“Thổi” giá theo dự án di dời trường ĐH

“Thổi” giá từ tin đồn

Sau một số năm làm việc cật lực, tích cóp được một khoản tiền vài trăm triệu, vợ chồng anh Nguyễn Văn Trúc hiện đang thuê nhà trong ngõ 442 đường Âu Cơ quyết định đi mua một mảnh đất làm chỗ "cắm dùi". Với giá nhà đất đang tăng chóng mặt như hiện nay, xác định khoản tiền chừng 700 triệu đồng không thể mua nhà ở trong nội thành, hai vợ chồng anh quyết định ra ngoại thành tìm mua.

Được giới thiệu bởi một người bạn cuối năm 2010 đã mua một mảnh đất bên Đông Anh cách quy hoạch chân cầu Nhật Tân chừng 3km với giá 13 triệu đồng/m2, vợ chồng anh quyết định sang khu vực này tìm mua bởi theo tính toán của anh, khi cây cầu Nhật Tân hoàn thành, khoảng cách từ nhà vào nội thành làm việc cũng chẳng còn bao xa.

“Thổi” giá theo dự án di dời trường ĐH ảnh 1
Bất động sản ở nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội cũng đang tăng chóng mặt.

Theo giới thiệu của bạn, mảnh đất chừng 40m2 ở thôn Xuân Canh, xã Xuân Canh đang được rao bán với giá chừng 16 triệu đồng/m2. Sau khi ngắm đi ngắm lại và khá ưng ý với mảnh đất đó, chủ nhà cũng khẳng định đây là đất thổ cư có sổ đỏ đàng hoàng, anh mới hỏi đến giá thì chủ nhà đã "quát" lên 22 triệu đồng/m2. Anh Trúc liền chuyển lời giới thiệu của người bạn với giá 16 triệu/m2, ngay lập tức nhận được câu phản hồi từ gia chủ: "Đấy là giá của tuần trước em ạ. Giá đất ở đây đang tăng lên từng ngày. Nếu em không quyết thì mai sang đây chắc chắn cũng sẽ không có giá đó đâu. Chỉ chậm một tí là cũng chẳng còn đất để mua đâu. Ở khu vực này sắp lên quận Thăng Long, có hàng loạt khu đô thị, trung tâm thương mại được quy hoạch rồi. Đợt này người ta sang mua nhiều lắm, chỉ hở ra cái là có người đến đặt tiền ngay". Với cái giá đó thì không đủ tiền nên anh tưng hửng ra về.

Vừa ra đến ngõ, ngay lập tức anh đã được một tay "cò" đi xe máy Air Blade vè vè bên cạnh. Tay này cũng giới thiệu rất nhiệt tình, đất trong làng là 22 triệu đồng/m2, đất mặt đường là 35 triệu đồng/m2, sổ đỏ đàng hoàng. Muốn biết thêm về đất cát, cũng như giá cả ở khu vực này, anh quyết định theo hắn đến vài ba điểm theo lời giới thiệu của hắn. Những khu đất mà tay "cò" đưa đến hoặc nằm giữa làng, hoặc nằm chơi vơi cạnh bờ đê nhưng đều được giới thiệu rất kỹ lưỡng về việc đã có quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng, rồi trung tâm thương mại, khu đô thị mới… nằm ngay cạnh đó.

Là người luôn theo dõi thông tin trên báo chí nên anh biết hiện giờ quy hoạch chung Thủ đô chưa được phê duyệt và quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng cũng mới chỉ là dự thảo, chưa được phê duyệt nên làm gì đã có chuyện có quy hoạch khu đô thị mới, hay trung tâm thương mại nào ở đây. Tối nhá nhem, ra về mà anh cảm thấy thực sự ngán ngẩm.   

"Ăn theo" chuyện dời trường đại học

Dăm bảy lần đi lại, ngắm nghía, thương lượng, cuối cùng anh Nguyễn Văn Phong (Công ty TNHH Xuân Phong) cũng "chốt" được một mảnh đất ưng ý: Hai mặt thoáng, rộng 50m2, với giá cả phải chăng 3 triệu đồng/m2 tại ngôi làng thuộc xã Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội). Nhưng khi cầm tiền quay lại đặt cọc, anh ngã bổ chửng khi gia chủ hét giá: "7 triệu".

"Chỉ có một tuần, mà giá đã đội lên gấp hơn 2 lần. Chủ nhà nhất quyết không chịu giảm, vì nghe đồn các xã xung quanh như Minh Trí, Minh Phú giá đất trong làng đã lên đến ngưỡng 7 - 10 triệu đồng/m2. Tìm hiểu một số làng xã, giá cả cũng được rao xêm xêm như vậy, vợ chồng tôi đành chấm dứt giấc mộng có chỗ yên thân".

Cũng như anh Phong, anh Nguyễn Văn Hiền (quê Hiệp Hòa, Bắc Giang) tiu nghỉu trở về sau khi nghe điện thoại của một người bàn chuyện đất cát.

Anh đã đặt cọc 40 triệu cho một mảnh đất ở huyện phía Tây Thủ đô này, nhưng gia chủ cứ nằng nặc đòi trả lại tiền. "Lý do trả lại tiền đặt cọc rất không đâu vào đâu. Ông ấy bảo bà vợ nghe xóm giềng bảo giá đất khu này đang lên, phải tăng thêm hai giá nữa, nếu không bà ấy không ký tá gì hết. Nhưng tôi tin rằng đám cò đang lượn vè vè ở đó lại mớm cho ông ta cái giá trên trời thôi".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, giá đất tại các huyện ngoại thành Hà Nội rục rịch tăng từ khoảng một tuần trước, gấp 2-3 lần tùy từng thửa đất so với thời điểm cuối năm ngoái. Giá đất thấp thì cũng khoảng 7 triệu đồng/m2, nhiều nơi có vị trí đẹp ở Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm… được hét từ 25-45 triệu đồng/m2. Việc tăng đột biến giá đất thổ cư này xuất phát từ tin sẽ di chuyển 12 trường đại học, cao đẳng, 25 bệnh viện và 13 viện nghiên cứu từ nội đô ra ngoại thành. Giá đất ở nhiều khu vực của huyện Sóc Sơn tăng nhanh chóng nhất, rầm rộ nhất vì thông tin: 6 trường đại học sẽ đóng trên địa bàn huyện.

Theo đó, bộ mặt vùng đất vốn được giới đầu tư chê "ỏng eo" vì xa trung tâm, cơ sở hạ tầng nghèo nàn này bỗng thay đổi, có giá hơn. Người ta hy vọng rằng sẽ có "siêu lợi nhuận" trong thời gian ngắn nếu nhanh tay "đón đầu" quy hoạch, dồn tiền đầu tư bất động sản tại khu vực này.

Cũng từ thông tin Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sẽ chính thức được phê duyệt vào tháng 3/2011, nhiều Bộ, ngành sẽ chuyển trụ sở về khu vực Mỹ Đình, khiến giá đất khu này cũng tăng lên đột ngột. Giá đất khu vực phía đường Cầu Giấy, Phạm Hùng, Trần Thái Tông… đều tăng so với cuối năm ngoái khoảng 100-150 triệu đồng cho 1m2 đất mặt đường, tức là khoảng 400 triệu đồng/m2. Điều đáng nói là mặc dù được rao bán với giá khá cao, nhưng không có nhiều giao dịch thành công. Người mua thì giật mình với giá quá cao, người bán thì còn dùng dằng chờ giá cao thêm nữa.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, thì những diễn biến nêu trên của thị trường thực chất đang vận hành theo kiểu "tin đồn", "vết dầu loang". Trên cơ sở Đồ án Quy hoạch Thủ đô xác định hướng phát triển về phía Tây, từ lâu đã có nhiều nhà đầu tư tung tiền tích trữ đất ở các khu vực này, đẩy giá đất lên cao. Nhưng giá tăng đột biến vì những thông tin đó trong thời gian ngắn, không loại trừ đó là "hư chiêu", nhằm đẩy giá lên cao của những người đã đầu tư vào khu đất này, để bán thu lợi nhuận.

Cuối tháng 5/2011, sẽ chốt danh sách những trường đại học phải di dời

Vừa qua, Báo CAND đã có loạt bài phản ánh về chủ trương của Chính phủ về di dời một số trường ĐH tại Hà Nội và TP HCM ra ngoại thành. Đây là chủ trương và quyết tâm lớn của Chính phủ, nhằm quy hoạch lâu dài và bền vững mạng lưới các trường ĐH, đồng thời góp phần giải tỏa giao thông trong nội thành… Ngày 11/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nghe các bộ, ngành liên quan báo cáo các phương án quy hoạch, xây dựng và di dời các trường. Phó Thủ tướng chỉ đạo, đây là công việc rất lớn, nhạy cảm đòi hỏi tất cả các bộ, ngành, TP Hà Nội và TP HCM xử lý thận trọng trên cơ sở pháp luật. Quá trình di dời phải đảm bảo đồng bộ về quy hoạch, chính sách và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý với nhà trường…

Tại buổi làm việc, Bộ GD&ĐT đã trình bày dự thảo quy định về các tiêu chí di dời, theo đó có 2 tiêu chí để xem xét như sau: Tiêu chí 1: Diện tích đất/sinh viên quy đổi: đất học tập từ 20-30m2/sinh viên quy đổi; đất KTX: 10-15m2/sinh viên quy đổi; đất phục vụ thể dục thể thao tối thiểu 10m2/sinh viên quy đổi; đất công cộng 5-10m2/sinh viên quy đổi. Tiêu chí 2: Diện tích xây dựng sử dụng/sinh viên quy đổi: bình quân cho 1 sinh viên quy đổi từ 9 - 11m2; trong đó diện tích giảng đường và lớp học/sinh viên phải đảm bảo 1,4m2 - 1,5m2; cơ sở nghiên cứu 1,2m2; thư viện 0,5m2; hành chính quản lý 0,5m2; khu ở và sinh hoạt 3m2-5m2.

Cả 2 tiêu chí trên đều quy định diện tích này được xác định trên cơ sở "thuộc quyền quản lý và sử dụng của nhà trường được pháp luật công nhận, không thuộc phần đất thuê, đất mượn". Áp dụng theo tiêu chí trên, các trường đào tạo ngành công nghệ, kỹ thuật công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải đạt được từ 90% trở lên của tiêu chí 1 thì không thuộc diện di dời. Các trường tại Hà Nội thành lập từ năm 1975 trở về trước và ở TP HCM từ năm 1980 trở về trước, trường đào tạo các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, kinh tế, giáo dục, âm nhạc, luật, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, ngành đặc thù, trường đào tạo năng khiếu và trường y khoa bên cạnh các bệnh viện… cam kết giữ ổn định quy mô hiện đang đào tạo và đáp ứng từ 50% trở lên của tiêu chí 1 và 100% tiêu chí 2 cũng sẽ không thuộc diện di dời. Các trường tại Hà Nội thành lập từ 1975 trở về trước và tại TP HCM từ năm 1980 trở về trước, trường đào tạo ngành công nghệ, kỹ thuật công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải đạt từ 50% đến dưới 90% của tiêu chí 1 và không đạt tiêu chí 2 thuộc diện di dời một phần. Các trường đào tạo ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trường mới thành lập và trường có nhu cầu tiếp tục tăng quy mô không hội đủ trên cả 2 tiêu chí trên sẽ nằm trong diện di dời toàn bộ.

Đối chiếu với 2 tiêu chí trên, tại Hà Nội dự kiến có khoảng 19 trường thuộc diện di dời toàn bộ và 16 trường di dời một phần trên tổng số 62 trường đại học, cao đẳng trong khu vực nội thành hiện nay. Số sinh viên cần di dời khoảng 283.000/478.000 sinh viên. TP HCM dự kiến có khoảng 17 trường di dời toàn bộ và 13 trường di dời một phần trên tổng số 69 trường đại học, cao đẳng trong khu vực nội thành hiện nay. Số sinh viên cần di dời là 170.000/516.000 sinh viên. Bộ Xây dựng cũng công bố tiêu chí lựa chọn địa điểm hình thành khu đại học mới. Theo đó, vị trí địa lý là nơi có điều kiện tự nhiên an toàn, thuận lợi; thời gian đi tới trung tâm thành phố (trong điều kiện bình thường) không quá 60 phút. Quỹ đất mới có khả năng cung cấp và hình thành khu đại học, đáp ứng các tiện nghi phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể lực của sinh viên. Chỉ tiêu đất đai tối thiểu trung bình 65m2/sinh viên; có khả năng cung cấp về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như: giao thông, cấp điện, cấp nước, dịch vụ đô thị và các yếu tố môi trường khác. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các trường di dời toàn bộ thì không được thuê lại hoặc không được giữ lại cơ sở vật chất của trường; phần đất cũ phải bàn giao cho cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, trước 20-3, Bộ GD&ĐT trao đổi kỹ với Bộ Xây dựng và lấy ý kiến của TP Hà Nội, TP HCM về việc xây dựng và ban hành tiêu chí di dời các trường đại học. Trước ngày 30-3, Bộ GD&ĐT và Bộ Xây dựng tham khảo ý kiến của các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và TP HCM. Hà Nội và TP HCM chủ động cung cấp thông tin về quy hoạch mạng lưới đô thị và giao thông trong tương lai, gửi các nhà trường để có cơ sở lựa chọn vị trí cho mình. Trước ngày 15/4, Bộ GD&ĐT, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí di dời các trường đại học. Sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, 2 Bộ sẽ làm việc với từng trường để phân loại và khẩn trương lên các phương án di dời với từng đối tượng cụ thể. Ngày 20/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ chủ trì cuộc họp để tiếp tục nghe báo cáo các phương án triển khai thực hiện đề án này. Cuối tháng 5/2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ chủ trì cuộc họp lần cuối cùng về nội dung nêu trên, sau đó chốt danh sách các trường đủ tiêu chí di dời, từ đó sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

PV


 Theo CAND

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm