Vì sao hơn 80% bài thi môn Sử dưới điểm 5?

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, với khoảng 28.000 thí sinh dự thi môn Sử THPT quốc gia, có 80,9% bài thi có điểm dưới trung bình; 19,1% học sinh đạt điểm trên trung bình, số thí sinh đạt điểm giỏi (từ 8 trở lên) là 0,36%. Môn này không có thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Thi sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. ẢNH: HOÀNG GIANG

Liên quan đến vấn đề này, cô Lê Thị Thính, giáo viên dạy sử Trường THPT Đào Duy Anh, cho biết một trong những nguyên nhân khiến điểm thi môn sử thấp là do học sinh chưa quen với những dạng câu hỏi mới trong đề thi. Năm nay, trong đề có rất nhiều đáp án cài bẫy, mang tính nâng cao,đòi hỏi học sinh phải tư duy tốt mới có thể chọn lựa được đáp án chính xác nhất.

Với đề thi này, học sinh không chỉ dừng lại ở việc học thuộc kiến thức, ghi nhớ sự kiện mà cần phải biết tư duy, tổng hợp kiến thức. Đề này, đối với học sinh học thuộc kiến thức lịch sử chỉ làm được khoảng 4, 5 điểm. Còn 5 điểm còn lại dành cho những học sinh biết vận dụng, tư duy, tổng hợp kiến thức. “Thực tế hiện nay, học sinh còn quen với việc học thuộc, khả năng tư duy vấn đề còn yếu nên thành ra với những đề thi dạng tổng hợp, các em khó có thể đạt được điểm cao” - cô Thính giải thích.

Cô Thính cũng cho hay hiện đang có khoảng cách giữa việc dạy, học và cách ra đề thi trắc nghiệm. Giáo viên các trường đều quen với việc dạy học theo từng giai đoạn lịch sử, yêu cầu ghi nhớ chi tiết ngày, tháng, diễn biến sự kiện. Còn với kiểu đề thi trắc nghiệm, người dạy cần phải thay đổi phương pháp, cô đọng theo hình thức sơ đồ tư duy.

Theo cô Thính, trong năm tới để đạt kết quả cao đối với môn sử, cần có sự thay đổi trong quá trình dạy học. Giáo viên phải nâng cao kiến thức tư duy, tổng hợp vấn đề cho học trò. Còn về phía học sinh cần nắm bắt lịch sử theo dạng từ khóa, không chỉ là sự ghi nhớ sự kiện. Mặt khác, giáo viên phải cho học sinh làm quen với nhiều dạng đề lịch sử khác nhau theo hướng tư duy. Trong quá trình ôn tập, giáo viên cần chỉ cho học sinh những kỹ năng làm đề dạng tính tổng hợp, cần luyện nhiều để các em có tính phản xạ.

 “Con số trên là hệ quả của việc học sinh chưa thay đổi cách học, giáo viên chưa nắm bắt được cách ra đề. Đặc biệt, lộ trình ra đề cho đến cách dạy và học hiện nay chưa có sự thống nhất” - cô Nguyễn Thị Kim Quyên, tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Nguyễn Du, nhấn mạnh.

Cô Quyên cho hay đề thi môn sử năm nay có 2 điểm thuộc về kiến thức lớp 11 và 8 điểm lớp 12, nó không có giới hạn chương trình. Chỉ riêng học sử lớp 12 học sinh cũng đã vất vả lắm rồi chứ chưa nói đến kiến thức 11. Đề năm nay đòi hỏi học sinh phải có sự phân tích, đánh giá. Trong khi đó, hầu hết các em chọn tổ hợp khoa học xã hội khả năng phân tích, đánh giá, tư duy vấn đề của các em không cao. Mặt khác,học sinh vẫn quen với việc học thuộc, vì thế điểm thấp cũng là điều dễ hiểu.

Hơn nữa, mục đích của kỳ thi năm nay là hai trong một cho nên điểm cao hay thấp phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu và mục đích tham gia kỳ thi của các em. Hầu hết, các em đều thi để khỏi bị điểm liệt với mong muốn xét tốt nghiệp. Còn những em có nguyện vọng lấy điểm lịch sử xét tuyển vào các trường dại học, cao đẳng mới có nhu cầu đạt điểm cao.

“Bên cạnh đó, thời lượng chương trình có giới hạn trong khi khối lượng kiến thức rất nhiều, đề 50 phút gồm 40 câu, riêng việc đọc đề không cần suy nghĩ cũng chiếm phần lớn thời gian, để quyết định câu đúng nhất trong tất cả câu đòi hỏi học sinh phải có một trình độ nhất định. Mấy năm nay, môn sử điểm đã thấp và năm nay đỉnh điểm” - cô Quyên bày tỏ.

Theo cô Quyên, hiện nay giáo viên đang bị giới hạn bởi chương trình, thời lượng và cũng không lường trước được mức độ khó của đề thi cho nên  giáo viên cũng bối rối không biết sẽ ôn như thế nào. Trường có một học sinh là á quân tự hào Việt Nam nhưng sử thi THPT chỉ được khoảng 7,75 điểm. Nói như vậy để thấy đề sử năm nay rất khó. “Với tình hình này, năm học tới sẽ cần thật nhiều thay đổi từ phía người dạy lẫn học trò mới hy vọng điểm số có sự thay đổi” - cô Quyên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm