Vấn đề mấu chốt

Phía nhà trường cũng bớt hồi hộp vì sợ phải tuyển những thí sinh dưới mức trung bình, thậm chí cả yếu kém như đã từng xảy ra.

Nhưng phía sau điểm số cao và niềm vui chung ấy, chúng ta còn nhìn thấy được điều gì?

Có lẽ theo chúng tôi, tín hiệu tích cực dễ nhận thấy nhất nằm ở đề thi. Cách ra đề thi đã bám sát chương trình hơn, không còn câu hỏi đánh đố. Đề thi bước đầu có tính phân loại cao. Điều này thể hiện ở chỗ tuy điểm thi cao hơn năm ngoái nhưng điểm đạt gần mức tuyệt đối ít dần và đến nay chỉ thấy có một thí sinh đạt điểm tuyệt đối (30 điểm). Đặc biệt, đề thi các môn xã hội đã tăng số câu hỏi ra theo hướng mở. Điều này đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng phân tích, tổng hợp mới làm bài tốt; hạn chế được lối học tủ, học vẹt trước đây.

Dư luận xã hội đã đồng tình với cách ra đề thi. Nhưng theo chúng tôi, có lẽ đây mới chỉ là thành quả bước đầu trong quá trình cải tiến đề thi. Và công việc này cần phải được tiến hành liên tục, cùng với sự đầu tư công sức nhiều hơn nữa.

Vì sao như vậy? Như chúng ta đã biết, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là nhằm chọn ra những thí sinh có khả năng đáp ứng được yêu cầu của việc học tập ở bậc ĐH, CĐ. Liệu các đề thi tuyển sinh hiện nay đã thực hiện tốt chức năng này chưa? Câu trả lời không quá khó vì hằng năm hiện tượng “ngồi lầm chỗ” trong các trường ĐH vẫn diễn ra không phải là ít. Các TS này hoặc phải nghỉ học hoặc phải tự đào tạo lại để thích nghi. Sự tốn kém và lãng phí của việc “ngồi lầm chỗ” này là không nhỏ.

Thấy được tầm quan trọng này, ngày nay việc đánh giá trong học tập, thi cử đã trở thành một lĩnh vực khoa học mà hiện các chuyên gia giáo dục hàng đầu trên thế giới vẫn còn tiếp tục nghiên cứu. Nhà giáo Dương Thiệu Tống từng khẳng định: “Vấn đề đánh giá và đo lường là vấn đề mấu chốt trong thi cử”.

Hy vọng rằng trong vài năm tới, việc đánh giá TS qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ ngày càng được hoàn thiện hơn; từ đó tác động tích cực đến cách dạy và cách học trong nhà trường.

TỪ NGUYÊN THẠCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm