Trường khóc - cười khi xóa dạy - học thêm

Tại buổi làm việc của Sở GD&ĐT TP.HCM với Ban Văn hóa-Xã hội của HĐND TP.HCM sáng 31-8, các đại diện nhà trường đều cho rằng sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của TP nhưng đề nghị cần có lộ trình phù hợp để không ảnh hưởng đến việc học của học sinh (HS) và chất lượng giáo dục của trường.

Học thêm vì chương trình quá nặng

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết theo khảo sát của Sở, chỉ có khoảng 1/3 HS đang học thêm. Theo ông, nguyên nhân dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh HS để đáp ứng yêu cầu của thi cử. Đề thi THPT quốc gia hiện nay phân hóa “ác liệt” quá, nặng kiểm tra kiến thức hơn theo hướng phát triển kỹ năng khiến HS buộc phải học thêm. Sĩ số HS hiện nay rất lớn, một giáo viên giỏi cỡ mấy cũng không thể truyền đạt hết kiến thức đến từng em và cho các em tập luyện được.

Ông Hiếu cũng thừa nhận là có nơi dạy thêm xuất phát từ một số tiêu cực như o ép HS... nhưng số này chỉ chiếm khoảng 10%. Thời gian qua Sở cũng đã cùng với các quận, huyện kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (Bình Chánh), cho rằng việc ngưng dạy thêm là rất đột ngột và khiến nhà trường rất buồn. Bởi lẽ trường dạy thêm trong ba năm qua và thực hiện rất tốt, đến nay chưa xảy ra bất kỳ phản ánh tiêu cực nào từ phụ huynh. Đặc biệt trường còn có chế độ để miễn giảm cho các trường hợp khó khăn. Áp lực của các trường hiện nay là phải giải quyết một lượng kiến thức quá lớn. Điểm đầu vào lớp 10 của trường rất thấp nhưng vẫn phải dạy chung một chương trình sách giáo khoa và thi cử. Vì thế để có được đầu ra tốt cho các em là một bài toán rất khó cho nhà trường.

“Những khó khăn đó chúng tôi chưa bao giờ than thở vì còn trách nhiệm với HS nên phải cố gắng. Thậm chí có giáo viên xin thêm giờ dạy miễn phí cho HS để làm sao các em học được hết kiến thức” - bà Chương tâm tư.

Các hiệu trưởng THPT bày tỏ ý kiến tại buổi làm việc về việc ngưng dạy thêm, học thêm trong nhà trường sáng 31-8. Ảnh: P.ANH

Ông Nguyễn Thanh Tòng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Minh Xuân (Bình Chánh), cũng cho rằng HS đi học thêm bên ngoài do thi cử còn nhiều bất cập. “Như đề thi môn toán trong THPT quốc gia vừa rồi, nếu HS học giỏi và học ngày học đêm mà không đi học thêm thì tối đa chỉ đạt 7 điểm. Đây lại là kỳ thi hai trong một, các em không chỉ lo tốt nghiệp mà còn lo xét ĐH nữa. Nếu như trước đây hai kỳ thi này tách riêng thì nhà trường chỉ có trách nhiệm làm sao để các em có thể đậu tốt nghiệp thôi nhưng nay lại khác, nhà trường không thể nói với HS rằng trường chỉ dạy đến đó thôi mà phải dạy hết sức cho các em” - ông Tòng lý giải.

Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, lo lắng nếu ngưng dạy thêm, học thêm mà vẫn giữ cách thi cử như thế này thì chắc chắn giáo dục TP sẽ đi xuống. Nếu cái gốc là chương trình và thi cử không thay đổi thì nhu cầu học thêm vẫn còn tồn tại.

Cần có lộ trình phù hợp

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc ngưng dạy thêm là chủ trương đúng và cần thiết nhưng phải được thực hiện một cách đồng bộ với các việc như đổi mới chương trình, đổi mới kiểm tra, đánh giá và làm sao đảm bảo việc học hai buổi/ngày. Theo bà Hồng Chương, tiêu cực trong dạy thêm có nhưng rất ít, chúng ta phải nhìn vào thực tế của vấn đề và những mặt tích cực của nó để có những giải pháp phù hợp.

Nhiều đại biểu cho rằng Sở đã rất quyết liệt trong việc chấm dứt dạy thêm, học thêm nhưng chuyện đuổi việc giáo viên nếu vi phạm cần phải được xem xét kỹ càng. Cần có lộ trình để thực hiện, tuyên truyền rộng rãi, tìm hiểu ngọn ngành khi phát hiện vi phạm và tùy từng trường hợp để có cách xử lý khéo léo, tránh gây tổn thương cho đội ngũ nhà giáo.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, thừa nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, để chấm dứt được những tiêu cực trong đó buộc phải có những biện pháp mạnh hơn. Vì vậy, Sở đã chỉ đạo các trường phải chấm dứt dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ năm học 2016-2017 này. Các đơn vị đã được cấp phép phải hoàn tất thủ tục trả lại giấy phép cho Sở hoặc Phòng GD&ĐT để tiến hành giải thể chính thức, kể cả do nhà trường tổ chức hay cho các cơ sở bên ngoài thuê mướn tại trường. Sở và các đơn vị ở quận, huyện cũng sẽ có giải pháp quản lý các cơ sở dạy thêm bên ngoài trường và có quy trình chặt chẽ trong việc cấp phép mới.

“Song song đó, Sở đang làm đề án về việc đổi mới kiểm tra, đánh giá và công nhận tốt nghiệp để trình Bộ GD&ĐT ngay trong tháng 9 này để có cơ sở pháp lý cho Sở thực hiện. Cùng với đó là Sở sẽ biên soạn bộ sách giáo khoa riêng theo tám môn để giảm áp lực lên HS. Tất nhiên khi đó việc tuyển sinh của các trường ĐH cũng phải thay đổi” - ông Sơn nói.

Năm giải pháp quản lý dạy - học thêm

Sở GD&ĐT TP đã đề xuất năm giải pháp gồm: 1. Không cho phép giáo viên dạy HS mình đang dạy chính khóa trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả trong và ngoài nhà trường. Sở sẽ xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc nếu giáo viên vi phạm.
2. nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường trong việc quản lý giáo viên dạy thêm. Hiệu trưởng sẽ chịu mức kỷ luật cao nhất nếu để xảy ra việc ép buộc HS tham gia học thêm của giáo viên trong đơn vị mình. 3. Ngừng cấp phép mới cho việc dạy thêm trong nhà trường. 4. Sở tiếp tục phối hợp với các quận, huyện để tiến hành thanh tra, kiểm tra để chấm dứt dạy thêm sai quy định. 5. Sở sẽ tiếp tục đổi mới kiểm tra đánh giá, phương pháp giảng dạy và chấm dứt việc ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng học thuộc...

___________________________________

TP.HCM có khoảng 100.000 HS tiểu học có học thêm văn hóa ngoài giờ (chiếm 20%), có khoảng 190.000 HS trung học đang học thêm tại các cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 HS tham gia học tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường, chủ yếu là các môn toán, lý, hóa.

(Báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm