Văn hóa giao tiếp học đường: Thầy và trò chưa là bạn của nhau

Ngày 10-12, Trung tâm Phát triển nghiệp vụ sư phạm (Viện Nghiên cứu giáo dục) và ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường”. Những nhà sư phạm tham gia hội thảo đã ngồi lại và tìm cách lý giải: Vì sao người thầy chỉ mới là người truyền thụ kiến thức chứ chưa là bạn của học trò?

Nhà trường chưa là “kênh” chia sẻ

Câu chuyện được bàn nhiều nhất trong hội thảo chính là người thầy trong xã hội hiện tại dường như đang chỉ mới đáp ứng được việc truyền đạt kiến thức. Còn nhu cầu chia sẻ, nhu cầu bày tỏ quan niệm, suy nghĩ, những điều không có trong chương trình giáo khoa dường như bị bỏ lửng và dẫn đến không ít hệ lụy.

Nhà giáo Nguyễn Khắc Thuần (ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng những chuyện đứa cháu bịt miệng bà ngoại để giết bà, con ruột giết cha... để lấy tiền thỏa mãn thú chơi game online, hay như sinh viên tạt acid thầy vì thầy không cho điểm để đủ điều kiện tốt nghiệp... tất cả tiêu cực đó nếu chúng ta có kênh giao tiếp để học sinh, sinh viên bày bỏ quan điểm, triết lý sống thì có thể đã hạn chế được.

Văn hóa giao tiếp học đường: Thầy và trò chưa là bạn của nhau ảnh 1

Một tiết học về đạo đức “thầy-trò cùng đối thoại” tại Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, quận Gò Vấp. Ngày nay cần phát huy phương pháp dạy-học như thế này. Ảnh: QUỐC VIỆT

Nhà giáo Nguyễn Khắc Thuần cho rằng các hoạt động của đoàn thể, hội sinh viên, câu lạc bộ... rất quan trọng nhưng các tổ chức này thường hay tọa đàm nói về chuyện... yêu đương! Ít khi thấy họ quảng bá về văn hóa giao tiếp, ứng xử học đường.

Người thầy phải là tấm gương trong ứng xử

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Kim Ngân (ĐH Sư phạm TP.HCM) dẫn chứng: Một học sinh VN từng là một học sinh giỏi nhưng em sống khép kín nhưng khi du học sang Mỹ, học sinh này đã nói ra những suy nghĩ điên khùng nhất của mình mà thầy cô vẫn lắng nghe. Không bị giáo viên mắng nghĩ vậy là sai, là bậy mà được phân tích cho học trò mình hiểu tại sao em nghĩ vậy nhưng những bạn khác không nghĩ vậy.

Cô Ngân kết luận: Quan hệ thầy trò ở VN luôn là một khoảng cách. Đơn cử như có một học sinh muốn hỏi lại những điều trong bài giảng thì có thể bị giáo viên quát là sao nãy giờ không nghe giảng. “Giáo viên chúng ta chưa tạo được niềm tin cho học sinh giãi bày tâm tình của mình, chưa mở cho học trò một kênh giao tiếp mà ở đấy thầy trò cùng nhau đối thoại” - cô Ngân nói.

Nghiên cứu sinh Huỳnh Mộng Tuyền (ĐH Sư phạm Đồng Tháp) đưa ra kết quả khảo sát 280 sinh viên sư phạm của trường với bài tập yêu cầu sinh viên kể lại cách ứng xử của giáo viên để lại cho họ nhiều ấn tượng nhất (tốt hoặc xấu). Kết quả: Có 59% sinh viên kể lại ấn tượng tốt, 41% sinh viên kể lại ấn tượng xấu. Theo bà Tuyền, những quan niệm, cách giao tiếp, ứng xử cũ đã ăn vào tiềm thức của nhiều giáo viên nên rất khó thay đổi và là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu chia sẻ giữa thầy và trò.

Quá trình đào tạo sinh viên sư phạm đã chưa chú trọng năng lực hoạt động giáo dục, hình thành phẩm chất, nhân cách người thầy. “Đã đến lúc người thầy phải dùng kiến thức khoa học tâm lý giáo dục để gạn đục khơi trong; giúp học sinh, sinh viên phát triển tốt văn hóa ứng xử. Khi người thầy có văn hóa ứng xử thì trò theo đó sẽ noi gương” - bà Tuyền đề xuất.

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm