ ra thích thú và đánh giá cao khi thấy đề môn giáo dục công dân (GDCD) đề cập đến nhiều sự kiện thời sự như nạn hôi của, thực phẩm bẩn, HS viết giấy xin lỗi vì làm bể kính xe...

Vận dụng thực tế làm bài học lối sống

Được biết đây là năm đầu tiên môn GDCD được tổ chức kiểm tra chung trong toàn quận và do Phòng GD&ĐT quận 3 ra đề. Đề ở mỗi khối lớp đều có năm câu, mỗi câu đều có sự lồng ghép giữa kiến thức và thực tế. Cụ thể như câu 5 trong đề GDCD lớp 7 đưa ra hình ảnh về mẩu giấy ghi lời nhắn xin lỗi và kèm số điện thoại của một nam sinh lớp 11 ở Hải Phòng sau khi đâm vỡ gương ô tô. Đây là sự việc rất được chú ý thời gian qua trên cộng đồng mạng. Đề còn ghi “Chủ xe không bắt đền mà còn lấy đó làm tấm gương cho con mình”, rồi yêu cầu HS hãy viết đoạn văn (7-10 câu) nêu suy nghĩ của em về bạn HS trên và bản thân em sẽ rèn luyện như thế nào để trở thành người trung thực.

Nói về đề này, em Minh Trí, HS lớp 7 của Trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết em thấy đề rất hay, không chỉ có lý thuyết mà còn có cả tình huống để HS làm bài.

“Khi đọc đề em không nghĩ đó là câu chuyện thật nhưng thi xong, em về kể với mẹ thì mới biết đó là chuyện có thật. Nếu em là anh HS đó thì cũng không nghĩ ra là phải viết giấy xin lỗi nhưng chắc em sẽ đứng chờ họ để xin lỗi vì mình làm hư đồ của họ mà” - em Trí nói.

Tương tự, đề GDCD ở khối 9 đề cập đến vấn đề thực phẩm bẩn và nạn hôi của xảy ra tại Quy Nhơn ngày 1-1-2016 trên quốc lộ 1D. Đề yêu cầu HS viết đoạn văn khuyên những người dân không nên hôi của khi người khác gặp nạn, nên sống tình nghĩa, yêu thương nhau.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM trao đổi bài thi học kỳ sau khi làm bài. (Ảnh chụp ngày 13-12) Ảnh: HTD

Chị Đặng Kim Thúy, phụ huynh có con học lớp 9 tại Trường THCS Colette, kể: “Tôi cũng không biết vụ hôi của ở Bình Định nhưng khi nghe con nói nhiều lần cũng bị ảnh hưởng theo. Chính tôi cũng cùng con trao đổi để biết đúng sai thế nào. Đáng lẽ cách ra đề này phải được áp dụng lâu rồi vì lâu nay các em chỉ biết lý thuyết, học thuộc lòng mà không biết gì về thực tế cả” - chị Thúy nói.

Nhận xét những đề kiểm tra này, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, nhóm trưởng môn GDCD của Trường THCS Lê Quý Đôn, cho hay nội dung đề năm nay giúp các em gắn kết giữa lý thuyết và thực tế. Các em biết cách vận dụng kiến thức thực tế đó vào bài học hoặc ứng dụng vào trải nghiệm cuộc sống. Cách ra đề này tạo hứng thú nên HS làm bài có đầu tư và chú tâm hơn, tránh được sự nhàm chán và máy móc như lâu nay.

“Cách làm này sẽ hướng bộ môn GDCD theo đúng mục đích giáo dục kỹ năng sống cho các em. Qua đó hình thành cho các em kỹ năng ứng xử và xử lý tình huống trong cuộc sống cho phù hợp” - cô Hà nói.

Đề văn nóng với bài hát Ông bà anh

Đề môn ngữ văn lớp 12 của Trường THPT Trường Chinh (quận Tân Bình) ngày 12-12 đã gây không ít bất ngờ cho phụ huynh HS khi sử dụng nguyên lời bài hát Ông bà anh của tác giả Lê Thiện Hiếu đã gây “bão” thời gian qua. Cụ thể, ở phần đọc hiểu, đề đã đăng nguyên lời bài hát Ông bà anh và sáu yêu cầu xoay quanh phong cách ngôn ngữ văn bản, biện pháp tu từ... Đề còn yêu cầu các em nêu sự khác nhau về tình yêu giữa hai thế hệ hoặc đề cập đến những hiện tượng trong cuộc sống hiện nay.

Cô Dương Ngọc Yến, tổ trưởng bộ môn văn của trường, cho rằng tổ thường ra đề với những nội dung mà các em chưa từng học và chưa từng thấy để các em tự nắm bắt, tự hiểu ý nghĩa của nó. Nội dung đề lần này là một bài hát rất nổi tiếng và nhiều người rất thích lời bài hát vì nó mang tính giáo dục, nhiều em thuộc và hát nghêu ngao nhưng chưa chắc đã hiểu được.

“Chúng tôi muốn gửi đến các em thông điệp về một tình yêu trong sáng, nhân văn, không vụ lợi, không vật chất để các em có ý thức hơn. HS lớp 12 đã 18 tuổi rồi, các em sắp ra trường để có hướng đi riêng nên rất cần được trang bị những kiến thức này. Hơn nữa, kiểu đề này sẽ giúp HS bớt căng thẳng và có hứng khởi làm bài hơn” - cô Yến nói.

Dùng văn để hướng nghiệp

Đó là phần đọc hiểu của đề ngữ văn lớp 12 ở Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM khi đề ra một đoạn văn là một đoạn bài viết trên báo Tuổi Trẻ nói về hậu quả của việc chọn nghề thụ động của HS. Điều đó khiến các em học nhiều ngành học không phù hợp, không đam mê, không đáp ứng nhu cầu xã hội nên dẫn đến thất bại sau này. Từ đó, ngoài những yêu cầu về kiến thức, đề còn cho các em được bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Qua đó giúp các em hiểu hơn về định hướng nghề nghiệp và chọn nghề phù hợp nhất.

Ở phần làm văn, đề đã đưa ra một nội dung rất nhân văn khi yêu cầu các em viết một đoạn văn nghị luận khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ về hai tiếng “xin lỗi” trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Với cách ra đề này, trường mong muốn hiểu được suy nghĩ của các em và phần nào nhắc nhở, giáo dục thêm cho các em về những vấn đề trong cuộc sống.

Đây là lần đầu tiên trường mạnh dạn cho HS tiếp cận với những vấn đề nhạy cảm nhất, nóng nhất để các em được bày tỏ quan điểm. Do đề ra dạng mở nên cách chấm cũng sẽ mở hơn. Nhà trường đã họp với tổ chuyên môn, giáo viên chấm bài để làm sao có những khoảng mở cho các em diễn đạt và thể hiện quan điểm phù hợp yêu cầu của môn học.

Thầy LƯƠNG VĂN ĐỊNHHiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm